Mùa Vu Lan: Hãy làm trọn đạo hiếu với cha mẹ
08:36 31-08-2020
VOV.VN - Ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm không chỉ là ngày “xá tội vong nhân” mà còn là ngày con cháu bày tỏ lòng thành kính báo hiếu ông bà, cha mẹ.
Trong những ngày này, ngoài việc chuẩn bị mâm lễ cúng gia tiên, thắp nén hương tưởng nhớ đến người thân đã khuất, mọi người còn lên chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu, tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên.
Lễ Vu Lan đã trở thành một lễ hội văn hoá tinh thần chung của xã hội.
Dịp rằm tháng 7 âm lịch, tại các ngôi chùa trên cả nước diễn ra Pháp hội Vu Lan báo hiếu với những nghi lễ trang trọng, thiêng liêng, thu hút hàng nghìn người dân đến tham gia với các nội dung như: Giảng kinh về đạo hiếu, lễ bông hồng cài áo, thả đèn hoa đăng, lễ cầu siêu… Tới lễ chùa, ai cũng mang theo một bó hoa thơm, đó là những bông sen hồng thơm ngát, những bó hoa hồng đỏ thắm, hoa huệ trắng tinh khiết hay những bông cúc vàng tươi rực rỡ. Những bông hồng trắng, đỏ được người dân cài trên ngực áo tạo nên một không khí linh thiêng và ấm cúng.
Thành kính dâng nén hương thơm lên Đức Phật, bà Phạm Thị Hằng, 70 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm nghẹn ngào khi nhớ về cha mẹ: “Bố mẹ tôi mất lâu rồi, lúc đó tôi còn đang học, khi trưởng thành thì bố mẹ tôi mất rồi nên tôi chưa hề báo hiếu được cho bố mẹ. Đến bây giờ “ăn mày” cửa Phật để sám hối những điều mình làm chưa đúng, khi đến chùa mới nhận ra những gì mình làm sai, trước tuổi lông bông, ăn học, gia đình chiều chuộng không để ý những gì mình sơ xuất lời ăn tiếng nói, cư xử với cộng đồng, tôi cũng ân hận. khi mình trưởng thành biết làm người thì bố mẹ mất rồi, các anh các chị mất rồi, nên tôi đến đây chỉ biết ngồi cầu trời khấn phật phù hộ cho”.
Các gia đình thường đi lễ chùa để cầu an cho cha mẹ đã khuất vả cầu sức khỏe cho cha mẹ vẫn còn sống. Do đó, hiếu hạnh với cha mẹ lúc còn sống để không cảm thấy hối tiếc về sau là tâm niệm của bà Lê Thị Nhung để đền đáp nghĩa tình sâu nặng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Bà Lê Thị Nhung cho rằng ngay khi cha mẹ còn sống, nên biết trân trọng từng ngày, còn cha mẹ để được chăm sóc là hạnh phúc, may mắn của đời người.
“Tôi vẫn nói với con, lúc sống đối xử cho tử tế, lúc chết rồi là hết, bản thân mẹ hơn 60 tuổi nhưng chưa bao giờ biết cãi lời ông bà, các con phải học theo tâm tính của mẹ, với những người bố mẹ đang con sống, có cha có mẹ mới có mình, nên phải sống thế nào cho trọn nghĩa trọn tình đúng đạo làm con, sau khi bố mẹ có buông bỏ để lại cho mình không phải ân hận điều gì. Khi sống phải đối xử cho tốt”.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 8 tuổi, chị Trịnh Kim Oanh, ở quận Hai Bà Trưng càng thấu hiểu sự thiệt thòi của những người con không được hưởng trọn vẹn tình yêu thương của cha mẹ. Khi trưởng thành, lập gia đình, chị Kim Oanh luôn xem cha mẹ chồng như cha mẹ đẻ và dành hết tình yêu thương cho con cái. Lên chùa lễ Phật, tưởng nhớ về cha mẹ đã khuất, chị Kim Oanh cũng mong muốn những người con của mình yêu thương ông bà, cha mẹ.
“Bây giờ không như các cụ xưa sinh nhiều, nên tâm lý ai cũng muốn bao bọc che chở con, nhiều em hiếu kính chăm sóc bố mẹ người thân. Cá nhân tôi mong muốn các em bây giờ có đủ điều kiện vật chất, có nền giáo dục tốt, không những đối với người thân, cộng đồng, khi người thân còn sống cần sự quan tâm động viên tích cực. Tôi cũng hy vọng, những người mẹ cần một lời động viên, an ủi chào hỏi, thì cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn nhiều".
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên - cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Từ tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát Mục Kiền Liên, lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á. Diễn ra vào ngày 15/7 âm lịch, lễ Vu Lan đã trở thành truyền thống, nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con phải luôn “Một lòng thờ mẹ kính cha- Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Theo đại đức Thích Nguyên Chính, Phó Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mỗi mùa Vu Lan là dịp để những người con tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên.
“Trong phật giáo luôn lấy chữ hiếu làm đầu, nên khuyên phật tử dù tu hành kiểu gì, tu ở đâu mà không có chữ hiếu thì kết quả tu đó không thành. Mong những phật tử , người dân Việt Nam, không chỉ có tháng 7 mà cả 12 tháng chúng ta phụng dưỡng cha mẹ , bởi phật cũng dạy một vai cõng cha một vai cõng mẹ cũng không trả hết được công lao sinh thành của cha mẹ, nên việc của chúng ta bây giờ nếu cha mẹ còn khỏe chúng ta cũng hướng cha mẹ làm điều lành điều thiện, tránh xa điều dữ, đó là 365 ngày nhà chùa mong muốn”- Đại đức Thích Nguyên Chính nói.
Lễ Vu Lan là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tuy nhiên, trong những năm gần đây, với suy nghĩ “trần sao âm vậy” mới phù hộ độ trì cho con cháu ăn nên làm ra, nên việc đốt vàng mã ngày càng nhiều hơn. Không ít người đua nhau sắm các loại hàng mã như: ô tô, xe máy, nhà lầu, ti vi,.. Cách hiểu này ảnh hưởng không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đại đức Thích Nguyên Chính đưa ra lời khuyên: “Chùa khuyên các phật tử chúng ta hạn chế đốt vàng mã, lấy tiền đó có thể từ thiện, phụng dưỡng cha mẹ, khi cha mẹ còn sống, còn chúng ta có tâm thì kể cả một bộ quần áo thôi cũng là nhiều, quan trọng nhất là tâm. Chúng ta mong muốn các cụ siêu thoát, khi siêu thoát không thể nhận được những đồ đó. Do vậy, chúng ta không nên đốt nhiều vàng mã”.
Những ai còn đầy đủ cha mẹ hãy trân trọng những giây phút thiêng liêng này khi còn được hưởng niềm vui bên cha mẹ…. đừng để hối hận vì không sống trọn đạo làm con, trọn đạo làm nguời. Đạo hiếu như một chất keo gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, dòng họ và cao hơn nữa là cộng đồng, quê hương, đất nước và đã thấm sâu vào cuộc sống của người Việt Nam. Không chỉ hiếu kính cha mẹ, mà thế hệ con, cháu có nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân những người có công lao với đất nước, hướng đến những việc làm thiện nguyện đã lan tỏa, tạo thành phong trào, nét đẹp trong cuộc sống./.
https://vov.vn/xa-hoi/mua-vu-lan-hay-lam-tron-dao-hieu-voi-cha-me-1089678.vov - theo vov.vn