Mỹ tìm cách xoa dịu “cơn thịnh nộ” của Pháp sau thỏa thuận tàu ngầm với Australia

14:20 20-09-2021

VOV.VN - Từ khi trở thành Tổng thống, ông Biden đã khẳng định sẽ hàn gắn các mối quan hệ liên minh của Mỹ và mang đến sự ổn định về chính sách đối ngoại. Rạn nứt với Pháp - một trong những đồng minh thân cận nhất, có thể hủy hoại nỗ lực này.

Nỗ lực xoa dịu cơn thịnh nộ của Pháp

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang khẩn trương thiết lập một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong những ngày tới, với hy vọng chấm dứt những căng thẳng giữa hai đồng minh, các quan chức Mỹ cho biết ngày 19/9.


Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: Reuters
Hai nhà lãnh đạo vẫn chưa trao đổi với nhau kể từ khi giới lãnh đạo Pháp tức giận với thông báo của Tổng thống Biden tuần trước về việc Mỹ đang xây dựng một liên minh quốc phòng mới với Australia và Anh, tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Như một phần của thỏa thuận, Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ tàu ngầm với Australia, khiến nước này hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD với Pháp.
Các quan chức Mỹ thừa nhận hôm 19/9 rằng, họ cảm thấy ngạc nhiên trước phản ứng gay gắt của Pháp, trong đó có việc triệu hồi đại sứ ở Washington vào tuần trước. Họ cũng bày tỏ kín đáo rằng, tranh cãi này chủ yếu có liên quan đến chính trị nội bộ ở Pháp khi ông Macron đang tìm cách tái đắc cử nhưng cũng khẳng định, phía Washington đang nỗ lực làm giảm căng thẳng và tránh "chọc giận" thêm đồng minh thân cận này.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã gặp trực tiếp Đại sứ Pháp Philippe Etienne ngày 16 và 17/9. Cuộc gặp ngày 17/9 là để thông báo cho ông Sullivan về việc triệu hồi đại sứ và ông Etienne đã rời Washington chỉ vài giờ sau đó.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cố gắng thiết lập một cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp là Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian để nói về thỏa thuận Mỹ - Anh - Australia trước khi thông báo về thỏa thuận này nhưng các nhà chức trách Mỹ cho biết, phía Pháp nói rằng họ không thể sắp xếp cuộc gọi trên.

Các nhà chức trách tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao dự đoán, mối quan hệ này sẽ ấm lên sau khi hóa giải sự bất mãn của Pháp, đồng thời nhận định, Đại sứ Pháp sẽ quay lại Washington trong những tuần tới. Một quan chức Pháp cho biết, việc triệu hồi đại sứ có thể kéo dài ít nhất 1 tuần.

Việc đại sứ rời đi "không nên được hiểu như sự rạn nứt nghiêm trọng trong mối quan hệ song phương này", một quan chức Mỹ cho hay. Pháp cũng triệu hồi đại sứ của nước này ở Australia.

Các quan chức Mỹ nhận định, sự sụp đổ của thỏa thuận tàu ngầm là một cú đánh kinh tế đáng kể vào ngành quốc phòng quan trọng của Pháp, do đó, chính phủ Pháp phải thể hiện lập trường mạnh mẽ để làm hài lòng cử tri.

"Đây là một tình huống khó khăn nhưng chúng tôi sẽ giải quyết được", quan chức Mỹ này cho hay.

Dù vậy, các nhà ngoại giao kín đáo thừa nhận việc xa rời một đồng minh châu Âu quan trọng như Pháp sẽ dẫn đến nhiều hệ quả. Giữa bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp hết nhiệm kỳ và nước Anh đã rời Liên minh châu Âu (EU), mối quan hệ giữa ông Biden và ông Macron là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong liên minh Mỹ - EU mà Tổng thống Biden từng cam kết sẽ tái xây dựng.

Từ khi trở thành Tổng thống, ông Biden đã khẳng định sẽ hàn gắn các mối quan hệ ở nước ngoài của Mỹ và mang đến sự ổn định về chính sách đối ngoại sau nhiều gián đoạn trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump. Rạn nứt với Pháp - một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, có thể hủy hoại nỗ lực này.

Cuộc gọi giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Macron sẽ hướng đến việc làm giảm căng thẳng sau những ngày Paris cảm thấy bị tổn thương trước hành động của Mỹ và các quan chức an ninh quốc gia ở Washington cho rằng Pháp đang phản ứng thái quá.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng cuộc gọi giữa ông Biden và ông Macron sẽ "sớm" diễn ra nhưng các quan chức vẫn đang sắp xếp thời điểm phù hợp.

Theo người phát ngôn của chính phủ Pháp, Tổng thống Macron sẽ yêu cầu ông Biden “làm rõ” về việc Australia hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm và Tổng thống Pháp muốn thảo luận về một sự bù đắp dành cho nước này sau khi mất hợp đồng hàng chục tỷ USD trên.

Một quan chức Pháp nhắc lại hôm 19/9 rằng, thỏa thuận mới Mỹ - Anh - Australia đã vấp phải sự "kinh ngạc" và "giận dữ" ở Paris. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2, Ngoại trưởng Le Drian cho biết lần đầu tiên trong lịch sử 250 năm quan hệ giữa 2 nước, Pháp đã phải triệu hồi đại sứ ở Mỹ về nước.

"Lần đầu tiên trong lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp, chúng tôi phải triệu hồi đại sứ để tham vấn. Đây là một hành động chính trị nghiêm trọng cho thấy mức độ của cuộc khủng hoảng hiện nay giữa 2 nước và với Australia. Sự trở mặt, khinh thường và dối trá không phải là những gì chúng ta đối xử với một đồng minh".
Vì sao Australia hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp để đối lấy thỏa thuận AUKUS?

Bất hòa giữa các đồng minh

Một quan chức Pháp đã bác bỏ nhận định rằng, Paris đang phản ứng thái quá để đánh lạc hướng sau khi bất bình vì bị mất hợp đồng quân sự béo bở. Quan chức này cho biết, mặc dù "đáng tiếc" nhưng việc mất thỏa thuận tàu ngầm không quan trọng bằng việc Washington sẵn sàng qua mặt Pháp.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bảo vệ thỏa thuận trên ngày 19/9 khi cho rằng, công nghệ hạt nhân mà Mỹ và Anh chuyển giao tiên tiến hơn nhiều so với tàu ngầm của Pháp, do đó thỏa thuận mới rõ ràng đem tới lợi ích lớn hơn cho Australia.

Hợp đồng với Pháp trước đó dự kiến sẽ cung cấp cho Australia các tàu ngầm diesel - điện, trong khi công nghệ chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ khiến cho các tàu ngầm chạy nhanh hơn, khó bị phát hiện hơn và có khả năng sát thương cao hơn nhiều.

Vấn đề Australia cần trang bị tàu ngầm hạt nhân ngày càng trở nên cấp bách khi các quan chức quốc phòng Mỹ cảnh báo, Trung Quốc đang tăng cường hiện diện hải quân và Bắc Kinh được cho là đang sở hữu 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Quyết định chia sẻ công nghệ hạt nhân với Australia cũng là minh chứng cho thấy Tổng thống Biden ngày càng tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cũng coi việc trang bị tàu ngầm cho Australia là một bước đi quan trọng để thúc đẩy nỗ lực của liên minh nhằm răn đe Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Quyết định của Pháp khi triệu các đại sứ ở Washington và Canberra chứ không triệu đại sứ từ London được hiểu như một động thái làm “bẽ mặt” Thủ tướng Johnson và những nỗ lực của ông khi đưa nước Anh rời EU, nơi mà hiện Pháp là nhân tố chính. Các quan chức Pháp cho biết họ không cần thiết phải đáp trả Anh bởi nước này hầu như không có ảnh hưởng.

Căng thẳng Mỹ - Pháp hiện nay có thể phủ bóng lên cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York bắt đầu vào 21/9 (giờ Mỹ). Ông Macron không tham gia cuộc họp này nhưng Ngoại trưởng Mỹ Blinken dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Pháp Le Drian cùng với các ngoại trưởng châu Âu khác./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-tim-cach-xoa-diu-con-thinh-no-cua-phap-sau-thoa-thuan-tau-ngam-voi-australia-891986.vov - theo vov.vn