Nguyên nhân khiến Armenia lép vế trước Azerbaijan ở mặt trận Nagorno-Karabakh 2020
10:15 20-11-2020
VOV.VN - Có nhiều nguyên nhân khiến Armenia và “Cộng hòa Artsakh” bị lép vế trước Azerbaijan ở mặt trận Nagorno-Karabakh và buộc phải ký kết thỏa thuận đình chiến bất lợi cho họ.
Nhiều yếu tố đã cùng hội tụ dẫn tới thế thua của Armennia/“Cộng hòa Artsakh” trước Azerbaijan ở Nagorno-Karakabh trong đợt xung đột vũ trang kịch liệt kéo dài từ ngày 27/9 đến 9/11 năm 2020. Hậu quả, Armenia đã buộc phải ký kết thỏa thuận đình chiến Nagorno-Karakabh 2020 cùng với Azerbaijan và Nga. Thỏa thuận có nhiều điều khoản nghiêng hẳn về Azerbaijan, phản ánh cục diện trên chiến trường.
Đồ họa về kế hoạch gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh (từ ngày 10/11/2020). Trong đó, vùng A là vùng lõi Nagorno-Karabakh. Vùng B gồm các lãnh thổ mà quân đội Azerbaijan chiếm được trong cuộc chiến tranh 2020. Vùng C là vùng mà Armenia/“Cộng hòa Artsakh” sẽ phải chuyển giao cho Azerbaijan trong khoảng thời gian từ 15/11 đến 1/12/2020. Vùng D (vùng Agdam) sẽ được chuyển giao cho Azerbaijan vào ngày 20/11. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.
Đồ họa về kế hoạch gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh (từ ngày 10/11/2020). Trong đó, vùng A là vùng lõi Nagorno-Karabakh. Vùng B gồm các lãnh thổ mà quân đội Azerbaijan chiếm được trong cuộc chiến tranh 2020. Vùng C là vùng mà Armenia/“Cộng hòa Artsakh” sẽ phải chuyển giao cho Azerbaijan trong khoảng thời gian từ 15/11 đến 1/12/2020. Vùng D (vùng Agdam) sẽ được chuyển giao cho Azerbaijan vào ngày 20/11. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.
Ở đây, để độc giả tiện theo dõi, xin lưu ý rằng Armenia và “Cộng hòa Artsakh” tuy hai mà một, tuy một mà hai. “Cộng hòa Artsakh” là một nhà nước tự xưng trên vùng núi Nagorno-Karakabh với đa phần cư dân là người tộc Armenia. Khu vực này từng muốn sáp nhập vào Armenia nhưng không được Liên Xô và Azerbaijan chấp thuận. Từ khi ra đời cho tới nay, “Cộng hòa Artsakh” không được phần lớn cộng đồng quốc tế công nhận. Bản thân Armenia cũng không chính thức công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Artsakh”. Tuy vậy, Armenia tích cực và công khai hậu thuẫn cho “Cộng hòa Artsakh”. Azerbaijan xem các cuộc xung đột quân sự ở Nagonro-Karabakh là giữa Azerbaijan và Armenia, còn Armenia coi đó là xung đột giữa “Cộng hòa Artsakh” tự phong và Azerbaijan.
Trước ngày 27/9/2020, “Cộng hòa Artsakh” (còn gọi là “Cộng hòa Nagorno-Karabakh”) kiểm soát gần như hoàn toàn vùng núi Nagorno-Karabakh và 7 vùng xung quanh. “Cộng hòa Artsakh” chiếm đóng thêm 7 vùng lân cận này sau cuộc Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ nhất. Bảy vùng lân cận này vốn dĩ là địa bàn của người tộc Azerbaijan sinh sống nhưng “Artsakh” đã chiếm lấy vì ba mục đích sau: (1) Tạo vùng đệm an toàn xung quanh “Artsakh” (ngăn ngừa Azerbaijan dùng các vùng này làm bàn đạp tấn công “Artsakh”), (2) để giữ liên lạc trên bộ với Armenia (“Artsakh” rất cần sự hậu thuẫn, tiếp tế về vật chất từ Armenia), và (3) có thể Armenia và “Cộng hòa Artsakh” muốn lấy đó làm điều kiện để mặc cả với Azerbaijan về nền độc lập của “Cộng hòa Artsakh”.
Armenia/“Cộng hòa Artsakh” chịu thiệt hại, mất quyền kiểm soát đất
Tuy nhiên sau hơn một tháng chiến sự đẫm máu (kể từ ngày 27/9/2020), Armenia/“Cộng hòa Artsakh” đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề về người và cơ sở hạ tầng, đồng thời đánh mất quyền kiểm soát đối với khoảng một nửa diện tích trong tổng số 7 khu vực cận kề bao quanh Nagorno-Karabakh. Không những vậy, họ còn để một bộ phận lãnh thổ bên trong vùng lõi của Nagorno-Karabakh rơi vào tay quân đội Azerbaijan. Đặc biệt, Azerbaijan đã tái chiếm được thành phố chiến lược Shushi (phía Azerbaijan gọi là Shusha), là một khu vực chỉ cách thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh có 10km và nằm ở địa thế cao hơn Stepanakert, do đó về lý thuyết quân đội Azerbaijan sẽ tạo mối đe dọa thường trực đối với Stepanakert. Hồi Chiến tranh Nagorno-Karabakh vào đầu thập niên 1990, quân đội Azerbaijan đã bố trí pháo binh và rocket ở đây để liên tục bắn phá Stepanakert. Các đợt pháo kích đó chỉ chấm dứt sau khi “Quân đội phòng vệ Artsakh” chiếm được thành phố này.
Ngày 9/11/2020, Tổng thống Azerbaijan Aliyev, Thủ tướng Armenia Pashinyan, và Tổng thống Nga Putin đã ký thỏa thuận đình chiến tại Nagorno-Karabakh. Nội dung thỏa thuận quy định các bên ngừng bắn từ ngày 10/11/2020. Không những vậy, thỏa thuận còn duy trì quyền kiểm soát của Azerbaijan đối với các vùng đất họ vừa tái chiếm từ ngày 27/9, đồng thời yêu cầu Armenia phải bàn giao nốt những phần còn lại trong 7 vùng lân cận của Nagonro-Karabakh cho Azerbaijan.
Armenia đã buộc phải ký kết văn bản này trong bối cảnh Azerbaijan giành nhiều thắng lợi trên chiến trường. Lãnh đạo Armenia xác định đây là một điều đau đớn với họ nhưng họ buộc phải làm vậy để tránh tổn thất sinh mạng cho các binh sĩ người Armenia và có thể cả nguy cơ họ mất nốt vùng lõi Nagorno-Karabakh. Theo thỏa thuận, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai quanh Nagorno-Karabakh. Lực lượng quân sự này của Nga cũng sẽ bảo vệ hành lang kết nối Nagorno-Karabakh với Armenia.
Người dân Armenia xông vào trụ sở quốc hội nước này để phản đối sau khi Thủ tướng Armenia ký thỏa thuận đình chiến với Azerbaijan và Nga (dưới sự trung gian của Nga). Ảnh: Reuters.
Chính vì thỏa thuận đình chiến này có lợi hơn cho Azerbaijan nên Tổng thống Azerbaijan Aliyev đã tuyên bố văn bản này đồng nghĩa với sự quy hàng của Armenia, còn dân chúng Azerbaijan đã đổ ra đường ăn mừng “chiến thắng to lớn” của họ. Ngược lại, tại Armenia dân chúng lại biểu tình phản đối việc ký kết đình chiến. Người dân Armenia còn xông vào trụ sở quốc hội nước này, kêu gọi thủ tướng của Armenia phải từ chức. Thậm chí đã xuất hiện các thông tin về âm mưu ám sát Thủ tướng Armenia Pashinyan. Trước áp lực từ dân chúng, Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan hôm 16/11 đã nộp đơn xin từ chức.
Các nguyên nhân giúp Azerbaijan bắt đầu lật ngược thế cờ sau 30 năm
Từ năm 2016, Azerbaijan đã bộc lộ dấu hiệu muốn giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh bằng vũ lực trên chiến trường. Năm 2020, quyết tâm đó mạnh mẽ hơn.
Giai đoạn đầu thập niên 1990, quân đội Armenia/“Cộng hòa Artsakh” đã áp đảo hơn quân đội Azerbaijan, đã đánh bật đối phương ra khỏi lãnh thổ Nagorno-Karakabh, đồng thời chiếm thêm 7 vùng lân cận. Suốt từ đó đến giữa năm 2020 (tức là trong 3 thập kỷ liền), tình thế trên thực địa ở Nagorno-Karabakh cơ bản không thay đổi. “Quân đội phòng vệ Artsakh” vẫn bám sát trận địa và bảo vệ vững chắc lãnh thổ của “Cộng hòa Artsakh” tự phong.
Nhưng tình hình tại đây từ tháng 9/2020 đã thay đổi nhảy vọt. Quân đội Azerbaijan đã tạo được bước đột phá trên chiến trường nhờ vào vũ khí hiện đại, cách đánh hiểm hóc, và môi trường địa chính trị đã thay đổi theo hướng có lợi cho họ....
1- Đòn sát thủ mang tên phi cơ không người lái (UAV). Có thể nói, UAV đã tạo bước ngoặt cho thế đối đầu quân sự ở Nagorno-Karabakh. Hay nói cách khác, UAV là nhân tố “thay đổi cuộc chơi” ở đây. Lợi thế UAV hoàn toàn nghiêng về Azerbaijan, kéo theo lợi thế của Azerbaijan trên mặt đất.
Trong năm 2020 và nhiều năm trước đó, Azerbaijan đã tích cực mua sắm UAV quân sự (gồm cả loại trinh sát và loại tiến công) từ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Đáng lưu ý là loại phi cơ không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất (có sử dụng một số công nghệ của phương Tây) và phi cơ không người lái cảm tử do Israel sản xuất. UAV Bayraktar TB2 thực sự đáng sợ, có khả năng dùng nhiều lần, bay thấp để tránh radar, đồng thời phát hiện mục tiêu thông qua bức xạ và một số cách thức khác. UAV này có cảm biến để quan sát và ghi hình mục tiêu trước và sau khi bị tấn công bằng tên lửa phóng từ UAV. Tên lửa được dẫn đường nên dễ dàng đánh trúng mục tiêu. Còn UAV cảm tử do Israel cung cấp có khả năng lao thẳng vào mục tiêu khiến đối phương không kịp trở tay.
UAV là một giải pháp lợi hại và tiết kiệm hơn rất nhiều so với dùng phi cơ có người lái. Các máy bay chiến đấu (không phải UAV) thường đắt tiền hơn, đồng thời phải có người lái nên mức độ rủi ro về tính mạng sẽ cao hơn (mà đào tạo phi công thì hết sức tốn kém). Trong khi đó, người điều khiển UAV có thể ngồi trên mặt đất, trong những nơi kín đáo và an toàn. Khi lấy UAV đối chọi với bộ binh, xe tăng, và pháo binh của đối phương thì rõ ràng UAV chiếm ưu thế hơn hẳn. UAV ở trên cao, có thể quan sát dễ dàng trận địa bên dưới, trong khi bên dưới không phải lúc nào cũng có thể ngẩng đầu quan sát phía trên. UAV lại yên tĩnh hơn các chiến đấu cơ, đồng thời có thể bay lơ lửng tại một khu vực tương đối dễ dàng. UAV có thể bay tương đối thấp để tránh sự phát hiện của radar. Nói một cách hình ảnh thì với lối đánh bằng UAV này, quân Azerbaijan ở trong bóng tối còn binh sĩ người Armenia ở chỗ sáng và trở thành “mồi ngon” cho đối phương.
Trong trận chiến Karabakh vừa qua, phía Azerbaijan còn khôn ngoan dùng chiến thuật “mồi nhử” để phòng không Armenia/“Cộng hòa Artsakh” bộc lộ vị trí. Cụ thể họ đã cải tạo các máy bay cổ (ít nhất là 11 chiếc) thành các UAV rồi cho chúng bay vào không phận Nagorno-Karabakh. Khi đó, “Quân đội phòng vệ Artsakh” bật radar để phát hiện và ngắm bắn các UAV tự chế này và do đó làm lộ vị trí các đơn vị phòng không của mình trước các UAV chủ lực của đối phương đang bí mật lượn lờ gần đó. Chiến thuật này đã giúp Azerbaijan vô hiệu hóa đáng kể các hệ thống radar và bệ phóng tên lửa phòng không của “Artsakh”.
Bên cạnh chiến thuật “mồi nhử”, Azerbaijan còn dùng UAV trinh sát để nắm tình hình trận địa đối phương và áp dụng chiến thuật “bầy đàn” (huy động lượng lớn UAV để tiến đánh đối phương) khiến đối phương bị áp đảo, chống trả không xuể.
Azerbaijan chiếm ưu thế trong xung đột ở Karabakh nhờ UAV
Trong khi đó, phía “Artsakh” thì không có UAV nào, họ chỉ có vũ khí truyền thống là pháo mặt đất, pháo cao xạ, và tên lửa phóng từ mặt đất. Armenia tuy có UAV nhưng số lượng rất ít và chủ yếu là UAV trinh sát và UAV do họ tự phát triển. Được biết, UAV tuy không quá đắt nhưng Armenia/“Artsakh” không đủ kinh phí để mua sắm nhiều UAV hiện đại và hiệu quả từ nước ngoài. Như vậy, Armenia/“Artsakh” đã phải bước vào một cuộc chiến không cân sức.
Azerbaijan đã dùng các UAV sát thủ của mình để không chỉ tiêu diệt hệ thống phòng không của Armenia/“Artsakh” mà còn tấn công không thương tiếc vào các xe thiết giáp, pháo mặt đất, xe tải, và binh sĩ Armenia trong công sự, triệt hạ tối đa sinh lực đối phương hết ngày này qua ngày khác, đến mức phía Armenia dần không chịu đựng được nữa.
Sau khi phía Armenia/“Artsakh” bị thiệt hại nặng nề về quân nhân và vũ khí, quân đội Azerbaijan dễ dàng tổ chức xung phong để chiếm đất.
Trong trận chiến UAV vừa qua, phía Azerbaijan còn áp dụng cả tâm lý chiến UAV. Họ đã ghi hình các cuộc tấn công tàn khốc bằng UAV rồi chia sẻ các video đó trên website Bộ Quốc phòng Azerbaija và trên các mạng xã hội trên mạng internet, cũng như trình chiếu công khai các clip này bằng các ti-vi lớn tại các địa điểm công cộng ở thủ đô Baku, từ đó gây tác động tâm lý rất mạnh lên binh sĩ người Armenia trong chiến hào cùng giới lãnh đạo Armenia/“Artsakh”.
Nếu hai bên chỉ đánh nhau “tay bo” bằng bộ binh, xe tăng, và pháo binh thì chưa chắc “gió đã đổi chiều” như vừa rồi. Vì người dân Armenia vốn có truyền thống là những chiến binh thiện chiến và quả cảm. Hơn nữa vùng núi Nagorno-Karakabh vốn hiểm trở mà người tộc Armenia lại am hiểu vùng này và xây được hệ thống trận địa, công sự vững chắc, rộng khắp trong vài thập kỷ qua.
Cuộc chiến Nagorno-Karabakh 2020 chính là cuộc chiến tranh đầu tiên mà UAV được sử dụng trên quy mô lớn và có tác dụng thay đổi cục diện. Nó cũng đặt ra nhiều vấn đề về an ninh phòng không đòi hỏi các lực lượng quân đội nói chung và phòng không nói riêng trên thế giới phải nghiên cứu kỹ càng về biện pháp đối phó với các mối đe dọa từ UAV trên phương diện quân sự.
2- Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ vốn như anh em với Azerbaijan – hai nước là “một dân tộc, hai quốc gia”, với nhiều điểm tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa. Ngày nay, trong cuộc cạnh tranh nước lớn, Thổ Nhĩ Kỳ đã cổ xúy mạnh mẽ cho Azerbaijan tái chiếm Nagorno-Karabakh, họ đã đầu tư cung cấp vũ khí và kinh nghiệm quân sự cho Azerbaijan. Nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đóng vai trò rất quan trọng trong quyết tâm quân sự của Azerbaijan lần này.
3- Armenia không còn được Nga ủng hộ nhiều nữa. Nga vốn là chỗ dựa quan trọng của Armenia. Vừa rồi chính trường Armenia có nhiều biến động theo hướng dịch chuyển về phương Tây, khiến Nga bớt mặn mà với Armenia. Do vậy trong giai đoạn đầu của cuộc chiến Karabakh 2020, Nga đã khá thờ ơ, chỉ đến khi tình hình “Cộng hòa Artsakh” thực sự nguy khốn, Nga mới can thiệp một cách quyết đoán để hỗ trợ Armenia.
4- Bản thân Azerbaijan đã chuẩn bị trong 3 thập kỷ cho việc thu hồi lãnh thổ họ đã mất. Học thuyết quân sự của Azerbaijan được thông qua vào năm 2010 đã mở đường cho nước này dùng vũ lực để thu hồi lãnh thổ. Đụng độ quân sự năm 2016 có thể là cuộc tập dượt lớn đầu tiên cho chiến trận 2020 này. Đã vậy theo thời gian, Azerbaijan ngày càng có nhiều điều kiện về kinh tế để theo đuổi mục tiêu này. Họ có nguồn dầu mỏ phong phú, giáp với biển Caspia, có đất rộng và dân đông hơn đối phương, có tiềm năng phát triển kinh tế vượt bậc... từ đó có điều kiện để đầu tư cho quân đội và mua sắm vũ khí một cách toàn diện, không chỉ UAV.
Trong khi đó, đối phương của họ nghèo hơn hẳn, không có mấy tài nguyên, không có biển, diện tích nhỏ, dân số nhỏ (chỉ bằng gần 1/3 dân số Azerbaijan). Armenia ở vào thế dễ bị phong tỏa hơn nhiều.
5- Azerbaijan chọn đúng thời điểm. Không phải ngẫu nhiên chiến sự lại nổ ra vào cuối tháng 9/2020. Đây là lúc cuộc đua vào Nhà Trắng ở Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn quan trọng. Căng thẳng ở Karabakh đã được đẩy lên vào đúng lúc cả thế giới cũng như nước Mỹ dồn sự chú ý vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đã vậy Azerbaijan lại gặp thêm một may mắn nữa là bầu cử Mỹ năm nay có nhiều diễn biến cam go, khó lường với sự giằng co giữa 2 ứng viên Trump và Biden, và việc ông Trump cáo buộc có gian lận phiếu bầu. Thực sự trong bối cảnh đó, Mỹ không có nhiều cảm hứng để quan tâm đến vấn đề Nagorno-Karabakh dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng vài lần lên tiếng theo hướng bảo vệ người Armenia./.
https://vov.vn/the-gioi/ho-so/nguyen-nhan-khien-armenia-lep-ve-truoc-azerbaijan-o-mat-tran-nagorno-karabakh-2020-818740.vov - theo vov.vn