Nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật
08:55 04-12-2020
VOV.VN - Một số bộ ban ngành được giao soạn dự thảo luật để trình dự án luật, nhưng lại không làm sát với thực tế mà lại có biểu hiện lôi kéo có lợi ích về cho nhóm bộ ngành đó.
Chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, để đánh giá tình hình trong 5 năm qua và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. (Ảnh: VGP)
Khó nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật
Trong thời gian qua, có thể thấy có tình trạng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, ví dụ như việc xây dựng các chính sách mang tính chất Bộ ngành mà chưa thông qua giám sát và phản biện, dẫn đến để lọt một số quy định pháp luật và phải tiến hành sửa nhiều lần.
Tuy nhiên, việc ngăn ngừa, phòng chống nhóm lợi ích vô cùng khó khăn. Vậy làm sao có thể nhận diện được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật và phải làm gì để chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật một cách hiệu quả?
Trao đổi trong chương trình Câu chuyện thời sự hôm nay trên sóng VOV1, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO khẳng định, lợi ích nhóm là một vấn đề chung của nền kinh tế xã hội. Khi đã có quyền, có lợi ích thì thường sinh ra lợi ích cục bộ và lợi ích riêng của người trực tiếp tham gia.
Theo LS Trương Thanh Đức, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, việc xác định lợi ích nhóm khó hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác: “Như một quyết định đầu tư, hay quy định về đấu thầu, đấu giá… chúng ta dễ kiểm soát, đánh giá và xử lý được những hiện tượng phát sinh lợi ích nhóm vi phạm pháp luật. Nhưng xây dựng chính sách lại có liên quan đến rất nhiều cấp, nhiều nội dung, vấn đề trong một văn bản. Do vậy, để nói rằng có lợi ích nhóm hay không và lợi ích nhóm như thế nào, thì đây là một câu chuyện không đơn giản”.
LS Đức nhận định, lợi ích nhóm bản chất là hành vi tham nhũng và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Mối quan hệ này được hình thành bởi mối câu kết giữa những người có quyền lực trong hệ thống chính trị với cá nhân, doanh nghiệp hoặc một nhóm người bên ngoài, nhằm tạo ra các quyết định hoặc tìm cách tác động vào chính sách để đạt được lợi ích riêng của nhóm này.
“Đơn giản, tôi cho rằng đây là việc họ bỏ lợi ích của tổng thể xã hội, của cộng đồng để chạy theo bảo vệ lợi ích của số ít, của nhóm nhỏ. Nếu trường hợp này đã nhìn thấy rõ từ quá trình soạn thảo, đã đưa ra tranh luận song vẫn quyết định thực thi thì có thể kết luận đây là hành động vì lợi ích nhóm. Trường hợp luật xây dựng và được đưa vào thực thi rồi mới phát hiện bất cập thì không nên quy vào lợi ích nhóm. Trường hợp này là do khả năng, nhận thức và phương pháp làm việc… thực tế công tác xây dựng luật hiện còn rất nhiều bất cập và hạn chế”, LS Đức nêu ý kiến về nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
Thiệt hại là lòng tin
Khi chính sách không hợp lý, không đi theo đúng nguyên lý vì số đông, không vì cái chung vì lợi ích cộng đồng, thì chắc chắn nó sẽ hướng tới mang lại lợi ích cho ai đó và việc như vậy đương nhiên sẽ làm chính sách pháp luật méo mó, lệch lạc, không chỉ mang lại lợi ích cho nhóm lợi ích hướng tới mà còn những đối tượng không chân chính, không nghiêm túc… hưởng lợi ăn theo. Bên cạnh đó, làm cho những người làm đúng làm thật chịu thiệt hại. Như vậy, tổng lợi ích chung do chính sách mang lại và tác động chung đối với xã hội sẽ giảm thấp đi và đôi khi thu về kết quả âm với các lợi ích kinh tế-xã hội, môi trường và cả mất lòng tin của người dân, doanh nghiệp với pháp luật, đối với Đảng và Nhà nước.
Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO – LS Thanh Đức, thực tế, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật việc này xảy ra nhiều hơn trước bởi lợi ích kinh tế hiện nay nhiều hơn, số văn bản và vấn đề điều chỉnh phức tạp và cần phải cụ thể hơn, theo đó, đòi hỏi người làm chính sách phải có cách nhìn nhận, đánh giá nhận thức, kỹ thuật, kỹ năng xử lý chuyên nghiệp hơn và phải công khai, minh bạch, khách quan, vô tư hơn… Song hàng chục năm qua, rất nhiều văn bản rõ ràng bất hợp lý từ ngay khâu soạn thảo. “Các cơ quan quản lý biết điều đó khi tiến hành tranh luận hay các chuyên gia cũng giải thích song cuối cùng điều thất vọng và đáng buồn là rất nhiều bất hợp lý vẫn được các cấp có thẩm quyền thông qua, gây ra bức xúc trong cộng đồng và những vướng mắc không đáng có. Sau đó, lại phải chỉ đạo, nghiên cứu và sửa chữa. Mỗi lần như vậy lại mất vài năm trời và gây thiệt hại nhiều về kinh tế, cũng như lòng tin của doanh nghiệp và người dân”, LS Đức nêu thực tế.
Cá nhân con người khi tham gia vào bất cứ hành động nào thì đều có xu hướng lợi ích của mình và đơn vị mình. Cần phải tính đến để loại trừ, chủ động ngăn chặn, hạn chế yếu tố này. Nếu không có biện pháp, không có xử lý tốt thì sẽ không những không ngăn chặn mà thậm chí còn khuyến khích, khiến người tham gia xây dựng chính sách luôn có suy nghĩ, hành động có lợi cho nhóm của mình… và cao hơn là tham nhũng chính sách để mang lại lợi ích cho nhóm của mình.
Đặc biệt, rõ ràng nhất mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra là lợi ích ngành, lợi ích bộ, lợi ích của các địa phương… khi hướng tới lợi ích riêng thì đương nhiên lợi ích chung của toàn xã hội sẽ bị bỏ qua.
“Từng tham vào nhiều hội đồng thẩm định, nghiệm thu, đánh giá, tôi có cảm nhận là chúng ta quá hình thức, đối phó và làm để hợp thức, chứ thực sự không giải quyết được vấn đề bản chất. Để nâng cao được chất lượng đạo luật phải làm cách thức khác theo hướng công khai, minh bạch, phản biện và đi kèm với trách nhiệm giải trình. Nếu không giải trình hợp lý trước người phản biện thì không được phép ban hành những chính sách mà đã nhìn thấy những bất cập ngay từ trong trứng nước, trong dự thảo”, ông Đức nói.
LS Thanh Đức khẳng định, giải pháp là phải cân nhắc ai là người chịu trách nhiệm đến cuối cùng, bởi thực tế nhiều luật đưa ra không đúng, nhưng sau khi bị dư luận chú ý đến đã thay đổi nhanh chóng.
Nhiều dự thảo, nhiều ý tưởng đưa ra rất hợp lý, đổi mới… nhưng càng đến giai đoạn sau, đến giai đoạn ban hành lại bị hạn chế không còn như ban đầu, bị kém đi rất nhiều… Do vậy, điều cần làm là công khai minh bạch trong quá trình soạn thảo, huy động lực lượng chuyên gia, những người thực tế làm./.
https://vov.vn/chinh-tri/nhan-dien-loi-ich-nhom-trong-xay-dung-phap-luat-821655.vov - theo vov.vn