Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, được và mất từ cuộc chiến Nga-Ukraine

09:09 22-03-2022

VOV.VN - "Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự cân bằng giữa lợi ích và thiệt hại đối với các bên tham chiến, cũng như các nhân tố toàn cầu.

Hiện tại, xung đột vẫn tiếp diễn và chưa có giải pháp ngoại giao nào được đưa ra, vì thế rất khó xác định liệu các bên có thể đạt được mục tiêu chính trị của mình hay không, trong khi cái giá phải trả về kinh tế lại rất lớn. Đối với Nga và Ukraine, cán cân giữa lợi ích và thiệt hại vẫn chưa được xác định, nhưng với những nhân tố khác như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, điều này rõ ràng hơn rất nhiều.


Một thiết giáp, chưa rõ của phe nào, bị phá hủy trên đường phố của thành phố Bucha thuộc vùng Kiev ngày 1/3 Ảnh: Reuters
Liên minh châu Âu

EU đang chịu nhiều thiệt hại và tổn thất do việc cắt đứt nhiều mối quan hệ về kinh tế và thương mại với Nga. Thách thức lớn với khối này là tìm nguồn cung thay thế cho dầu mỏ, khí đốt, kim loại và các mặt hàng khác của Nga trên thị trường châu Âu. Để thực hiện điều đó đòi hỏi sự tập trung cao độ về nguồn lực, ý chí và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu cũng như mức độ cạnh tranh của các ngành công nghiệp của khối này trong những năm tới.

Dù phải đối mặt nhiều thách thức nhưng việc thay thế nguồn nguyên liệu thô của Nga không phải là không thể. Đối với dầu mỏ, châu Âu sẽ không mất nhiều thời gian, trong khi việc cắt giảm khí đốt của Nga sẽ khó khăn hơn rất nhiều và cần có thời gian. Tình hình sẽ khác biệt đối với từng quốc gia trong khối vì mức độ phụ thuộc của họ vào các nguồn nhiều liệu hóa thạch của Nga không giống nhau. Tuy vậy, nhiều loại hàng hóa của Nga chắc chắn sẽ bị thay thế trong vài năm tới.

Một số nhà phân tích cho rằng, bất kể những diễn biến trên chiến trường Ukraine và chính sách đối ngoại của Nga như thế nào, việc đẩy Moscow ra khỏi thị trường chung châu Âu sẽ là một quá trình lâu dài.

Chưa kể, EU còn thêm gánh nặng phải đón nhận người tị nạn Ukraine. Để xác định chính xác số lượng người dân Ukraine phải đi sơ tán ở thời điểm này là rất khó khăn, nhưng chắc chắn con số phải lên đến hàng triệu. Các nước EU cần phải tiếp nhập người tị nạn và giúp họ thích nghi, thậm chí hòa nhập với cộng đồng. EU sẽ phải chi nhiều hơn cho các chương trình phúc lợi xã hội.

Thế nhưng, EU đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với làn sóng người di cư trong nhiều năm qua vì thế họ có thể dễ dàng ứng phó tình hình. Không giống như người di cư từ châu Á hay các quốc gia Hồi giáo, người Ukraine không mấy khác biệt người châu Âu về văn hóa. Vì thế họ sẽ hòa nhập nhanh hơn và không có xu hướng hình thành các cộng đồng khép kín. Đối với nền kinh tế EU, đây sẽ là cú hích mạnh về nhân khẩu học.


Người tị nạn Ukraine đi bộ dọc theo dòng phương tiện xếp hàng chờ qua cửa khẩu Mayaky-Udobne tại biên giới Ukraine - Moldova. Ảnh: Reuter
Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến EU phải tăng chi tiêu cho quốc phòng. Điều này không nhất thiết phải tương ứng với sự phát triển ảnh hưởng về chính trị của khối. Nhiều nước EU cũng đồng thời là thành viên NATO, vì thế vai trò chính trị và quân sự của họ sẽ trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Đức đã cam kết tăng mạnh chi tiêu quân sự, hiện đại hóa quân đội và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Đối với các tổ hợp công nghiệp-quân sự tiên tiến của châu Âu, điều này sẽ mang lại lợi ích lâu dài.

Sau chiến dịch quân sự của Nga, châu Âu đã trở nên đoàn kết hơn. Xét về mặt này, Nga đã trở thành nhân tố khiến EU phải tăng cường sức mạnh, giữ vững kỷ luật nội bộ, củng cố bản sắc riêng và tăng cường phòng thủ ở sườn phía Đông.

Mỹ

Nhìn bề ngoài, tổn thất mà Mỹ phải chịu liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine không đáng kể, mặc dù việc cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga gây ra một số khó khăn, chẳng hạn như khiến giá cả các mặt hàng này tại Mỹ tăng cao. Tuy vậy, vần đề chính đối với Washington xuất hiện ở những nơi khác. Sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc đối đầu với Nga, khiến Mỹ phải cắt giảm ưu tiên cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu cũng khiến Washington hạn chế trong khả năng kiềm chế Trung Quốc.

Mỹ cũng lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể chuyển thành chiến tranh giữa NATO và Nga. Nếu điều này xảy ra chắc chắn sẽ dẫn đến sử dụng vũ khí hạt nhân. Hiện, Washington vẫn đang tìm mọi biện pháp để kiềm chế Moscow nhưng hành động của họ vẫn có những ranh giới nhất định nhằm tránh leo thang căng thẳng. Có vẻ như ưu tiên hiện tại của Mỹ là giảm bớt cường độ xung đột và đảm bảo nó sẽ không đạt tới cao trào.

Ở một khía cạnh khác, Mỹ chắc chắn cũng có những lợi ích nhất định. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã khiến NATO tăng cường sự đoàn kết nội bộ và khuyến khích các thành viên châu Âu đóng góp nhiều hơn cho an ninh. 3 tổng thống Mỹ trước đó là Donald Trump, Barack Obama và George W. Bush đã không làm được điều này. Hiện giờ NATO đã thể hiện quyết tâm theo đuổi lập trường chung mà không vấp phải nhiều trở ngại. Tư cách thành viên dành cho những quốc gia trung lập như Thụy Điển hay Phần Lan đang được thảo luận và tỷ lệ ủng hộ ý tưởng gia nhập NATO ở cả hai quốc gia này đang gia tăng. Nếu Helsinki gia nhập NATO, sức mạnh của khối được dự đoán sẽ mở rộng tới khu vực phía tây bắc của Nga.

Về mặt lý thuyết, sự chuyển hướng nguồn lực sang châu Âu cũng giúp Mỹ và đồng minh có thể tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có vào tiềm năng phát triển kinh tế và công nghệ của Nga. Nga chắc chắn vẫn là thách thức quân sự lớn đối với Mỹ và phương Tây. Tuy vậy, sự kiềm tỏa về kinh tế nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự giảm sút về tiềm lực quân sự và khi đó, Mỹ có thể tiếp tục chuyển hướng sự chú ý sang châu Á.

Ngành năng lượng Mỹ dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc khủng hoảng. Trong thời gian tới, nó có thể chiếm thị phần lớn ở châu Âu sau khi EU cắt giảm dầu mỏ và khí đốt Nga. Chưa kể Mỹ cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc giảm ảnh hưởng của Nga trên thị trường vũ khí. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vẫn là những khách hàng tiêu thụ vũ khí lớn của Nga nhưng Moscow sẽ khó cạnh tranh hơn ở các thị trường khác do áp lực mạnh mẽ từ Mỹ.

Trong nhiều năm qua, Mỹ đang phải đối mặt với một loạt vấn đề lớn trong nước. Và yếu tố Nga có thể giúp Quốc hội cũng như người dân Mỹ đoàn kết và thống nhất dù điều này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ cuộc xung đột Nga-Ukraine có tác động đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ năm 2022 và cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 hay không.
Tính toán của ông Zelensky khiến Mỹ rơi vào tình thế “đi trên dây”

Trung Quốc

Khác với Mỹ hay EU, Trung Quốc chịu tác động rất ít bởi cuộc khủng hoảng hiện nay, chưa kể nước này có rất nhiều cơ hội để hành động. Sức ép về quân sự và chính trị của Washington với Bắc Kinh đang giảm dần. Việc phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Nga đã khiến Trung Quốc có cơ hội tiếp cận với nhiều mảng trên thị trường Nga vốn đang bị bỏ trống. Bắc Kinh sẽ dễ dàng mua được năng lượng của Nga với giá rẻ dù phải vượt qua những rào cản về cơ sở hạ tầng và hậu cần.

Hơn nữa, Trung Quốc có thể đóng vai trò là đối tác tài chính quan trọng của Nga – một mối quan hệ với lợi thế nghiêng nhiều hơn về Bắc Kinh. Còn Nga dường như không còn lựa chọn nào thay thế cho việc hợp tác với Trung Quốc.

Bắc Kinh sẽ sớm tận dụng những cơ hội mới để mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á. Học hỏi kinh nghiệm đối phó trừng phạt của Nga trong nhiều năm qua, Trung Quốc sẽ củng cố an ninh kinh tế và tài chính của nước này để trụ vững trước cuộc đối đầu với phương Tây.

Tuy vậy, những diễn biến hiện tại sẽ khó có thể dẫn một liên minh kinh tế và chính trị Nga-Trung. Bởi Bắc Kinh vẫn luôn giữ một khoảng cách nhất định nhằm tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột Ukraine và cố gắng duy trì sự linh hoạt nhiều nhất có thể.

Ấn Độ

Ấn Độ hầu như không bị ảnh hưởng. Ấn Độ vẫn duy trì đối thoại với Nga và chắc chắn sẽ ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào của bất cứ bên nào nhằm cản trở sự hợp tác quân sự và kỹ thuật giữa hai nước. Vẫn chưa rõ việc mua vũ khí của Ấn Độ có bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hay không. Bên cạnh đó, sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc do xung đột Nga-Ukraine cũng khiến New Delhi lo lắng hơn nhưng đây không phải là vấn đề mới.

Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng có thể mang lại lợi ích cho một số quốc gia hiện đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, chẳng hạn như Venezuela và Iran. Washington có thể dỡ bỏ một số hình phạt để bù đắp thiệt hại phát sinh từ lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Về mặt chính trị, điều này có thể dễ thực hiện hơn với Venezuela, còn Iran thì khó khăn hơn do liên quan đến chương trình hạt nhân và phiên bản mới của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vốn có sự tham gia của Nga.

Nhìn chung giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ gây ra tác động trên quy mô toàn cầu. Đối với một số quốc gia, điều này sẽ gây ra những tổn thất trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng với nhiều quốc gia khác, nó sẽ mở ra những cơ hội mới./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-chau-au-trung-quoc-duoc-va-mat-tu-cuoc-chien-nga-ukraine-post931894.vov - theo vov.vn