Mũi 3 vaccine Covid-19 có hiệu quả với biến chủng Omicron?
09:48 30-12-2021
VOV.VN - Theo chuyên gia y tế, khi biến thể Omicron xuất hiện, khả năng bảo vệ (chống nhiễm) chỉ đạt khoảng 30%, tuy nhiên vaccine vẫn giúp giảm bệnh nhân thể nặng và tử vong ở mức cao.
Vừa qua, tại Lễ phát động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện.
(Ảnh minh họa)
Hiện nay các địa phương đang nỗ lực trong việc triển khai tiêm vaccine mũi 3 cho người dân. Theo báo cáo của Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có 39 tỉnh, thành phố triển khai tiêm mũi 3 cho người dân, trong đó các tỉnh, thành phố phía Nam tiêm nhiều nhất với hơn 1,2 triệu liều, tiếp theo là miền Bắc với hơn 720.000 liều, các tỉnh miền Trung đứng thứ 3 với hơn 45.000 liều và khu vực Tây Nguyên gần 800 liều.
Mũi vaccine bổ sung và mũi nhắc lại có khác nhau?
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết: "Theo văn bản số 10722/BYT-DP về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại ngày 17/12/2021 của Bộ Y tế quy định thì mũi bổ sung là mũi tiêm cho những người suy giảm miễn dịch nhẹ và vừa, những người đã tiêm 2 mũi vaccine Sinopharm hoặc Sputnik V. Thời gian tiêm sau khi tiêm mũi 2 là 28 ngày. Sau khi tiêm mũi bổ sung thì mới hoàn thành việc tiêm mũi cơ bản. Còn những người khác sau khi tiêm 2 mũi vaccine thì cũng được coi là hoàn thành tiêm mũi cơ bản. Những người đã tiêm mũi cơ bản sẽ tiêm mũi nhắc lại sau khi tiêm mũi cơ bản cuối cùng là 3 tháng.
Liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày.
Liều nhắc lại, còn gọi là liều tăng cường, tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 3 tháng.
Liều cơ bản là liều vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Trong các loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt và được tiêm ở Việt Nam, chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm... mỗi liều tiêm cách nhau tối thiểu 3-4 tuần tùy loại.
Cũng theo PGS Trần Đắc Phu, hiện nay nhiều nước trên thế giới đang tăng cường triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3, thậm chí có quốc gia đã triển khai tiêm mũi thứ 4.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, về cơ bản tiêm vaccine mũi 3 chính là vaccine cùng loại của mũi 1, mũi 2. Trong trường hợp không có vaccine cùng loại thì sẽ triển khai vaccine phù hợp. “Nếu trước đó tiêm vaccine Sinopharm thì có thể tiêm AstraZeneca hoặc vaccine Pfizer, Moderna cho mũi 3. Nếu đã tiêm vaccine Pfizer mũi 1, 2 thì có thể tiêm mũi 3 Pfizer hoặc Moderna. Nếu tiêm AstraZeneca mũi 1, 2 thì có thể tiêm AstraZeneca hoặc nhắc lại bằng vaccine mRNA”- ông Thái cho biết.
TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Cũng theo ông Thái, vì đối tượng tiêm phức tạp nên cần có sự rà soát trước khi tiêm để đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận vaccine. Đặc biệt, thời điểm gần Tết, việc di biến động dân số nhiều nên việc thống kê, lên danh sách người tiêm khá phức tạp. Do đó, ông Thái cho rằng, cần sự vào cuộc của cả chính quyền, người dân trong việc triển khai tiêm vaccine mũi 3 để đảm bảo việc tiếp cận vaccine hiệu quả nhất.
Về hiệu quả của mũi 3 vaccine Covid-19 với biến chủng Omicron, TS Phạm Quang Thái cũng cho rằng, thế giới cũng đã ghi nhận khi biến thể Delta xuất hiện, khả năng bảo vệ của vaccine giảm xuống còn 60-70%. Với biến thể Omicron, nghiên cứu cho thấy khả năng phòng nhiễm chỉ đạt khoảng 30-50%, tuy nhiên vaccine vẫn phòng được thể nặng và tử vong ở mức cao trên 90%.
Theo Theo Health.com, Phó giáo sư vi sinh học- miễn dịch học Pablo Peñaloza-MacMaster tại Đại học Y Chicago, Mỹ cho biết, vào thời điểm tiêm vaccine tăng cường, các tế bào B trong bộ nhớ từng gặp các protein virus một hoặc hai lần tùy thuộc vào vaccine ban đầu nhận được và do đó có thể tạo ra ngày càng nhiều kháng thể tốt hơn chống lại Covid-19. Điều này có nghĩa là bạn sẽ được bảo vệ nhiều hơn nếu tiếp xúc với virus và thậm chí có thể cung cấp khả năng bảo vệ chéo trước các biến thể khác nhau.
Johnson & Johnson báo cáo rằng những người được tiêm mũi tăng cường 2 tháng sau mũi tiêm đầu tiên có mức độ kháng thể tăng gấp 4-6 lần. Trong khi đó, đối với Moderna là 37 lần và Pfizer là 25 lần. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc pha trộn và kết hợp các loại vaccine cung cấp nhiều khả năng bảo vệ hơn so với cùng loại ban đầu.
Hiện chưa rõ sau mũi tiêm tăng cường sẽ phát huy hiệu quả bảo vệ đầy đủ sau bao lâu. Tuy nhiên, dữ liệu của CDC Mỹ đối với những người tiêm mũi vaccine tăng cường của Pfizer sau 100 ngày cho thấy hiệu quả bảo vệ có thể xuất hiện ngay 7 ngày sau khi tiêm. Cũng theo thử nghiệm, những người được tiêm thuốc tăng cường Pfizer có tỷ lệ mắc COVID-19 có triệu chứng thấp hơn nhiều từ 1 tuần đến 2 tháng sau khi tiêm mũi tăng cường./.
https://vov.vn/xa-hoi/mui-3-vaccine-covid-19-co-hieu-qua-voi-bien-chung-omicron-post914938.vov - theo vov.vn