Mỹ tăng tốc trong cuộc đua vũ khí siêu thanh với Nga và Trung Quốc
08:54 23-03-2022
VOV.VN - Bị tụt lại sau Nga trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh, Hải quân Mỹ đang gấp rút triển khai vũ khí loại này trên các tàu chiến, sớm nhất là vào cuối năm 2023.
Mỹ đang tăng tốc trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh, loại vũ khí có tốc độ bay tương đương tên lửa đạn đạo nhưng rất khó bị bắn hạ nhờ tính cơ động cao. Theo AFP, vũ khí của Mỹ có thể phóng giống như một tên lửa đạn đạo, sau đó bung ra một phương tiện bay siêu thanh có khả năng đạt tốc độ gấp 7-8 lần tốc độ âm thanh trước khi đánh trúng mục tiêu.
Ảnh minh họa: AP
Vũ khí siêu thanh được định nghĩa là loại vũ khí có khả năng đạt tốc độ trên Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh), tức trên 6.100km/h. Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tốc độ cao hơn thế nhưng di chuyển theo hướng dự đoán được nên vẫn có thể bị đánh chặn. Trong khi đó, loại vũ khí mới có tính linh động cao hơn.
Các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có, bao gồm cả hệ thống Aegis của Hải quân Mỹ, sẽ gặp khó khăn trong việc đánh chặn các vũ khí siêu thanh vì khả năng cơ động, khó dự đoán đường bay và tốc độ cao của loại vũ khí này cũng khiến đối phương có rất ít thời gian để phản ứng.
Mỹ đang chật vật để bắt kịp Nga
Ông Jim Cooper, thành viên đảng Đảng Dân chủ tại bang Tennessee, Chủ tịch tiểu ban phụ trách giám sát chương trình vũ khí siêu thanh của Mỹ cho biết, Mỹ đang chật vật để bắt kịp Nga vì Washington đã không đầu tư vào công nghệ mới và hiện không có nhiều nhân sự làm việc trong chương trình này, trong khi con số của những năm 1980 là khoảng 10.000 người.
“Nếu muốn ngang bằng với họ, chúng ta sẽ cần phải đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian và nhân lực hơn”, ông Cooper nói.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trở thành một yếu tố cần xem xét khi Lầu Năm Góc chuẩn bị công bố đề xuất ngân sách trong đó đặt ra các mục tiêu cho hệ thống siêu thanh và các hệ thống vũ khí khác vào cuối tháng này.
Nga tuyên bố sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal, có khả năng đạt tốc độ Mach 10 trong 2 cuộc tấn công ở Ukraine cuối tuần vừa qua.
Tại Maine, Bath Iron Works - công ty con của General Dynamics, đã bắt đầu thiết kế và tiến hành công việc kỹ thuật cần thiết để lắp đặt hệ thống vũ khí siêu thanh trên 3 tàu khu trục lớp Zumwalt.
Tên lửa siêu thanh sẽ thay thế cho hệ thống pháo hạm AGS 155mm của 3 tàu khu trục lớp Zumwalt. Sau khi hoàn thành việc lắp đặt, Zumwalt sẽ là tàu hải quân đầu tiên của Mỹ được trang bị vũ khí siêu thanh. Việc chuyển đổi nhằm mục đích biến các tàu tàng hình nói trên thành tàu tấn công mặt nước có thể hoạt động xa bờ, trái với mục đích ban đầu là hoạt động ở vùng ven biển và hỗ trợ lực lượng ven bờ.
Tàu khu trục lớp Zumwalt ban đầu được thiết kế để có thể tích hợp pháo AGS 155mm. Tuy nhiên do giá thành của AGS quá cao nên Hải quân Mỹ đã ngừng mua sắm loại vũ khí này.
Ông Bryan Clark, nhà phân tích quân sự tại Viện Hudson cho biết, việc trang bị vũ khí mới cho cả 3 con tàu có thể tốn hơn 1 tỷ USD.
“Kỹ thuật không quá khó, nhưng sẽ mất thời gian và tiền bạc để biến điều đó thành hiện thực”, ông Clark nói.
Hải quân Mỹ dự định trang bị vũ khí siêu thanh trên các tàu khu trục vào năm tài chính 2025 và trên các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia vào năm tài chính 2028. Các tàu khu trục sẽ được bố trí tại Thái Bình Dương nhằm răn đe Trung Quốc, Clark nói.
Việc tập trung vào vũ khí siêu thanh, đặc biệt là loại vũ khí có tốc độ trên Mach 5 cho thấy Mỹ đã thay đổi, không còn do dự như trước đây vì các rào cản công nghệ.
Trong khi đó, các đối thủ của Mỹ vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển loại vũ khí này. Nga đã phóng một loạt tên lửa hành trình siêu thanh Zircon vào cuối tháng 12/2021, cho thấy việc thử nghiệm vũ khí này sắp hoàn thành./.
https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/my-tang-toc-trong-cuoc-dua-vu-khi-sieu-thanh-voi-nga-va-trung-quoc-post932173.vov - theo vov.vn