Mỹ chia rẽ về sự ủng hộ cho Ukraine và nỗi bất an của châu Âu
09:16 28-10-2022
VOV.VN - Sự hoài nghi ngày càng gia tăng trong đảng Cộng hòa đồng nghĩa với việc nếu đảng này giành chiến thắng, sẽ có nhiều câu hỏi về các gói hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine trong tương lai.
Ngày 26/10, Nhà Trắng nhận định, hiện không có triển vọng cho các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với các thách thức mới trong việc đoàn kết lưỡng đảng và liên minh phương Tây nhằm ủng hộ Kiev đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp các lãnh đạo Lầu Năm Góc ngày 26/10 tại Nhà Trắng. Ảnh: New York Times
Sự đoàn kết trong nước và quốc tế mà Tổng thống Biden cố gắng duy trì trong thời gian qua đã cho thấy những dấu hiệu lung lay trong những ngày gần đây khi cuộc bầu cử giữa kỳ đã cận kề và châu Âu sắp đối mặt với mùa đông lạnh giá. Trong khi đó, các cố vấn của Tổng thống Biden kết luận rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tới khi đạt được mục tiêu, trong khi giới lãnh đạo Ukraine không sẵn sàng nhượng bộ bất kỳ điều gì sau những thành quả đạt được trên chiến trường gần đây.
"Hiện không có bên nào trong tâm thế sẽ ngồi vào bàn đàm phán", ông John Kirby - điều phối viên về trao đổi chiến lược của Hội đông An ninh Quốc gia nhận định với báo giới ngày 25/10.
"Tổng thống Putin rõ ràng sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự trong khi Ukraine đang ở vị thế mà họ chưa muốn ngồi vào bàn đàm phán".
Ông Kirby nhấn mạnh, Mỹ sẽ hỗ trợ Tổng thống Ukraine Zelensky đối phó với các cuộc tấn công của Nga đồng thời cố gắng tăng cường vị thế của nước này trong những cuộc đàm phán tương lai. Theo ông Kirby, việc liệu có đàm phán hay không và đàm phán khi nào phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Zelensky.
"Ông ấy sẽ quyết định thỏa thuận hòa bình là gì, chiến thắng sẽ diễn ra như thế nào cũng như sẵn sàng hoặc không sẵn sàng nhượng bộ điều gì trước Nga. Tuy nhiên, chúng ta chưa đến được thời điểm này”, ông Kirby bình luận.
Mỹ chia rẽ về sự ủng hộ cho Ukraine
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy bang California, người được cho là sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện mới nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng, đã đe dọa sẽ cắt giảm các gói hỗ trợ tương lai cho Ukraine.
Với Tổng thống Biden, người nỗ lực xây dựng sự nhất trí trong lưỡng đảng và liên minh phương Tây thời gian qua, những tuần tới có ý nghĩa then chốt. Mặc dù cuộc xung đột ở Ukraine vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Mỹ nhưng một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự suy giảm ủng hộ, đặc biệt là giữa các thành viên đảng Cộng hòa.
Trong một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng trước, 20% người dân Mỹ cho rằng Washington đang cung cấp quá nhiều sự hỗ trợ cho Ukraine, tăng so với con số 12% hồi tháng 5 và 7% hồi tháng 3/2022. 32% thành viên đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine, trong khi con số này ở đảng Dân chủ là 11%. Khoảng 40% thành viên đảng Cộng hòa tham gia khảo sát nói rằng Mỹ đang làm những điều đúng đắn nhưng chưa đủ, trong khi 65% thành viên đảng Dân chủ nhất trí với quan điểm này.
Sự hoài nghi ngày càng gia tăng trong đảng Cộng hòa đồng nghĩa với việc nếu đảng này giành chiến thắng, sẽ có nhiều câu hỏi về các gói hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine trong tương lai.
Sau khi Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cho rằng Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ không tiếp tục cung cấp những tờ séc trống cho Ukraine, các quan chức ở Kiev và Tây Âu bắt đầu đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể tiếp tục dựa vào Mỹ hay không.
Thậm chí, trước khi ông McCarthy đưa ra tuyên bố trên thì 57 thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện và 11 thành viên đảng này trong Thượng viện đã bỏ phiếu phản đối gói hỗ trợ trị giá 40 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine hồi tháng 5 và nhiều thành viên trong đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự phản đối trước việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho Kiev.
Hiện chưa rõ liệu đảng Cộng hòa có thực hiện cảnh báo cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine nếu họ kiểm soát Hạ viện hay không nhưng các thành viên khác trong đảng Cộng hòa vẫn là những người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, đáng chú ý nhất là Thượng nghị sĩ bang Kentucky Mitch McConnell - lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện. Ông Mitch McConnell khẳng định, đa số thành viên đảng Cộng hòa trong Thượng viện "sẽ tập trung vào việc đảm bảo cung cấp kịp thời các vũ khí cần thiết và sự hỗ trợ lớn hơn cho Ukraine".
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các nước châu Âu, hiện đang chuẩn bị đối mặt với mùa đông lạnh giá giữa bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung năng lượng, cũng nhìn nhận cuộc xung đột ở Ukraine theo cách khác. Một số nước Đông Âu muốn Nga bị đánh bại và rút quân khỏi Ukraine, trong đó bao gồm ở cả Crimea, trong khi những quốc gia như Đức, Pháp và Italy tin rằng một chiến thắng trọn vẹn là phi thực tế, đồng thời bày tỏ lo ngại Washington không có lập trường rõ ràng về kết cục xung đột ở Ukraine. Thậm chí giữa những thành viên có quan điểm tương tự nhau cũng nảy sinh căng thẳng trong chiến lược năng lượng và quốc phòng. Trong khi Pháp ủng hộ giải pháp áp giá trần khí đốt của EU thì Đức chỉ đồng ý vào tuần trước với các điều kiện kèm theo.
Còn tại Ukraine, căng thẳng có nguy cơ bị đẩy lên cao khi ngày 26/10, Tổng thống Putin lần đầu tiên cáo buộc Ukraine chuẩn bị sử dụng “bom bẩn”. Các quan chức Nga cũng nhiều lần nêu ra vấn đề này. Mỹ đã bác bỏ cáo buộc trên và gọi động thái của Nga là tạo cớ để leo thang tấn công Ukraine.
Nỗi bất an của châu Âu
Sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine về tài chính và quân sự vượt qua tất cả các nước đồng minh cộng lại. Trong khi đó, Đức và Pháp dường như vẫn giữ thái độ thận trọng về việc cung cấp các vũ khí hiện đại cho Ukraine. Châu Âu đã hao hụt khá nhiều vũ khí thời Liên Xô sau khi hỗ trợ chúng cho Kiev và kho vũ khí phục vụ phòng thủ của các nước này hiện đang ở mức thấp do việc cắt giảm ngân sách quốc phòng hậu Chiến tranh Lạnh.
Quân đội Ukraine ở Soledar, phía Đông nước này. Ảnh: Getty
Hiện có sự khác biệt đáng kể giữa số lượng vũ khí được Mỹ, Anh và Ba Lan vận chuyển cho Ukraine với phần còn lại của châu Âu, làm dấy lên câu hỏi liệu có phải một số quốc gia đang chậm cung cấp vũ khí để rút ngắn cuộc xung đột và đẩy nhanh tiến trình đàm phán hay không.
"Nhìn chung, phương Tây đang cung cấp cho Ukraine số lượng vũ khí chỉ đủ để cầm cự chứ không đủ để giành lại lãnh thổ. Mục đích của họ dường như là khiến cho Nga không thắng nhưng cũng không thua", ông Ulrich Speck, nhà phân tích chính sách đối ngoại Đức cho hay.
"Những gì các quốc gia cung cấp và việc họ vận chuyển chúng một cách chậm chạp cho Ukraine đã nói cho chúng ta nhiều điều về mục đích của các nước phương Tây. Điều đó trở nên quan trọng hơn trong thời điểm hiện nay bởi Ukraine ngày càng phụ thuộc vào vũ khí phương Tây", chuyên gia này bình luận.
Trên thực tế, Ukraine không thể đẩy lùi các lực lượng của Nga nếu không được phương Tây hỗ trợ vũ khí. Bất kỳ sự trì hoãn cung cấp vũ khí nào từ Mỹ và đồng minh đều sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi và xoay chiều cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Nga, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nghị viện Anh Tobias Ellwood nói.
Trong khi đó, các nhu cầu của Ukraine vẫn tiếp tục tăng lên. Các cuộc tấn công dồn dập của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp điện của nước này trong khi Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine cần hàng tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp để cầm cự tới năm sau. Các nhà quan sát nhận định, những yêu cầu của Ukraine đang trở thành gánh nặng với một số nước phương Tây khi mùa đông tới gần và nguy cơ suy thoái treo lơ lửng. Do đó, theo ông Ellwood, sự lãnh đạo của Mỹ có vai trò rất quan trọng.
"Nếu Mỹ tiếp tục hỗ trợ, các quốc gia khác sẽ làm theo. Quy mô hỗ trợ quân sự và tài chính của Mỹ bỏ xa các quốc gia khác, nhưng nếu Mỹ bắt đầu dao động, các quốc gia khác cũng sẽ dao động theo", ông Ellwood đánh giá./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-chia-re-ve-su-ung-ho-cho-ukraine-va-noi-bat-an-cua-chau-au-post980114.vov - theo vov.vn