Nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19: Còn bao nhiêu kẻ “đục nước béo cò”?
10:20 20-12-2021
VOV.VN - Dư luận cho rằng, dù đau đớn thế nào thì cũng phải đưa ra ánh sáng tất cả những kẻ “đục nước béo cò” liên quan đến vụ công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19.
Cuối tuần qua, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương để điều tra vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Dư luận một lần nữa lại bàng hoàng vì chỉ riêng tiền chi hoa hồng cho ông Giám đốc CDC Hải Dương đã lên tới gần 30 tỷ đồng và không chỉ Hải Dương, còn nhiều tỉnh thành mua kit xét nghiệm của Việt Á với mức giá từ 470.000đ/test PCR, thậm chí mua ở mức giá cao hơn.
Như vậy, với việc cung cấp kit xét nghiệm cho hàng loạt tỉnh, thành thì ông Giám đốc CDC Hải Dương sẽ không phải là hiện tượng cá biệt. Dư luận cho rằng, dù đau đớn thế nào thì cũng phải đưa ra ánh sáng tất cả những kẻ “đục nước béo cò” liên quan “ông lớn” trong lĩnh vực xét nghiệm ở Việt Nam.
Từ trái qua phải: Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt và cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm.
Tháng 6 năm nay, Tòa cấp cao Hà Nội xử phúc thẩm cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng các đồng phạm trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Ngay trước phiên xét xử, CDC thuộc 30 tỉnh, thành phố đã gửi đơn xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cảm và các thuộc cấp. Thời điểm đó, không ít người từng cảm kích trước sự “sẻ chia” của những người đồng nghiệp dành cho ông Cảm khi vướng vòng lao lý. Giờ thì người cả tin nhất cũng phải nghi ngờ về sự “chân thành” trong những lá đơn kia.
Xét nghiệm trên diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng là yêu cầu bức thiết nhưng không thể vì thế mà sẵn sàng bắt tay nhau để “thổi giá” kit xét nghiệm, nhắm mắt làm liều để bòn rút tiền của Nhà nước.
Dịch bệnh lan rộng với mức độ ngày càng nghiêm trọng đã dẫn tới nhu cầu về trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế…tăng cao. Trong tình huống cấp bách đó, chúng ta cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để các địa phương có trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, các bộ kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch bệnh một cách nhanh nhất. Nhưng quyết sách linh hoạt đó đã bị những kẻ xấu làm méo mó, biến dạng để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Bởi vậy, tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, càng chỉ định thầu càng phải công khai, minh bạch. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc quản lý giá với các mặt hàng y tế, đặc biệt là kit xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Do quá bận về công tác phòng chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, các đơn vị mới nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh".
Giờ thì không còn cơ hội cho các địa phương nghiêm khắc “nhắc nhở” và “chấn chỉnh” nữa. Các cơ quan chức năng đã chính thức vào cuộc trên diện rộng. Tổ chức, cá nhân nào sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật,
Đưa vụ việc ra ánh sáng dù biết chắc chắn sẽ làm dư luận bức xúc nhưng chúng ta không thể không làm. Chặt một cành sâu, thậm chí nhiều cành sâu để cứu lấy cái cây thì dù khó khăn bao nhiêu cũng phải quyết tâm thực hiện. Những kẻ thoái hóa, biến chất cần phải bị thanh lọc, trừng trị.
Nếu không xử nghiêm, không đi đến tận cùng vụ việc là chúng ta có lỗi với sự hy sinh, mất mát không thể đong đếm được của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, các y bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu. Mấy trăm ngày đêm chống dịch, bao nhiêu người vì cộng đồng mà vĩnh viễn không trở về. Bao nhiêu người đổ mổ hôi, công sức mà không được trả thù lao và phụ cấp tương xứng.
“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” - không thể có cụm từ nào chính xác hơn để diễn tả liêm sỉ của những kẻ được Nhà nước giao trọng trách chống dịch mà lại sẵn sàng “bỏ túi” cả chục tỷ đồng trong khi nhân dân khắp từ Bắc chí Nam điêu đứng vì đại dịch. Thậm chí, điêu đứng đến mức, ngay cả khi bỏ mạng vì Covid-19 cũng không đủ tiền để mua một tấm quan tài, dù là loại rẻ nhất!
Còn bao nhiêu kẻ “đục nước béo cò” đang đứng trong bóng tối?
Luật pháp Việt Nam từng xử tử hình một cán bộ quân nhu trong cuộc kháng chiến chống Pháp vì tội tham ô.
Nay, coi Covid-19 là giặc thì những kẻ tham ô khi đất nước có giặc, dứt khoát không thể nương tay. Dù có phải xử một vài người ở mức cao nhất thì chắc chắn dư luận cũng sẽ đồng tình./.
https://vov.vn/goc-nhin/binh-luan/nang-khong-gia-kit-xet-nghiem-covid-19-con-bao-nhieu-ke-duc-nuoc-beo-co-post912868.vov - theo vov.vn