Mua bán trái phép chất độc đối diện hình phạt nào?

09:23 16-07-2024

Vụ giết người bằng xyanua xảy ra ở Đồng Nai khiến dư luận rúng động và đặt câu hỏi: Việc mua bán hóa chất độc hiện nay được kiểm soát như thế nào?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) về tội Giết người.

Sự việc bị phát giác khi cháu của nghi phạm là N.H.B.T. (18 tuổi) được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, được chẩn đoán ngộ độc xyanua bất thường. Đáng nói, trước khi cháu T. bị trúng độc, 5 người thân khác trong gia đình Bích đã chết chỉ trong vòng 8 tháng, với biểu hiện nôn ói, rơi vào hôn mê, ngưng tim, rối loạn nhịp tim. Tại cơ quan công an, Bích khai nhận trước đó đã giết chồng và 2 cháu ruột khác cũng bằng xyanua.

Vụ việc Nguyễn Thị Hồng Bích ở Đồng Nai đầu độc người thân bằng xyanua không phải là vụ giết người bằng chất kịch độc đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, tháng 12 năm 2019, Lại Thị Kiều Trang ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã bơm xyanua vào cốc trà sữa định đầu độc chị họ khiến một người khác chết oan. Xyanua là hợp chất hoá học khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương cho não và tim mạch... Chỉ cần 50 - 200mg xyanua hoặc hít phải 0,2% khí xyanua, có thể khiến một người trưởng thành tử vong ngay lập tức. Thế nhưng chất kịch độc, có thể giết người trong nháy mắt này lại đang được bán công khai và quá dễ dàng. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về công tác quản lý việc mua bán các loại hóa chất trên thị trường.

Trao đổi với phóng viên VOV2, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết kinh doanh hóa chất là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy khi các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hóa chất phải thực hiện xin giấy phép hay giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

Theo đó, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất phải đáp ứng các điều kiện sau: Là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thành lập theo quy định của pháp luật, có ngành nghề kinh doanh hóa chất; Cơ sở vật chất – kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong kinh doanh theo luật hóa chất và nghị định 113/2017/NĐ-CP; Địa điểm, diện tích kho chứa phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Có cửa hàng, địa điểm kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; Vật chứa, bao bì lưu trữ hóa chất phải đảm bảo được chất lượng, vệ sinh môi trường; Phương tiện vận chuyển hóa chất phải tuân thủ theo quy định của pháp luật; Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ; Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất và các đối tượng thuộc điều 32 nghị định 113/2017/NĐ-CP.

Đối với các cơ sở kinh doanh hóa chất trái quy định của pháp luật, tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà có thể bị áp dụng các chế tài xử phạt khác nhau. Về xử phạt hành chính, các đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền (dao động từ 100.000 đồng đến 50.000.000 đồng) theo các quy định tại chương II nghị định số 71/2019/NĐ-CP. Về chế tài hình sự, theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị xử lý về tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc với khung hình phạt cơ bản từ 1 đến 5 năm. Trường hợp hành vi gây hậu quả làm chết người, tùy thuộc hậu quả và mức độ nghiêm trọng, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt cao nhất lên tới 15-20 năm tù hoặc tù chung thân - Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.

Căn cứ theo Điều 23 Luật Hóa chất 2007 thì người bán có nghĩa vụ phải tìm hiểu mục đích sử dụng của người mua. Việc mua, bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.

Phiếu kiểm soát mua bán hóa chất bao gồm các thông tin theo quy định: tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng. Đồng thời phiếu kiểm soát mua bán hóa chất phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất năm năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Các đối tượng vi phạm quy định về Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc hại sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 21 Nghị định số 71/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 21 Nghị định số 71/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Vi phạm quy định về Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc không có xác nhận của bên mua hoặc bên bán;

b) Không có đầy đủ các thông tin theo quy định đối với mỗi Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc: Tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua hoặc người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua hoặc bên bán; ngày giao hàng.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ mỗi Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc theo quy định đối với hóa chất độc.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi mua bán hóa chất độc không có Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc.

Trong trường hợp của đối tượng Nguyễn Thị Hồng Bích ở Đồng Nai, luật sư Trần Xuân Tiền phân tích: Nếu cá nhân, tổ chức bán xyanua cho Bích chưa đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này mà vẫn kinh doanh trái phép thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc.

 

Trường hợp cá nhân, tổ chức mua bán hóa chất biết về mục đích của Bích thì có thể xem xét về tội giết người với vai trò đồng phạm.

Nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh hóa chất có giấy phép và không biết hoặc bị lừa dối về mục đích của Bích thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Riêng về chế tài xử phạt vi phạm quy định về mua bán hóa chất hiện nay, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng vẫn chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với mức độ hậu quả gây ra bởi hành vi vi phạm. Do đó, luật sư mong rằng cơ quan có thẩm quyền sẽ có sự đánh giá chính xác, đầy đủ để điều chỉnh và đưa ra mức xử phạt thích đáng cho hành vi vi phạm pháp luật này.

https://vov.vn/phap-luat/mua-ban-trai-phep-chat-doc-doi-dien-hinh-phat-nao-post1107850.vov - theo vov.vn