Nga sẽ không ngồi im trước những hành động mạnh mẽ của Ukraine và phương Tây?
09:07 12-06-2024
VOV.VN - Trước những động thái mạnh mẽ gần đây của Ukraine và phương Tây, giới quan sát đặt ra câu hỏi liệu Nga sẽ phản ứng như thế nào?
Nga sẽ phản ứng mạnh mẽ trước động thái chưa từng có của Ukraine?
Sau khi một chiến đấu cơ của Ukraine lần đầu tiên phóng vũ khí tấn công vào mục tiêu trong lãnh thổ Nga, các chuyên gia Trung Quốc cho biết động thái của Kiev là nỗ lực nhằm thuyết phục phương Tây tăng cường hỗ trợ, song Nga được cho là sẽ phản ứng rất mạnh mẽ.
Theo Sky News, một nguồn tin quân sự của Ukraine cho biết không quân nước này đã tấn công một nút chỉ huy của Nga ngày 9/6 trong khu vực Belgorod. Hiện chưa rõ loại vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công cũng như chưa rõ liệu đây có phải vũ khí phương Tây hay không.
Đây là một cuộc tấn công trực diện và là lần đầu tiên vũ khí được phóng từ chiến đấu cơ của không quân Ukraine nhắm vào mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Ukraine trước đó đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng UAV vào sâu trong lãnh thổ của Moscow.
Cố vấn Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CBS rằng các vũ khí của Mỹ đã được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga, Tass đưa tin ngày 9/6. Thông báo này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận ngày 31/5 rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua việc sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công vào Nga.
Động thái trên của Ukraine có mục đích tận dụng đà tiến công nhằm đảo chiều xung đột bởi chỉ có bằng cách này, Kiev mới có thể truyền tải "sự tin cậy" với Mỹ và châu Âu để nhận thêm vũ khí cũng như sự ủng hộ từ họ trong tương lai, ông Cui Hongjian, Giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh nói.
Giữa bối cảnh một hội nghị thượng đỉnh hòa bình dự kiến được tổ chức ở Thụy Sĩ ngày 15 và 16/6, ông Cui cho rằng qua việc lần đầu tiên sử dụng chiến đấu cơ để nhắm vào lãnh thổ Nga, Ukraine hy vọng sẽ đạt được đòn bẩy ngoại giao bằng cách tạo nên một vài "cải thiện" trên chiến trường.
Khi Ukraine bắt đầu sử dụng chiến đấu cơ và đặc biệt sau khi được bổ sung tiêm kích F-16, các cuộc tấn công của Ukraine vào các mục tiêu quân sự của Nga có lẽ sẽ trở nên ít bị giới hạn hơn. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, phản ứng của Nga được dự đoán sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Dù vậy, theo ông Cui, giữa bối cảnh Ukraine đang có động lực trên chiến trường, có lẽ phản ứng tốt nhất của Nga là làm rõ thêm các mục tiêu hành động với Ukraine, đồng thời sử dụng các phương tiện quân sự và ngoại giao để giành thế chủ động.
"Đây là thời điểm quan trọng song có thể khó khăn hơn cho Nga để đưa ra lựa chọn", ông Cui nói.
Phương Tây đau đầu đoán ý Nga và rủi ro hạt nhân
Trong khi đó, giới quan sát phương Tây cho rằng cảnh báo leo thang hạt nhân ở Ukraine hiện đang ngày càng trở nên thường xuyên và cấp bách do những thay đổi đáng kể về chính sách của một số đối tác lớn của Kiev.
Một số nước châu Âu, trong đó có Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã thay đổi lập trường, bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí của họ để nhắm vào các địa điểm trong nước Nga. Trong khi Washington chỉ cho phép Kiev tiến hành các cuộc tấn công để bảo vệ thành phố Kharkov thì theo một báo cáo, Tổng thống Joe Biden có thể sẽ dỡ bỏ giới hạn địa lý này. Những động thái trên được cho là nhằm phản ứng trước các cuộc tấn công dồn dập của Nga vào Ukraine.
Những thay đổi này trong chính sách của phương Tây, cùng với kế hoạch của Tổng thống Emmanuel Macron về việc đưa quân Pháp tới huấn luyện cho lực lượng vũ trang Ukraine trên thực địa và thậm chí có thể chiến đấu, đã làm gia tăng mối lo ngại rằng Nga có thể sẽ leo thang hạt nhân để đáp trả. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến khả năng này từ những ngày đầu xung đột nổ ra, trong khi các quan chức cấp cao Nga, đáng chú ý nhất là ông Dmitry Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng không ít lần đưa ra cảnh báo tương tự.
Vấn đề mà các nhà lãnh đạo đối mặt là rủi ro leo thang căng thẳng rất khó để xác định. Trên thực tế, không có quy trình đáng tin cậy nào để đưa ra đánh giá hay bất kỳ bằng chứng cụ thể nào để làm căn cứ cho điều này bởi chưa bao giờ có một cuộc khủng hoảng như vậy trên thế giới với nhiều cường quốc hạt nhân liên quan.
Vì vậy, các nhà phân tích đang cố gắng xác định rủi ro leo thang bằng cách đặt mình vào vị trí của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, họ không thể chắc chắn rằng những nỗ lực tái hiện quan điểm của ông Putin, dựa trên tình hình chiến trường và những thay đổi xảy ra, trong đó có sự dịch chuyển chính sách của các nước phương Tây hỗ trợ Ukraine, có tương ứng với nhận thức của nhà lãnh đạo Nga hay không.
Thậm chí nếu vấn đề này, bằng cách nào đó có thể vượt qua thì vẫn còn một vấn đề khác. Đó là lập trường của Tổng thống Putin không cố định và có thể dịch chuyển nhanh chóng dựa trên những xem xét của ông về diễn biến cuộc xung đột cũng như những gì Moscow cần để giành chiến thắng. Kết luận của những người ngoài cuộc về rủi ro leo thang thiếu nền tảng vững chắc ngoài những gì Tổng thống Putin và các quan chức của ông phát biểu. Đúng là việc phân tích tài liệu mới nhất về học thuyết hạt nhân của Nga có thể giúp ích nhưng không có gì ngăn cản giới chức Nga hành động ngoài kịch bản.
Hiện chưa có biện pháp chắc chắn xác định rõ giá trị những tuyên bố của các quan chức Nga. Giới quan sát đặt câu hỏi, liệu chúng có phải là những chỉ dẫn đáng tin cậy cho quan điểm của Điện Kremlin và từ đây có thể dự đoán được hành động của Tổng thống Putin? Hay chúng chỉ là một phần của cuộc chiến thông tin được tiến hành để khiến phương Tây bối rối và ảnh hưởng đến chính sách của họ, liên quan đến việc Ukraine có thể làm gì với những vũ khí được NATO cung cấp.
Một số nhà phân tích nhận định, bởi vì không thể biết Tổng thống Putin và đội ngũ phụ trách chính sách đối ngoại cũng như an ninh quốc gia đang thảo luận về điều gì nên không có cách nào đánh giá liệu các tuyên bố công khai có phải là lời cảnh báo cần xem xét nghiêm túc hay là chiến thuật đe dọa có thể phớt lờ. Kết quả là một số chuyên gia coi việc Nga tăng cường đe dọa leo thang hạt nhân là những nỗ lực giả vờ và hăm dọa, trong khi số khác thì coi đó là dấu hiệu báo động.
Về vấn đề leo thang, các nhà quan sát cho rằng việc dự đoán bằng cách nào và ở đâu Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ hữu ích. Chắc chắn, Điện Kremlin sẽ không dùng chúng để dội thẳng vào Mỹ hay châu Âu bởi điều đó chẳng khác nào tự sát. Họ nhận định, Moscow có lẽ sẽ tấn công Ukraine nhưng sẽ phải tìm một nơi không tập trung nhiều quân đội Nga. Theo các nhà phân tích này. Nga có thể sẽ chọn phía Tây Ukraine cách xa tiền tuyến nhưng việc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân sẽ gây ra những tác động lớn, có thể khiến nhiều người thiệt mạng, gây sốc cộng đồng quốc tế và thậm chí khiến NATO đáp trả.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-se-khong-ngoi-im-truoc-nhung-hanh-dong-manh-me-cua-ukraine-va-phuong-tay-post1100807.vov - theo vov.vn