Ngăn chặn nạn đầu cơ, đảm bảo đất đắp cao tốc Bắc- Nam đoạn qua miền Trung

10:50 15-05-2023

VOV.VN - Hiện nay, nhiều tỉnh miền Trung đồng loạt triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đang gặp nhiều khó khăn về đất đắp, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ công trình trọng điểm quốc gia. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng chủ đầu tư, các cơ quan chức năng đang quyết liệt tìm các giải pháp đảm bảo nguồn đất đắp, ngăn chặn nạn đầu cơ, trục lợi tài nguyên khoáng sản.

2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị hiện có 3 dự án thành phần gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ với tổng chiều dài gần 130km. Các dự án này cần khoảng 9 triệu mét khối đất đắp. Theo quy hoạch, trữ lượng các mỏ trên địa bàn có thể đáp ứng nhu cầu. Thế nhưng, một số đơn vị thi công lại khó khăn trong việc thu mua vật liệu để thi công, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Giá đất đắp hiện đã tăng 25% so với với đầu năm 2023. Thực tế cho thấy, các đơn vị chỉ tập trung khai thác các mỏ có quãng đường vận chuyển gần, có thể xảy ra tình trạng các mỏ khai thác quá công suất dẫn đến vi phạm, đơn vị thi công không có nguồn cung kịp thời.

Thượng tá Cao Ngọc Lâm, Trưởng Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Quảng Bình nhận định để giải quyết vấn đề găm hàng, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng thì cần giải quyết tốt mối quan hệ cung cầu theo quy luật thị trường: “Ban Quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị thi công nộp hồ sơ đăng ký khai thác vật liệu xây dựng trong phạm vi giới hạn của dự án, hợp đồng với các đơn vị khai thác để chủ động nguồn nguyên vật liệu, tránh bị ép giá”.

Tại tỉnh Phú Yên cũng đang xảy ra tình trạng thiếu đất đắp cục bộ ngay trong Dự án Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong. Dự án này dài gần 50km do Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư. Ban điều hành Dự án đã nộp hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xin cấp phép khai thác 5 mỏ nhưng chưa được cấp phép mỏ vật liệu nào. Ông Hồ Xuân Thắng, Giám đốc Ban điều hành Dự án Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Ban Quản lý Dự án 7, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, trước mắt, tại các vùng đồi núi, dự án tận dụng chỗ đất cao để đắp chỗ đất thấp, riêng khu vực đồng bằng mới chỉ bóc, dỡ tầng phủ.

 

Ông Hồ Xuân Thắng lo lắng, nếu không giải quyết được vấn đề vật liệu để thực hiện gia tải nền đất yếu thì dự án sẽ chậm tiến độ: “Các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa địa phương dài 24km thì thuộc địa hình phải đắp không đất để đào tận dụng do đó phải cần đất từ mỏ mang về. Mặt bằng được bàn giao tuy nhiên chúng tôi chỉ đào hữu cơ nhưng vật liệu đắp. Lo lắng nhất là cái gia tải nằm trong 24km này. Đất đắp nếu có muộn tí chúng tôi cũng có thể tăng ca, tăng kíp, làm đêm được, còn cái gia tải theo thời gian 13 tháng, chứ không phải nói làm ngày làm đêm được".

Tại tỉnh Khánh Hòa, gần 50 km của Dự án cao tốc Vân Phong- Nha Trang cũng đang gặp nhiều khó khăn về đất đắp. Đến nay, chủ đầu tư, đơn vị thi công mới thỏa thuận được 5 điểm mỏ, 18 điểm mỏ còn lại chưa tìm được tiếng nói chung với người sử dụng đất. Nhiều điểm mỏ, người sử dụng đất yêu cầu phí sang nhượng lên đến 2 tỷ đồng/héc ta đất rừng sản xuất, quá cao so với giá vật liệu được phê duyệt. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng không thể áp dụng thu hồi đất các điểm mỏ để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

 

Ông Vũ Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đề nghị chính quyền địa phương, chủ đầu tư cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người sử dụng đất nhận thức rõ lợi ích của các công trình trọng điểm quốc gia và hỗ trợ các đơn vị thi công: “Đối với 18 điểm này, nếu không cung cấp cho dự án Nha Trang - Vân Phong thì sau này chắc chắn rằng sau này chỉ có trồng rừng sản xuất mà thôi, phục vụ nông nghiệp là đất nông nghiệp. Không thể khai thác khoáng sản được. Tuyên truyền chắc chắn là sẽ có hiệu quả những chủ đầu cơ họ sẽ có suy nghĩ lại, phối hợp nhà thầu cung cấp vật liệu đất đắp. Ban quản lý dự án khảo sát thêm một số điểm mỏ nào khác, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tích cực hỗ trợ để thỏa thuận địa điểm tiếp".      

Trước tình trạng thiếu đất đắp, chủ đầu tư đề xuất cho khảo sát đất lâm trường để làm mỏ vật liệu. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tháo gỡ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cấp phép 5 điểm mỏ đã thỏa thuận, đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp đến cuối năm. Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, trong khi quỹ đất địa phương còn nhiều thì đất lâm trường chưa phải là giải pháp khả thi, bền vững. Sắp đến, bên cạnh việc bổ sung quy hoạch, cấp phép thêm các điểm mỏ mới thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất thí điểm áp dụng kê khai giá tại các điểm mỏ để quản lý giá, tránh đầu cơ, trục lợi từ tài nguyên, khoáng sản.

“Các điểm mỏ có áp dụng được kê khai giống như mỏ hay không? Các đồng chí phải nghiên cứu thêm. Quy định pháp luật chưa có thì phải kiến nghị Chính phủ tháo gỡ, thậm chí là thí điểm. Nhiều cơ chế như làm đường cao tốc này toàn thí điểm. Từ thực tiễn khó khăn, vướng mắc, hơn ai hết mình ở địa phương phải chủ động đề xuất giải pháp. Mục tiêu là có đất làm đường cao tốc, không chậm tiến độ, hạn chế găm hàng, trục lợi, đầu cơ”, ông Nguyễn Hải Ninh chỉ đạo.

Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo một số địa phương có dự án đi qua tại miền Trung, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị các địa phương tạo điều kiện để đơn vị tư vấn khảo sát chuẩn bị hồ sơ dự án có chất lượng. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải kiểm soát giá vật liệu. Đã có tình trạng giá do Bộ Giao thông - Vận tải duyệt là 92.000 đồng/m3, vào đến 1 mỏ thì giá bán ra là 120.000 đồng/m3, lúc sau lại nâng giá lên 170.000 đồng/m3. Nếu không tập trung quản lý giá vật liệu, để giá “nhảy múa” thế này thì rất ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Ông Lê Đình Thọ cho rằng: “Vật liệu đất đắp phải tính đến chuyện tháo gỡ đền bù, giải phóng mặt bằng, điều này gắn liền với hiệu quả trong tổ chức thi công. Làm như thế nào để giải phóng mặt bằng được và lấy được vật liệu đó để điều phối đất. Nguyên tắc để giao cho các nhà thầu liên quan vật liệu mỏ là nhà thầu phải chịu trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng, bóc tách lớp hữu cơ, làm đường công vụ"./.

https://vov.vn/xa-hoi/ngan-chan-nan-dau-co-dam-bao-dat-dap-cao-toc-bac-nam-doan-qua-mien-trung-post1020141.vov - theo vov.vn