Nâng cao tỷ lệ và chất lượng cán bộ dân tộc thiểu số ở Kon Tum
08:08 27-08-2024
VOV.VN - Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, vấn đề nâng cao tỷ lệ, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh đạt hơn 8,9%, cấp huyện đạt hơn 14,9% và cấp xã đạt hơn 33%. Tỷ lệ này được UBND tỉnh Kon Tum đánh giá là đúng lộ trình quy định và kế hoạch đề ra.
Đi sâu tìm hiểu thì tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tại một số cơ quan, đơn vị, sở, ngành cấp tỉnh; đơn vị phòng ban chuyên môn cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, cơ cấu chưa đồng đều; công tác tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số còn chậm; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số tại một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao… Cùng với đó không ít cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo nhưng vẫn hạn chế về năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ người Xơ Đăng, bố người Kinh, bà Nguyễn Thị Liên, Bí thư Huyện uỷ Đăk Hà thẳng thắn cho rằng, cùng với việc tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, cán bộ người dân tộc thiểu số cần phải nỗ lực để vượt qua chính mình.
“Thực tế tôi thấy là một số cán bộ người dân tộc thiểu số, tinh thần và trách nhiệm còn thụ động và hay tự ái. Rồi chất lượng cán bộ thuộc Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý, một số cán bộ năng lực lãnh đạo về chính trị, kinh tế, văn hoá thiếu tính sáng tạo, nhạy bén. Cán bộ người dân tộc thiếu số cần phải có sự nỗ lực nhiều hơn nữa”, bà Liên cho biết.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, vấn đề nâng cao tỷ lệ, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum đang được đặt ra một cách cấp thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù tỉnh đang thực hiện phương châm cán bộ yếu, thiếu mặt nào thì bồi dưỡng mặt đó và chú trọng bồi dưỡng kỹ năng quản lý, lãnh đạo, điều hành, song quá trình thực hiện lại gặp một loạt vướng mắc liên quan đến chính sách đào tạo, bồi dưỡng khiến cán bộ dân tộc thiểu số ít có cơ hội nâng cao khả năng chuyên môn.
Ông Lê Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cho rằng, những vướng mắc này cần phải được nhanh chóng tháo gỡ: “Hiện nay Nghị định và Thông tư hướng dẫn là chỉ có công chức đi đào tạo, bồi dưỡng thì mới được hỗ trợ. Còn viên chức thì thủ trưởng đơn vị phải chi mà bây giờ đang thực hiện tự chủ, thủ trưởng đơn vị mà cho anh em viên chức đi học rồi lại chi tiền của đơn vị ra là gần như việc này rất khó. Trong thời gian vừa qua, đa số viên chức tự đi học. Bây giờ công tác đào tạo, bồi dưỡng bất kỳ một lớp nào cũng phải theo hình thức đấu thầu quy trình thủ tục rất rườm rà, phức tạp”.
Trong những năm qua, một nguồn quan trọng của công tác xây dựng, tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh Kon Tum là hệ thống trường dân tộc nội trú. Con em các dân tộc thiểu số trong tỉnh được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương chăm nuôi, ươm mầm.
Tuy nhiên, theo bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, do chính sách chỉ được thực hiện đến khi các em học hết lớp 12 nên nhiều em dù có thành tích học tập tốt nhưng cũng không thể tiếp tục học lên đại học. Bởi vậy cần có chính sách ưu tiên nhằm nối dài nguồn cán bộ dân tộc thiểu số từ hệ thống các trường dân tộc nội trú
“Nuôi dạy các em đến lớp 12 rồi thì các em cũng không thể nào đi học tiếp được. Một em học sinh đi học đại học một năm học phí đóng từ 25 đến 30 triệu thì các em không đủ điều kiện. Địa phương cử các em đi học với số lượng lớn như vậy cũng không có nguồn lực. Trung ương, Quốc hội cũng nghiên cứu đối với học sinh dân tộc thiểu số vùng điều kiện khó khăn khi mà tham gia học đại học thì có thể ưu tiên, hỗ trợ cho các em đóng học phí khoảng 20-30% thôi, còn lại Nhà nước hỗ trợ”, bà Y Ngọc cho biết.
Mới đây trong chuyến công tác giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016- 2023 tại tỉnh Kon Tum, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cùng với ghi nhận kiến nghị, đề xuất của tỉnh Kon Tum trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cũng đã nhấn mạnh: “Tỉnh tiếp tục quan tâm thu hút, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số phù hợp với đặc thù của địa phương. Trong đó quan tâm đến nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học tiếng dân tộc thiểu số để phát huy được tính gần dân, sát dân hiểu và chia sẻ với nhân dân. Tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, của địa phương về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số”.
Để có được những cán bộ người dân tộc thiểu số “vừa hồng, vừa chuyên”, cùng với nỗ lực gỡ khó, tỉnh Kon Tum cũng đang thực hiện công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm… theo nguyên tắc minh bạch, công tâm, khách quan, tạo điều kiện để cán bộ người dân tộc thiếu số yên tâm rèn luyện và cống hiến.
Xác định công tác tổ chức, cán bộ như di huấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, toàn Đảng bộ tỉnh Kon Tum đang triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trong đó quyết tâm xây dựng được đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 “vừa hồng, vừa chuyên” để cho "then chắc, cửa bền".
https://vov.vn/chinh-tri/nang-cao-ty-le-va-chat-luong-can-bo-dan-toc-thieu-so-o-kon-tum-post1116626.vov - theo vov.vn