Người thất nghiệp và cạm bẫy “cộng tác viên online”
09:32 18-02-2022
VOV.VN - Mặc dù không còn mới, nhưng trong thời gian gần đây, các hoạt động lừa đảo núp bóng tuyển cộng tác viên bán hàng, cộng tác viên đăng bài online lại tiếp tục nở rộ. Đối tượng bị nhắm tới chính là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tìm việc làm online tăng cao, từ đó khiến hoạt động lừa đảo, núp bóng cộng tác viên bán hàng, cộng tác viên đăng bài online bắt đầu nở rộ. Để tìm “con mồi”, các đối tượng không ngần ngại đăng bài chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Với các từ khóa hấp dẫn như “làm việc tại nhà”, “không cần ôm hàng”, “không cần bỏ vốn”, “được phép trả hàng”, mức lương từ 200-500/ngày; hưởng 10% hoa hồng sau mỗi sản phẩm, ….khiến không ít người mắc lừa, mất hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn.
Mất 300 triệu đồng đế đổi lấy 1,2 tỷ tiền ảo
Những tưởng có việc online, giúp có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sau những ngày dài không có việc làm do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, chị Nguyễn H.C. ở quận Nam Từ Liêm cho biết, ngày 11/2/2022, một người tự nhận là nhân viên một công ty TNHH truyền thông giải trí mời chị vào làm cộng tác viên chạy doanh thu trên App kiếm % hoa hồng.
Để tìm “con mồi”, các đối tượng không ngần ngại đăng bài chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo lời kể của chị C, sau khi được nhận vào làm việc, đại diện công ty đã trao đổi với chị về tỷ lệ lợi nhuận là 60/40, trong đó, công ty được hưởng 60% lợi nhuận, 40% còn lại là chị được hưởng.
“Tôi được yêu cầu đặt cược tiền vốn bằng tiền của mình theo giá trị từng đơn công ty giao. Sau đó phải thực hiện lệnh đúng theo thao tác hướng dẫn của nhân viên điều đơn. Nếu sai phải bù lại tiền cược theo tỷ lệ công ty tính (có thể gấp đôi, hoặc 3 lần tiền cược ban đầu) rồi làm lại lệnh theo hướng dẫn. Thực hiện đúng 4 đơn mới được quyết toán tiền”- chị C. kể lại.
Chỉ trong gần 1 ngày, chị C. thao tác 4 đơn, tổng số tiền vốn đặt cược chị bỏ ra là 290 triệu đồng. Tổng tiền vốn và lãi theo App công ty tính là hơn 1,2 tỷ đồng. Lúc này nhân viên điều đơn mới nói cho chị C. biết, để rút được tiền trên App thì chị phải ứng trước bằng tiền cá nhân của mình cho công ty 50% lợi nhuận công ty được hưởng. Sau đó mới được rút tiền về, khi rút tiền thành công thì phải chuyển trả nốt 50% còn lại.
Cũng theo lời kể của C., để nạn nhân thực sự bị thuyết phục, chúng cho chị tham gia vào các nhóm chát hằng ngày với các thành viên khác (có thể thành niên này do chính chúng dựng lên). Cuộc trao đổi trong nhóm này chủ yếu là khoe thành tích, khoe số tiền của các cộng tác viên ảo kiếm được mỗi ngày. Và một trong những thủ đoạn để nạn nhân tin tưởng đó là chúng thường trả lãi hời sau những lần đầu đặt hàng ảo, không chỉ 10-15%, mà có những đơn lên 40% chỉ sau 3-5 phút.
“Chỉ đến khi tôi không có đủ khả năng đáp ứng lời đề nghị công ty là nạp thêm 300 triệu nữa, nâng lên tổng số % là 60% trên tổng số tiền 1,2 tỷ để rút được số tiền đó về thì họ nói, chỉ gia hạn thời gian bảo lưu tài khoản cho tôi đến 1 thời gian cố định, nếu không sẽ phong tỏa khoản của tôi trên App. Họ nói đây là chính sách của công ty và tôi phải làm theo. Đến lúc này, vì muốn lấy được 1,2 tỷ mà công ty hứa trả, tôi đi vay thêm tiền của người thân nạp vào, được người nhà cảnh báo tôi mới thực sự biết mình bị lừa và ra công an trình báo”- chị C. kể lại.
Liên tục cảnh báo, nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy
Mặc dù rủi ro tìm kiếm việc làm online là có và bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng không phải ai cũng có kiến thức để phòng tránh khi những lời mời gọi từ những công việc nhàn hạ và quá hấp dẫn. Theo Thống kê của Cục An ninh mạng và phòng chống Tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, trong năm 2021 cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó, có hơn 520 vụ đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Mới đây nhất, chị Châm, trú tại Hà Nội bị lừa mất 1,3 tỷ đồng vì tham gia làm cộng tác viên bán hàng trên mạng sau 3,4 ngày. Theo chị Châm, tâm lý càng muốn gỡ, chị càng lún sâu khiến số tiền hai vợ chồng tiết kiệm sau nhiều năm đã mất sạch mà không có cách nào gỡ được.
Liên quan đến vấn đề này, Công an TP Hà Nội liên tục ra cảnh báo. Cụ thể, mới đây nhất, ngày 16/12/2021, cổng thông tin Công an Hà Nội đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online. Theo cơ quan công an, nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin. Nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin quảng cáo tìm công tác viên bán hàng online trên mạng xã hội. Sau đó các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu.
"Mồi nhử" mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10-20%... Nhiều người do không nhận thức được các chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng đã đăng ký làm cộng tác viên bán hàng. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền cho công ty, cộng tác viên sẽ không nhận được lại tiền.
Chỉ ra thủ đoạn trên của đối tượng lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là hệ lụy của dịch bệnh kéo dài. Bởi, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, đời sống của nhiều người gặp khó khăn, nhiều người muốn kiếm việc làm thêm online nên các đối tượng xấu cũng lợi dụng điều đó để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Nhiều đối tượng cho rằng, lừa đảo người khác số tiền dưới 2.000.000 đồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do nhận thức hạn chế như vậy nên các đối tượng càng củng cố niềm tin để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền dưới 2.000.000 đồng đối với một nạn nhân. Tuy nhiên, theo luật sư Cường, nếu hành vi được xác định là "ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội" hoặc "đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm" thì dù lừa đảo người khác tài sản dưới 2.000.000 đồng thì vẫn bị xử lý hình sự. Còn nếu số tiền lừa đảo từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt có thể đến 20 năm tù hoặc tù chung thân
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hoạt động lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phát triển nhanh chóng hơn. Bởi vậy các cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho công dân, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công dân khi tham gia hoạt động trong môi trường mạng, đồng thời kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đảm bảo môi trường lành mạnh cho các hoạt động dân sự, kinh tế, xã hội./.
https://vov.vn/phap-luat/nguoi-that-nghiep-va-cam-bay-cong-tac-vien-online-post924865.vov - theo vov.vn