Người vật vã mưu sinh, người đi viện vì nắng nóng đỉnh điểm
09:42 24-06-2020
VOV.VN -Mấy ngày nay, nhiều tỉnh phía Bắc và Hà Nội xấp xỉ 40 độ C, cuộc sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân đảo lộn, nhất là những lao động ngoài trời.
Nhiệt độ ngoài trời trên các tuyến phố thủ đô Hà Nội luôn vượt ngưỡng 40 độ C vào buổi trưa. Người dân mỗi khi ra đường như nghẹn thở trong "chảo lửa" trước cái nắng nóng gay gắt diện rộng. Khoảng 14-16h là đỉnh điểm của ngày nắng nóng, khi nhiệt độ cao nhất có thể đạt 39-40 độ C, chỉ số tia tử ngoại đạt ngưỡng 8-10, mức đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là da và mắt...
Nhiệt độ tại nhiều nơi tại Hà Nội hôm nay được ghi nhận lên tới hơn 40 độ C. Bất chấp cái nóng, nhiều người dân vẫn phải ra đường vì miếng cơm, manh áo.
Muôn kiểu “kiếm cơm” dưới nắng
Những ngày này, cái nóng có thể cảm nhận được ngay từ sáng sớm. Người dân hạn chế ra đường tối đa, những người ra khỏi nhà phải bịt kín từ đầu đến chân để bảo vệ mình.
Ở trung tâm Hà Nội, mật độ các tòa nhà dày đặc, xe cộ lưu thông thải khí nóng hầm hập, trong khi không gian cây cối sân vườn còn hạn chế làm trời đã nóng lại càng thêm bức bối, ngột ngạt. Trong cái nắng như dội lửa xuống đầu, nhiều người lao động vẫn phải quay cuồng làm việc mưu sinh.
Chị Lan, một người bán rau tại vỉa hè phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cứ chốc chốc lại cầm chai nhựa tưới nước lên những mớ rau.
Cô Lan bán hoa dạo liên tục tưới nước tránh cho xe hoa héo quắt dưới cái nắng nóng lên tới 40 độ C.
“Nắng nóng như vậy nên người dân ăn rau nhiều hơn, rau bán chạy nhưng rất nhanh héo. Chỉ để chừng 5, 10 phút là lá rau đã héo quắt, trông không ngon mắt, khó bán hơn”, chị Lan cho biết.
Giống như các khu chợ, bến xe cũng là nơi có lượng người qua lại cao dù thời tiết khắc nghiệt. Những ngày này, cái nóng tỏa ra từ hơi người, khí nóng từ xe cộ, các phương tiện tập kết trong bến xe khiến nhiệt độ như tăng thêm.
Làm nghề chạy xe ôm trước bến xe Giáp Bát, anh Nguyễn Văn Đại (quê Nam Định) ngồi trên yên xe máy, tay dùng tờ báo liên tục quạt lạch phạch cho biết, "Nắng sắp hết hơi rồi chú ạ, thêm vài ngày nữa chắc ốm hết. Nóng thế này khách họ đi taxi nhiều, chúng tôi chờ từ sáng đến chiều có khi không chạy được chuyến nào. Nếu có chỉ là khách đi những chặng ngắn, thu nhập không được bao nhiêu", anh Đại nói.
Muôn kiểu trốn nóng 40 độ C ở Hà Nội, gốc cây, bóng mát bất kể chỗ nào đều được người dân trưng dụng làm nơi tránh nắng.
Vất vả, nhọc nhằn nhất phải kể đến công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội, những ngày này khí nóng từ mặt đường phả ra hầm hập khiến công việc của những người lao công như khó khăn hơn bội phần.
Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, những ngày này, vừa phải tiếp xúc với khói bụi, vừa phải chịu cái nắng như thiêu đốt, chị thấy vất vả hơn rất nhiều, mồ hôi lúc nào cũng vã ra như tắm. Để tránh bớt cái nóng, chị Nga và các công nhân khác phải đi quét dọn đường phố sớm hơn vào buổi sáng và muộn hơn vào buổi chiều.
“Tuy nhiên, tiết trời oi ả từ sáng sớm đến tối muộn vẫn ảnh hưởng rất lớn đến công việc của công nhân vệ sinh, có người bị mất nước, say nắng, ngất xỉu ngay trong lúc làm việc”, chị Nga cho biết.
Vào buổi trưa, nhiều người hành nghề tự do đổ ra các công viên, vỉa hè để tránh nóng. Nhiều người tìm đến các siêu thị, trung tâm thương mại như Time City, AEON Mall, Vincom...để “hưởng ké” khí mát điều hòa tránh nóng. Cũng có những sinh viên chọn cách chống nóng rất độc đáo: ngủ trưa, học bài trên xe bus. Chỉ cần ngồi hai lượt xe buýt đường dài như tuyến 32 (Giáp Bát - Nhổn) hoặc tuyến 26 (Mai Động – Sân vận động Mỹ Đình) là có một giấc ngủ ngon lành với điều hòa mát.
Nhập viện vì nắng nóng
Những ngày nóng kỷ lục này, hầu hết các bệnh viện lớn ở Hà Nội như Việt Đức, Viện K, Viện nhi Trung ương, Viện Nội tiết Trung ương...đều quá tải. Số bệnh nhân đến khám và điều trị đã tăng lên đáng kể, chủ yếu do mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, viêm phổi, tim mạch, huyết áp và ngộ độc thực phẩm.
Người già nhập viện tăng cao do thời tiết nắng nóng cực đoan.
Đông nhất là người già, trẻ nhỏ không chịu được thời tiết khắc nghiệt nên số lượng nhập viên tăng lên rất lớn. Người nhà chăm sóc các bệnh nhân, phải trải chiếu ngủ tạm ở hành lang bệnh viện trong tiết trời oi ả.
Chị Nguyễn Thị Lam (Phú Thọ) đi chăm con bị ốm tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nắng nóng gay gắt khiến con gái bị ốm phải nhập viện, chị ở viện hôm nay là ngày thứ 4 rồi.
“Nhà có hai người xuống thay nhau chăm sóc cháu, cứ người nọ ở trong phòng thì người kia lại tranh thủ mang chiếu ra gốc cây nằm ngủ. Mà cũng chỉ ngủ được một lúc buổi sáng. Từ 9 giờ trở đi, nắng nóng không thể ngủ được. Vào bệnh viện mới thấy nhiều người khỏe cũng ngã bệnh", chị Lam cho hay.
Trời nắng nóng nên rất nhiều trẻ em phải nhập viện với các bệnh liên quan đến hô hấp.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, sảnh lớn, hành lang là nơi lý tưởng để các bệnh nhân và người nhà nghỉ ngơi, tránh cái nóng 40 độ. Ngồi nghỉ ở hành lang khu nhà Việt – Nhật- Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Đức Hiệp (quê Trực Ninh, Nam Định) chăm sóc mẹ năm nay 78 tuổi bị suy hô hấp ở đây cho biết, mấy hôm nay trời nắng nóng quá, trong phòng bệnh chật chội, ngột ngạt không chịu được, nên ông và một số người nhà bệnh nhân khác phải ra ngồi ngoài hành lang, dưới gốc cây sấu cho thoáng.
“Mỗi phòng có 2 giường, do bệnh nhân đông, phải ghép 3 người một giường. Bệnh nhân nào cũng chỉ ngả lưng đôi chút vì nóng không ngủ được. Tôi mắc cả bệnh tim và thận, phải ăn đồ ăn nhạt, lại càng không muốn ăn uống”, ông Hiệp nói.
Nắng nóng tại Hà Nội tới mức nguy hiểm
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 24/6, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có nắng nóng đặc biệt gay gắt, có nơi lên tới 42 độ C.
Khoảng 14-16h là đỉnh điểm của ngày nắng nóng, khi nhiệt độ cao nhất có thể đạt 39-40 độ C, chỉ số tia tử ngoại đạt ngưỡng 8-10, mức đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là da và mắt...
“Đợt nắng nóng cao điểm ở khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa kéo dài tới hết ngày 3/7. Từ ngày 4/7, miền Bắc hạ nhiệt nắng nóng, người dân Thủ đô sẽ quay lại với nhịp độ sinh hoạt bình thường”, ông Lâm cho biết.
Nhận định về tình hình nắng nóng gay gắt, ông Hoàng Phúc Lâm khẳng định, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông Nam kết hợp với hiệu ứng phơn nên từ ngày 22 đến 24/6, ở Bắc Bộ và Trung Bộ trời nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ; riêng Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi 41-42 độ. Từ ngày 25/6, nắng nóng ở các khu vực trên dịu dần.
Nhiệt độ ngoài trời cao nhất có thể đạt 39-40 độ C kèm hơi nóng hầm hập như rang khô mọi thứ.
Khoảng 14-16h là đỉnh điểm của ngày nắng nóng, khi nhiệt độ cao nhất có thể đạt 39-40 độ C, chỉ số tia tử ngoại đạt ngưỡng 8-10, mức đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là da và mắt...
“Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao, lao động ở ngoài trời. Nắng nóng cũng làm chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8-9 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng là cấp 1”, ông Lâm cho biết.
Người lao động nhọc nhằn mưu sinh dưới trời nắng nóng ở Hà Nội
Khi đi từ ngoài trời nắng về nhà, không nên bật quạt hướng thẳng vào mặt, không uống nước lạnh, không sử dụng điều hòa mức nhiệt độ thấp, không tắm gội ngay.../.
https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-vat-va-muu-sinh-nguoi-di-vien-vi-nang-nong-dinh-diem-1063048.vov - theo vov.vn