Mỹ gặp khó khi săn tìm đạn dược trên toàn cầu giúp Ukraine phản công
10:23 20-03-2023
VOV.VN - Trong bối cảnh Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân, Mỹ đã tìm cách tiếp cận các quốc gia có kho dự trữ lớn trên thế giới nhằm cung cấp đạn dược cần thiết cho Kiev.
Nhu cầu của Ukraine về các hệ thống pháo trong nhiều tháng qua đã vượt xa dự báo của phương Tây, dẫn đến một cuộc săn lùng toàn cầu để có thêm đạn dược và buộc Mỹ phải tiếp cận kho vũ khí của họ ở nước ngoài để giúp Kiev chuẩn bị cho cuộc phản công vào cuối mùa xuân.
Mỹ rút từ kho dự trữ ở nước ngoài
Do một số đồng minh không muốn hoặc không thể cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine, quân đội Mỹ đã rút nguồn dự trữ ở một số địa điểm, bao gồm cả ở Israel, Hàn Quốc, Đức và Kuwait. Kho dự trữ tại các địa điểm này là nơi Mỹ lưu trữ mọi thứ, từ xe tải đến băng cứu thương để hỗ trợ các lực lượng của nước này trên khắp thế giới.
Các quan chức Mỹ cho biết đợt rút đạn được đầu tiên từ các địa điểm kể trên là vào cuối năm 2022.
Áp lực buộc Mỹ phải rút đạn dược từ các kho dự trữ ở nước ngoài xuất hiện khi một số đồng minh của Washington dù có kho đạn pháo lớn nhưng không muốn cung cấp cho Kiev vì sợ bị Nga coi là một bên tham gia cuộc xung đột ở Ukraine.
Nga đã nhiều lần cảnh báo các nước không cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tháng 1/2023, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin nói rằng việc cung cấp vũ khí cho Kiev “sẽ dẫn đến một thảm họa toàn cầu” và ám chỉ khả năng trả đũa của Moscow.
Mỹ đã cung cấp cho Kiev khoảng 160 khẩu lựu pháo sử dụng đạn 155 mm. Số lượng đạn 155mm mà Mỹ đã gửi cho Ukraine là hơn 1 triệu viên, gần bằng các đồng minh khác cộng lại.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine cho tới nay chủ yếu là một cuộc chiến pháo binh tiêu thụ số lượng đạn dược cực lớn. Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội Ukraine sử dụng hơn 90.000 viên đạn 155mm mỗi tháng.
Mỹ hiện đang tìm cách để đảm bảo Ukraine có đủ đạn pháo cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột, đặc biệt là chiến dịch tấn công mùa xuân đã lên kế hoạch mà các nước phương Tây hy vọng sẽ mang tính quyết định.
Theo một số nhà hoạch định quân sự, cho đến nay, phần lớn đạn dược cung cấp cho Ukraine đều lấy từ kho dự trữ quân sự của Mỹ, khiến số lượng lưu kho của Washinton xuống mức rất thấp.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về chi tiết của các kho dự trữ mà họ đang rút ra để cung cấp cho Ukraine.
Bà Sabrina Singh, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc cho biết: “Bộ Quốc phòng có kho dự trữ ở khắp nơi trên thế giới và chúng tôi sẽ không thu hồi chúng mà không có sự ủng hộ hay tham vấn tư vấn từ các đồng minh và đối tác”.
Mỹ cũng đã tìm cách tăng cường sản xuất trong nước, nhưng để làm điều đó, cần một quá trình kéo dài hàng tháng, bởi các dây chuyền nhà máy phải được mở và chuẩn bị, trong một số trường hợp cần phải thuê công nhân.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Mỹ có thể sản xuất khoảng 13.000 viên đạn 155mm mỗi tháng, theo Quân đội Mỹ. Con số đó đã tăng lên khoảng 20.000 viên trong năm nay và Mỹ hy vọng sẽ tăng lên 50.000 viên trong năm 2024.
Tìm cách tiếp cận kho dự trữ của đồng minh và đối tác
Ngoài việc tự sản xuất và rút từ các kho dự trữ của mình, Mỹ cũng đang tìm kiếm thêm đạn pháo cho Ukraine từ các quốc gia có kho dự trữ lớn hoặc có khả năng sản xuất số lượng lớn đạn dược.
Dù vậy, trong nhiều trường hợp, những gì Mỹ nhận được là sự miễn cưỡng.
Washington đã cố gắng thuyết phục Hàn Quốc cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, Seoul duy trì quan điểm trung lập trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Cuối cùng, Hàn Quốc chỉ đồng ý cung cấp cho Mỹ khoảng 200.000 viên đạn, số lượng chỉ tương đương khoảng 2 tháng đạn sử dụng của Ukraine.
Theo giới chức Mỹ, các cuộc đàm phán với Seoul đã diễn ra trong nhiều tháng. Ban đầu, Hàn Quốc cho biết họ không muốn đạn dược của nước này xuất hiện trên chiến trường ở châu Âu nhưng sẽ xem xét bán cho Mỹ nếu Washington đảm bảo chỉ bổ sung cho kho vũ khí của chính mình.
Theo một nghị sĩ châu Âu biết về các cuộc thảo luận, để tránh bị cho rằng Seoul đang cung cấp đạn dược cho Ukraine, mùa hè năm 2022, Mỹ đã sắp xếp để Hàn Quốc bán đạn 155mm cho Cộng hòa Séc.
Đại sứ quán Hàn Quốc tại Mỹ không bình luận về bất kỳ cuộc đàm phán đạn dược nào. Chính phủ ở Seoul trước đây cũng phủ nhận rằng họ đã cung cấp bất kỳ loại đạn dược nào cho Ukraine.
Ông Lee Chang Woo, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Hàn Quốc cho biết: “Chính phủ Hàn Quốc không thay đổi quan điểm về việc không hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine. Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, bao gồm cả việc tái thiết nước này”.
Khi thỏa thuận đó sụp đổ, Mỹ đã đồng ý mua một lô 200.000 viên đạn từ nhà sản xuất Poongsan của Hàn Quốc, chấp nhận điều kiện chúng sẽ chỉ được sử dụng để bổ sung cho kho dự trữ trong nước của Mỹ và không được chuyển đến Ukraine.
Nghị sĩ châu Âu cho biết một thỏa thuận lớn hơn gần như đã được hoàn tất vào tháng 11/2022, nhưng Hàn Quốc sau đó đóng băng nó.
Các quan chức Mỹ cho biết, Ấn Độ, quốc gia có kho dự trữ pháo lớn, cũng thể hiện sự miễn cưỡng tương tự.
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Lloyd Austin đã thảo luận về nhu cầu của Ukraine với tất cả các nhà lãnh đạo hàng đầu mà ông gặp, bao gồm cả ở Trung Đông gần đây.
Trong chuyến công du Trung Đông vào tuần trước, ông Austin đã đề nghị Ai Cập cung cấp đạn 155mm và thiết bị thời Liên Xô nhưng không nhận được cam kết từ phía Cairo.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, các quốc gia sử dụng đạn 155mm bao gồm gần như tất cả các thành viên NATO, các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hầu hết các quốc gia Trung Đông, nhiều quốc gia ở Nam và Đông Nam Á cũng như ở Châu Phi. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong số này không có đủ pháo và đạn pháo để bán ra nước ngoài hoặc không muốn tham gia vào cuộc xung đột [Nga-Ukraine]./.
https://vov.vn/the-gioi/my-gap-kho-khi-san-tim-dan-duoc-tren-toan-cau-giup-ukraine-phan-cong-post1008408.vov - theo vov.vn