Mỹ đề nghị giúp chống Covid-19, Iran và Triều Tiên phản ứng ra sao?

14:09 23-03-2020

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/3 cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ tất cả các nước chống dịch Covid-19, kể cả Iran và Triều Tiên.

Lời đề nghị này trước đó cũng đã được gửi tới Iran và Triều Tiên - hai “ cựu thù” vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn do biện pháp trừng phạt của Mỹ. Iran và Triều Tiên đã có những phản ứng đầu tiên trước đề nghị của Mỹ.


Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Cleveland2.
Phát biểu tại buổi họp báo hôm qua (22/3), Tổng thống Trump cho biết, Mỹ đang giúp đỡ rất nhiều nước. Có 140 quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tình hình đang rất nguy cấp, đặc biệt là tại Iran nên Mỹ sẵn sàng hỗ trợ.
Ông Trump cho biết: “Tôi đã rất công khai nói rằng nước Mỹ sẽ giúp các nước trong đó bao gồm cả Iran, Triều Tiên và rất nhiều nước khác trong cuộc chiến chống Covid-19. Sự giúp đỡ là rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”.

Tổng thống Trump cũng xác nhận đã đề nghị hợp tác với Triều Tiên trong cuộc chiến chống Covid-19, trong lá thư gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đề nghị hỗ trợ nhân đạo của Mỹ đưa ra trong bối cảnh Iran đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát với 1.685 người thiệt mạng và 21.638 người bị nhiễm bệnh. Trong khi Triều Tiên chưa xác nhận trường hợp nào mắc Covid-19, nhưng quốc gia cũng được đặt trong tình trạng báo động cao khi nước láng giềng Hàn Quốc đang bùng phát dịch. Đây cũng là hai quốc gia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính của Mỹ liên quan đến chương trình hạt nhân của các nước này. Iran và Triều Tiên đã có phản ứng trước đề xuất của Mỹ.

Iran bác bỏ luôn

Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 22/3 bác bỏ ngay lập tức lời đề nghị hỗ trợ của Mỹ. Ông cho rằng, đề nghị hỗ trợ Iran là một điều khác lạ và có thể là một “âm mưu” của Mỹ nhằm làm trầm trọng hơn tình hình tại quốc gia này.

“Người Mỹ đã nhiều lần nói rằng sẵn sàng hỗ trợ Iran thuốc men và điều trị. Họ đã nói nhiều lần về điều này. Tuy nhiên đề nghị của họ thật là phi lý khi bản thân nước Mỹ cũng đang phải gặp nhiều khó khăn với việc thiếu nguồn cung y tế thuốc men để kiểm soát virus. Nếu Mỹ có đủ trang thiết bị thì nên sử dụng cho chính nước này trước”.
Trong khi đó Triều Tiên dường như có thái độ mềm mỏng hơn trước lời đề nghị của Mỹ. Quan chức Triều Tiên hôm 22/3 xác nhận Tổng thống Trump đã gửi thư đến nhà lãnh đạo Triều Tiên, thể hiện sẵn sàng hợp tác với đất nước chống dịch bệnh.

Em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng thời là một quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên bà Kim Yo Jong cho rằng, đây là một đánh giá tốt và hành động đúng đắn của Tổng thống Trump trong việc duy trì quan hệ tốt với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Có thể nói phản ứng của Iran và Triều Tiên phản ánh đúng hiện trạng mối quan hệ giữa hai quốc gia này với Mỹ. Iran và Mỹ vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng đặc biệt, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và vụ không kích của Mỹ làm tướng Iran thiệt mạng, đẩy hai nước đứng trên miệng hố chiến tranh thời gian qua. Do đó, nhận sự hỗ trợ của Mỹ là một điều khó xảy ra vào thời điểm này mà không kèm theo sự ngờ vực. Nhiều quan chức Iran lên tiếng chỉ trích đề nghị hỗ trợ của Mỹ là sự không tôn trọng quốc gia này, cho rằng đây là một phần trong chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ nhằm vào Iran.

Trong khi đó, phản ứng khá ôn hòa của Triều Tiên với đề xuất của Mỹ cũng mang lại những hi vọng mới trong bối cảnh hai quốc gia này vẫn đang nỗ lực để nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng như nhiều người nhận định, Mỹ “ không dễ” đưa ra sự hỗ trợ mà không kèm theo tính toán. Trong khi các đồng minh châu Âu cũng đang khẩn thiết kêu gọi sự hỗ trợ y tế trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng Mỹ lại luôn nhấn mạnh sự hỗ trợ với Triều Tiên, có thể là bước đi “tạo niềm tin” trong bối cảnh Triều Tiên đang đối mặt với nhiều khó khăn, tạo bước đà thuận lợi cho các cuộc đàm phán hạt nhân phía trước.

Tuy nhiên, tính toán của Mỹ sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các nước và sự đón nhận này ra sao. Mặc dù đánh giá cao bức thư của Tổng thống Trump là ví dụ về quan hệ đặc biệt và vững chắc giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều, nhưng bà Kim Yo Jong cũng cho rằng, bức thư được đưa ra vào thời điểm có những thách thức và khó khăn phía trước trong mối quan hệ hai nước. Do đó không nên kết luận hay lạc quan quá sớm về triển vọng mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-de-nghi-giup-chong-covid19-iran-va-trieu-tien-phan-ung-ra-sao-1025817.vov - theo vov.vn