Nga điều quân chỉ để dọa chứ không tấn công Ukraine?

09:48 01-12-2021

VOV.VN - Điện Kremlin đang thực hiện “chiến tranh cân não” ở vùng biên giới với Ukraine. Dường như Nga đang muốn giành sự chú ý của Mỹ, thông qua việc răn đe chứ không phải có ý đồ thực sự tấn công Ukraine.

Nguy cơ về một cuộc chiến tranh lớn giữa Nga và Ukraine đang phủ bóng đen lớn trong bối cảnh mùa đông đang tới gần.

Ở khu vực biên giới Nga-Ukraine, các quan chức và nhà quan sát phương Tây đang chú ý tới các tín hiệu về khả năng cận kề là Nga sẽ đưa quân vào lãnh thổ Ukraine. Nếu tình huống này xảy ra thì đây là một bước leo thang căng thẳng lớn của cuộc xung đột kéo dài trong 7 năm qua giữa lực lượng Ukraine và lực lương ly khai thân Nga. Xung đột này đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng. Xung đột quân sự quy mô đầy đủ nếu xảy ra sẽ đẫm máu hơn thế nhiều.


Ảnh minh họa. Nguồn: Newkontinent.
Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, khoảng 90.000 quân Nga (tức là còn đông hơn cả số quân thường trực của lục quân Anh) đã tập trung ở biên giới với Ukraine. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Phương Tây ghi nhận có những đoạn clip ghi lại cảnh vũ khí khí tài của Nga đang tập trung trong vùng này.

Theo Bloomberg, các nguồn thông tin tình báo Mỹ đã cảnh báo với các bên tương ứng của họ tại EU rằng Nga có thể đang chuẩn bị cho một “chiến dịch đột kích nhanh chóng trên quy mô lớn vào Ukraine từ nhiều hướng”. Giới chức Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc về một cuộc xâm lược cận kề, họ tuyên bố rằng cáo buộc như thế là “điên loạn”.

Phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới: “Bất cứ hoạt động chuyển quân nào bên trong lãnh thổ chúng tôi đều không tạo ra mối đe dọa với bất cứ ai và sẽ không gây ra mối quan ngại cho ai”.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát cho rằng các hoạt động điều động binh lực nói trên ít nhất đã gửi đi một thông điệp “nắn gân”. Ngoài ra, theo họ, các hoạt động đó tạo điều kiện cho Kremlin điều quân vào vị trị thuận lợi để sẵn sàng tấn công thần tốc gây bất ngờ hễ khi nào Nga đạt được quyết định chính trị sẽ tấn công.

Đây là lần thứ 2 trong năm, Nga phô diễn sức mạnh quân sự trong vùng.

Một cuộc tập trung quân tương tự trên biên giới với Ukraine vào hồi tháng 4/2021 đã cảnh báo cộng đồng quốc tế trước khi tình trạng căng thẳng đi xuống sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva.

Tuy nhiên, tình hình Nga-phương Tây hiện nay lại căng hơn khi nào hết.

Những “khiêu khích” từ phía NATO

Hồi tháng 10/2021, Moscow ngừng các quan hệ ngoại giao với NATO sau khi các sĩ quan Nga trong phái đoàn ngoại giao của họ tại Brussels (Bỉ) bị trục xuất khỏi đây. Động thái này theo sau một loạt hoạt động của các đơn vị NATO trên vùng giáp biên giới phía Tây của Nga khiến Moscow nổi giận và coi đó là các hành vi khiêu khích.

Mùa hè năm 2021, một tàu khu trục của hải quân Anh đã đi lướt qua vùng lãnh hải Nga ở ngoài khơi Crimea – bán đảo chiến lược mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Các tuần sau đó, người ta phát hiện các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ bay cách biên giới Nga 20km. Với thế bế tắc ngoại giao quanh xung đột kinh niên ở khu vực Donbass thuộc Ukraine nhưng đông người Nga sinh sống, giới quan sát nhất trí rằng Moscow đang đánh mất hy vọng về một giải pháp chính trị.

Thực tế, thỏa thuận hòa bình Minsk 2015 (do Nga, Ukraine, và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu ký và lãnh đạo Pháp-Đức giám sát) không bao giờ được thực thi. Kết quả là, xung đột vẫn tiếp diễn trong hàng năm trời bất chấp có nhiều lần ngưng chiến.

Kremlin dường như cũng không còn quan tâm đến đối thoại với giới chức Kiev mà họ xem là “chế độ bù nhìn của Washington”, thiếu sức nặng chính trị thực chất.

Khi các giải pháp ngoại giao cho xung đột ngày càng nhỏ đi, việc duy trì hiện trạng trong vùng trở nên ngày càng phức tạp.

Ngăn chặn trước đòn đánh chặn?

Hợp tác quân sự gia tăng giữa Ukraine và các nước NATO vẫn là mối quan ngại lớn nhất đối với Nga. Dù chưa có cam kết chính thức nào về việc Ukraine gia nhập NATO, NATO vẫn hy vọng Ukraine có thể gia nhập liên minh quân sự này vào một thời điểm nào đó trong tương lai – một kịch bản mà Nga không thể chấp nhận.

Nhờ có sự hậu thuẫn của NATO, năng lực quân sự của Ukraine đã cải thiện trông thấy.

Vào tháng 10/2021, các lực lượng Ukraine đã lần đầu tiên triển khai một máy bay không người lái (UAV) Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tấn công một đơn vị pháo binh của lực lượng ly khai. Vũ khí này được đánh giá cao trên thực địa, khi được sử dụng trong nhiều chiến dịch quân sự gần đây, nổi bật nhất là trong cuộc chiến thắng lợi của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh vào năm 2020.

Trong khi Kiev mô tả cuộc tấn công bằng UAV vào vị trí pháo binh của lực lượng ly khai là một hành động “phòng thủ”, Moscow lại coi đó là một tiền lệ nguy hiểm. Ngoài vụ tấn công trực tiếp đó, người ta còn thông báo rằng UAV Bayraktar đang được Kiev triển khai để theo dõi Donbass. Kiev và Ankara đã đạt được một thỏa thuận về sản xuất chung loại UAV này.

Phát ngôn viên điện Kremlin nói với báo giới vào tuần trước: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các hành động khiêu khích của quân đội Ukraine trên tuyến tiếp xúc và các hoạt động chuẩn bị cho một giải pháp quân sự đối với vấn đề Donbass”.

Andreas Umland – một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu Stockholm, cho rằng Nga đang cảm nhận rằng càng đợi lâu thì tình hình càng bất lợi cho phía Nga.

Hầu hết các chuyên gia quân sự tin rằng nếu Ukraine tiến hành tấn công thì các nước cộng hòa tự phong Donetsk và Luhansk (ở vùng Donbass) sẽ bị quân đội Ukraine đè bẹp trừ phi có sự can thiệp của Nga.

Nga có lẽ đã đi tới kết luận sau: Chỉ bằng một sự đe dọa thực sự về can thiệp mới có thể răn đe Ukraine khỏi ý định tái chiếm vùng trên bằng vũ lực.

Câu hỏi hiện nay là Nga sẵn sàng can thiệp đến mức nào? Việc Nga tập trung quân chỉ là để phô diễn hay là dấu hiệu cho một cuộc tấn công thực sự cận kề?


Mỹ, NATO bán vũ khí cho Ukraine: Tia lửa kích hoạt cuộc chiến mới với Nga?
VOV.VN - Mỹ và đồng minh NATO đang bận rộn vũ trang cho Ukraine và tham gia các hoạt động khác khiến ban lãnh đạo Kiev dễ tin rằng họ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phương Tây khi đối đầu với Nga và lực lượng ly khai thân Nga. Điều này có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Nga không nói chơi

Moscow rõ ràng đã chỉ cho thế giới thấy rằng họ sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự như họ đã từng làm với Gruzia vào năm 2008.

Thời đó, Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili cố gắng tái chiếm “cộng hòa Nam Ossetia” tự phong thân Nga. Nỗ lực này đã lập tức dẫn tới phản ứng quân sự của Nga – Nga đã dùng sức mạnh quân sự áp đảo để lấn át quân đội Gruzia bé nhỏ trong một cuộc xung đột ngắn tại đây.

Dựa trên tiền lệ đó, phía Nga có thể phản ứng lại một mối đe dọa thực sự (hoặc được cho là như vậy) nhằm vào dân chúng nói tiếng Nga tại vùng Donbass, bằng cách gửi quân tới đây để bảo vệ những người dân này. Nếu xảy ra kịch bản này, quân đội Nga có khả năng sẽ cố gắng gây ra đòn đau cho quân Ukraine và bảo đảm duy trì lãnh thổ do phiến quân kiểm soát, thông qua một chiến dịch mau lẹ và áp đảo đối phương, tạo ra tình thế đã rồi.

Moscow cực kỳ nhạy cảm về vấn đề ly khai và biên giới. Họ sẵn sàng hành động quyết liệt và hiệu quả để giải quyết các vấn đề liên quan. Tình hình tại Syria thì cho thấy Nga có thể thực hành kiên nhẫn chiến lược nếu tình thế đòi hỏi một chiến dịch can thiệp dài lâu.

Tuy nhiên, mặc dù nguy cơ xảy ra kịch bản tấn công là có thật, cả hai phía đều không muốn là bên khơi mào xung đột trước.

Ukraine hiểu rằng nếu họ ra tay bằng vũ lực ở miền đông, kiểu gì Nga cũng sẽ phản ứng lại mạnh mẽ. Và cuộc chiến Nga-Gruzia 2008 cho thấy phương Tây sẽ không đưa quân tới hỗ trợ đối thủ trực tiếp của Nga.

Trong khi đó, Nga không hẳn muốn chiến tranh nổ ra, do thiệt hại về nhân mạng và kinh tế sẽ rất cao, nhất là trong tình huống xung đột kéo dài.

Theo một cuộc điều tra độc lập gần đây, một cuộc chiến tranh công khai với Ukraine ít khả năng sẽ giành được sự đồng thuận của người dân Nga, khác với trường hợp sáp nhập Crimea vào năm 2014 – sự kiện diễn ra nhờ vào một chiến dịch điêu luyện bậc thầy và không đổ máu.

Hơn nữa, dù có can thiệp thành công vào lúc đầu thì Nga sau đó sẽ có nguy cơ đối đầu với hoạt động quân sự thù địch leo thang từ phía NATO để ủng hộ Kiev.

Vậy mục đích thực sự của Moscow là gì?

Phát biểu tại một cuộc họp mở rộng của Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow, Tổng thống Putin nói rằng NATO không coi trọng lời cảnh báo của Nga về việc vượt qua “lằn ranh đỏ”. Ông Putin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giành được “các bảo đảm dài hạn và nghiêm túc về an ninh Nga tại biên giới phía tây”.

Việc Nga tập trung quân ở biên giới với Ukraine hoàn toàn có thể là nỗ lực mới nhất của Kremlin nhằm bảo đảm các điều trên và ép phương Tây tôn trọng “lằn ranh đỏ” của Nga. Hầu hết các nhà phân tích thì coi đó là thông điệp thu hút sự chú ý và hướng chủ yếu vào Mỹ nhằm kéo Tổng thống Biden đến bàn đàm phán.

Theo nhà phân tích Tatiana Stanovaya, Moscow muốn có đối thoại nghiêm túc với Washington, không chỉ về Ukraine mà còn về vai trò của Nga với tư cách cường quốc toàn cầu có các quyền lợi và vùng ảnh hưởng riêng.

Hiện chưa rõ Mỹ sẽ đưa ra những nhượng bộ cụ thể gì, đặc biệt là khi tính đến cam kết của Tổng thống Mỹ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo Stanovaya, ông Putin tin rằng “chìa khóa giải quyết xung đột này nằm trong tay ông Biden”.

Do vậy, với việc Nga triển khai quân nhưng chưa tung quân can thiệp, người ta lý giải hành động của Nga là một dạng răn đe./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-dieu-quan-chi-de-doa-chu-khong-tan-cong-ukraine-908534.vov - theo vov.vn