Mỹ phủ nhận thua kém Nga và Trung Quốc về vũ khí siêu thanh
08:35 26-08-2022
VOV.VN - Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ nhận định Mỹ đang lạc hậu so với Nga và Trung Quốc về vũ khí siêu thanh. Họ cho hay, Lầu Năm Góc nhìn nhận vũ khí này theo cách khác với các đối thủ của mình.
Ưu tiên đầu tư cho giải pháp phản siêu thanh
Trong lúc Nga và Trung Quốc có những bước tiến mới về công nghệ vũ khí siêu thanh, Mỹ lại gia tăng tập trung vào phát triển các công nghệ chống siêu thanh nhằm đương đầu với thách thức mới nổi từ 2 quốc gia kia.
Trong một cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks đã bác bỏ nhận định cho rằng Mỹ đang tụt lại về phía sau trong việc phát triển và đưa vào sử dụng các vũ khí siêu thanh.
Minh họa về tên lửa siêu thanh. Đồ họa: Darpa.
Bà Hicks cũng tuyên bố rằng nếu cứ nhìn vào các công nghệ vũ khí siêu thanh đang nổi của Nga, Trung Quốc và Mỹ như một cuộc chạy đua vũ trang thì điều đó sẽ dẫn đến những sự hiểu sai.
Thứ trưởng Hicks lưu ý rằng Mỹ có một số khái niệm về cách phòng vệ trước vũ khí siêu thanh và thời điểm sử dụng vũ khí này. Bà nhấn mạnh rằng Mỹ tập trung phát triển năng lực cần thiết cho tác chiến chứ không chạy theo cuộc đua qua lại về công nghệ với các đối thủ gần ngang tầm.
Bà Hicks cũng nhấn mạnh rằng Mỹ có cách nhìn nhận khác về vũ khí siêu thanh so với Nga và Trung Quốc.
Bà nói, Nga đã sử dụng vũ khí siêu thanh mà không mang lại hiệu ứng đáng kể nào đối với tiến trình chiến tranh ở Ukraine. Bà cũng nói Mỹ đang đầu tư sâu vào phát triển các biện pháp chống vũ khí siêu thanh, nhấn mạnh nhu cầu các giải pháp ứng phó với đối thủ có khả năng triển khai loại vũ khí này. Ngoài phát triển các công nghệ phản siêu thanh, bà còn đề cập việc Mỹ đã đạt những bước tiến đầy hứa hẹn trong vài chương trình siêu thanh và hiện đang xây dựng chiến lược triển khai của mình.
Trước đó Asia Times đã đưa tin về các nỗ lực của Mỹ trong xây dựng năng lực phản siêu thanh, bao gồm vệ tinh theo dõi siêu thanh, hệ thống tên lửa đánh chặn siêu thanh và hệ thống phòng thủ trong vũ trụ.
Tuy nhiên, bất chấp các đầu tư đáng kể này, Viện Hải quân Mỹ chỉ ra rằng đối với ngân sách năm 2023, Lầu Năm Góc cần 4,7 tỷ USD để nghiên cứu vũ khí siêu thanh so với chỉ cần 225,5 triệu USD cho phòng thủ siêu thanh. Như vậy có sự chênh lệch lớn giữa chi tiêu cho vũ khí siêu thanh tấn công và chi tiêu cho các giải pháp phòng thủ trước vũ khí siêu thanh.
Đầu tư cho vũ khí siêu thanh kém hiệu quả về chi phí
Nhiều nguồn tin của Mỹ đã xác nhận quan điểm Thứ trưởng Hicks nêu về vấn đề vũ khí siêu thanh, thách thức cách nhìn phổ biến hiện nay đằng sau định hướng của Mỹ phát triển loại vũ khí này.
Trong một bài báo đăng trên Defense News vào năm 2022, tác giả Stephen Losey lưu ý rằng ngày càng có nhiều chuyên gia Mỹ cổ xúy cho việc gia tăng nguồn lực để chế tạo thêm cảm biến, vệ tinh và các công nghệ khác nhằm phòng thủ trước vũ khí siêu thanh.
Losey dẫn lời Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall đặt ra những câu hỏi hóc búa về vai trò mà vũ khí siêu thanh nên nắm giữ trong kho vũ khí của Mỹ và liệu những vũ khí này có đáng chi đậm tiền hay không. Ông Kendall lưu ý vũ khí siêu thanh có thể là một cách để xuyên thủng mạng lưới phòng không nhưng không phải là cách duy nhất.
Vấn đề lớn ở đây là các quan ngại về chi phí. Chẳng hạn, trong bài viết trên trang Sandboxx 2022, tác giả Alex Hollings lưu ý rằng vũ khí siêu thanh mà không quân Mỹ sở hữu trị giá tới 106 triệu USD một đơn vị, của hải quân Mỹ là 89,6 triệu USD/đơn vị. Ông lưu ý, vũ khí siêu thanh rẻ nhất của Mỹ cũng có giá là 40 triệu USD.
Hollings so sánh các chi phí đắt đỏ đó với giá của một máy bay tiêm kích F-35 trong không quân Mỹ có giá 78 triệu USD. Ông nói, giá vũ khí siêu thanh tiến gần hoặc vượt giá của một trong những máy bay chiến đấu có năng lực hàng đầu của Mỹ. Với chi phí cao như vậy, Hollings nhận định sẽ khó (nếu không muốn nói là không thể) tập hợp một kho vũ khí siêu thanh thực chất.
Cây bút Hollings cũng lưu ý rằng các tên lửa rẻ hơn có thể đạt được nhiều thứ mà tên lửa siêu thanh có thể làm được ở mức chi phí thấp hơn. Thí dụ, ông đề cập việc Mỹ có thể sở hữu 50 tên lửa hành trình cận âm Tomahawk với mức giá chỉ đủ mua một tên lửa siêu thanh. Ông nói, trong khi đó, hệ thống phòng không hiện nay thậm chí còn không bảo đảm đánh chặn được hoàn toàn các tên lửa hành trình và đạn đạo chậm hơn và cũ hơn.
Hollings thừa nhận công nghệ hiện nay không thể đánh chặn các tên lửa siêu thanh bay ở tốc độ Mach 5 hoặc nhanh hơn nhưng ông đồng thời chỉ ra rằng lượng lớn các vũ khí giá rẻ có thể đạt được hiệu quả mà một tên lửa siêu thanh “cao cấp” đạt được trong nhiều kịch bản. Ông cho biết các vũ khí chi phí thấp là thứ có sẵn hiện nay.
Tên lửa Ninja Mỹ xé nát thủ lĩnh al-Qaeda bằng dao, không cần gây nổ
Mỹ muốn tấn công cả mục tiêu di động
Hollings cũng chỉ ra rằng vũ khí siêu thanh không nhất thiết “nhanh hơn” so với tên lửa đạn đạo thông thường - loại tên lửa bay theo đường vòm đạn đạo đến mục tiêu và đạt tốc độ siêu thanh ở giai đoạn cuối.
Phòng thủ tên lửa hiện nay dựa vào việc tính toán điểm đánh chặn trên đường cong đó của tên lửa đạn đạo. Bên phòng thủ có thể nhanh chóng tính toán và đánh chặn.
Tuy nhiên, vũ khí siêu thanh vô hiệu hóa khả năng phán đoán nói trên bằng cách sử dụng các phương tiện lướt cơ động để tạo ra đường bay dích dắc không thể dự đoán được hướng tới mục tiêu.
Hollings nhận xét thêm rằng nếu hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không có khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân quy mô đầy đủ với sự huy động hàng trăm tên lửa đạn đạo thông thường thì bên tấn công không cần thiết phải gắn đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa siêu thanh đắt đỏ, vì kết quả cũng chẳng khác nhau mấy.
Hollings lưu ý thêm, điều tương tự cũng xảy ra khi Mỹ tung đòn tấn công ồ ạt lên đối thủ. Đây là lý do Mỹ không háo hức bám đuổi kho vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc.
Ngoài chuyện hiệu quả chi phí, Mỹ có thể còn có lý do khác để không đầu tư vào vũ khí siêu thanh như Nga và Trung Quốc. Mỹ xem vũ khí siêu thanh thích hợp cho vai trò chiến thuật quy ước, còn Nga và Trung Quốc muốn dùng nó như một bộ phận của răn đe hạt nhân chiến lược.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Không quân Mỹ Kendall, công nghệ siêu thanh hiện nay phù hợp cho tấn công mục tiêu cố định, trong khi Mỹ muốn năng lực tấn công cả mục tiêu di động như tàu chiến ở Biển Đông hay đội hình xe thiết giáp chiến đấu ở Ukraine./.
https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/my-phu-nhan-thua-kem-nga-va-trung-quoc-ve-vu-khi-sieu-thanh-post965749.vov - theo vov.vn