Mối quan hệ đặc biệt với Israel thay đổi ra sao qua các đời tổng thống Mỹ?

08:05 13-10-2023

VOV.VN - Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel vốn là điều đặc biệt ở Trung Đông kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhưng mối quan hệ đặc biệt này cũng có sự khác biệt qua các đời tổng thống Mỹ.

Cam kết của Tổng thống Joe Biden rằng Mỹ “sát cánh cùng Israel” cho thấy sự tiếp tục mối quan hệ đặc biệt bắt đầu từ năm 1948, khi Tổng thống Harry Truman trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên công nhận nhà nước Do Thái.

Hiện tại có một khu định cư ở Israel được đặt theo tên của Tổng thống Truman và Mỹ cũng cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Israel mỗi năm.

Israel đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Mỹ không chỉ bởi hầu hết các đời tổng thống gần đây đều cố gắng đóng vai trò tạo dựng hòa bình giữa Israel và Palestine, thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.

 

Mối quan hệ đặc biệt 

Năm 1956, Israel cùng với Pháp và Anh đã tấn công Ai Cập nhằm chiếm kênh đào Suez và lật đổ Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser. Tổng thống Mỹ Eisenhower đã gây áp lực buộc các nước phải rút quân.

 

Tổng thống John F. Kennedy từng lo ngại về tham vọng hạt nhân của Israel. Ông đã thực hiện một chiến dịch gây áp lực thầm lặng để cho phép các thanh sát viên Mỹ được tới các cơ sở hạt nhân của Israel và ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này. Israel được cho là đã phát triển vũ khí hạt nhân vào những năm 1960 mặc dù nước này chưa bao giờ chính thức thừa nhận.

Chính quyền Tổng thống Lyndon Johnson đã tiếp tế cho Israel trong những năm trước Chiến tranh Sáu Ngày (5/6-10/6/1967) - cuộc chiến giữa Israel và liên minh các nước láng giềng Arab gồm Ai Cập, Jordan, và Syria. Kết quả là Ai Cập đã đóng cửa kênh đào Suez trong nhiều năm. Tổng thống Johnson đồng ý bán một số thiết bị quân sự cho Israel, đây là một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ vào thời điểm đó.

“Đây gần như là sản phẩm của sự căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh. Tôi nghĩ có mối lo ngại lớn rằng điều đó sẽ leo thang vượt ra ngoài Israel, Ai Cập và Syria và trở thành một trận chiến lớn hơn nhiều”, ông Mark Updegrove Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của LBJ Foundation nêu quan điểm.

 

Chiến tranh Sáu Ngày cũng đánh dấu việc chính thức sử dụng đường dây nóng đặc biệt đầu tiên giữa Washington và Moscow. Tổng thống Johnson nói với phía Liên Xô rằng họ không cần phải lo ngại trước hoạt động quân sự của Mỹ ở Địa Trung Hải.

Mỹ hỗ trợ Irsael trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973

Tổng thống Richard Nixon ủng hộ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Ông Julian Zelizer, giáo sư tại Đại học Princeton cho rằng: “Hầu hết các nhà sử học trong khu vực đều nghĩ rằng sự hỗ trợ về đạn dược của Mỹ là điều cần thiết cho sự tồn tại của Israel vào thời điểm đó”.

Ngoại trưởng của chính quyền Richard Nixon, ông Henry Kissinger, cũng tham gia vào các nỗ lực “ngoại giao con thoi” nhằm chấm dứt chiến tranh và cuối cùng mở lại kênh đào Suez dưới thời Tổng thống Gerald Ford.

Ông Joe Biden đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên với Israel và Trung Đông vào thời điểm này, với tư cách là một thượng nghị sĩ trẻ, khi ông đến thăm Ai Cập và Israel trước cuộc chiến năm 1973.

Sự hỗ trợ của Tổng thống Nixon dành cho Israel cũng phải trả giá đắt.

“Ông ấy đã làm tổn hại đến chính nhiệm kỳ tổng thống của mình” Douglas Brinkley, nhà sử học về tổng thống Mỹ, nhận định. “Bởi vì các quốc gia Arab đã tạo ra Cuộc tẩy chay dầu mỏ Arab và giá khí đốt của Mỹ tăng vọt. Do sự ủng hộ của Tổng thống Nixon đối với Israel, nó đã tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Mỹ”.

Những nỗ lực trung gian hòa giải cho Israel

Tổng thống Jimmy Carter đã mời Thủ tướng Israel Menachem Begin và Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat ngồi lại với nhau để đi đến Hiệp định Trại David, tạo nên nền hòa bình lâu dài giữa Israel và Ai Cập, nước láng giềng Arab ở phía Nam.

Nếu việc đảm bảo hòa bình giữa Israel và Ai Cập là chiến thắng của Tổng thống Carter thì thất bại của ông là không đảm bảo cho các con tin người Mỹ bị giam giữ ở Iran được trả tự do.

Vào thời điểm Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat bị ám sát năm 1981, Jimmy Carter biết công việc của ông chưa hoàn thành.

“Ông ấy nhận ra rằng Sadat đã thực sự phải trả giá, hy sinh mạng sống của mình vì Trại David. Vì vậy, Jimmy Carter, với tư cách là cựu tổng thống Mỹ, đã thực sự nỗ lực hết mình để tạo dựng một quê hương cho người Palestine”, nhà sử học Brinkley nói.

Tổng thống George H.W. Bush đã cố gắng đưa Israel và các quốc gia khác ngồi lại để bắt đầu Tiến trình Hòa bình Trung Đông ở Madrid. Chính các cuộc đàm phán riêng biệt đã mang lại sự bình thường hóa quan hệ giữa Israel với nước láng giềng Jordan và Hiệp định Oslo, giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine.

Tổng thống Bill Clinton là nhà lãnh đạo Mỹ tiến gần nhất đến việc làm trung gian hòa bình giữa Israel và Palestine. Soạn thảo Hiệp định Oslo năm 1993, ông Clinton đứng đằng sau cái bắt tay lịch sử giữa giữa nhà lãnh đạo Palestine lúc bấy giờ là Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzahk Rabin.

Các nhà lãnh đạo Trung Đông cùng với Thủ tướng Israel Shimon Peres đã được trao giải Nobel Hòa bình. Nhưng thỏa thuận của họ, trong đó thành lập Chính quyền Palestine như một chính phủ danh nghĩa cho người Palestine, đã khiến vấn đề Jerusalem chưa được quyết định và không dẫn đến một nền hòa bình lâu dài.

Sau khi Thủ tướng Israel Rabin bị ám sát, nỗ lực tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ Clinton, nhà lãnh đạo Palestine Arafat và Thủ tướng Israel Ehud Barak diễn ra tại Trại David nhưng đã không đạt được thỏa thuận.

Sự thay đổi trong tâm dưới thời Tổng thống George W. Bush

“Sau ngày 11/9/2001, có một sự thay đổi lớn. Ưu tiên hàng đầu về thỏa thuận hòa bình giữa Palestine-Israel đã giảm đi. Trọng tâm của Tổng thống George W. Bush là chống khủng bố”, ông Zelizer nói.

Vào thời kỳ đầu của chính quyền George W. Bush, xung đột giữa Palestine và Israel đã nổ ra thành Intifada lần thứ hai. Vào thời điểm đó, Israel nằm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng cánh hữu Ariel Sharon, người đã khuyến khích xây dựng nhiều khu định cư của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Israel Sharon và nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas đã đồng ý theo đuổi Lộ trình Hòa bình, một nỗ lực khác nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cuối cùng thất bại nhưng Israel đã rút quân khỏi Gaza.

Đó là điều mà Tổng thống Bush đã thảo luận với ông Sharon trong cuộc gặp thân thiện tại trang trại của ông ở Crawford, Texas, mặc dù hai người không đồng ý về việc xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây.

Tổng thống Barack Obama đã cố gắng thiết lập lại vấn đề Trung Đông sau những năm cầm quyền của người tiền nhiệm. Ông tiếp tục ủng hộ Israel, nhưng mô tả sự hiện diện của Israel ở Bờ Tây là một “sự chiếm đóng”. Ông phản đối mạnh mẽ hơn việc xây dựng các khu định cư mới ở Bờ Tây. Ông đã sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Israel lúc bấy giờ là Benjamin Netanyahu và nhà lãnh đạo Palestine Abbas tại Nhà Trắng, nhưng nỗ lực cuối cùng đã thất bại.

Sau khi ông Donald Trump đắc cử, đại diện Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã từ chối phủ quyết một nghị quyết lên án việc xây dựng khu định cư.

Tổng thống Donald Trump đứng về phía Israel

Ông Donald Trump, một đồng minh của ông Netanyahu, là người chấm dứt thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc với Iran. Ông Trump cũng đứng về phía Israel trong các cuộc đàm phán với người Palestine, chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem - một quyết định gây tranh cãi và tán thành việc sáp nhập các khu định cư Bờ Tây và Đông Jerusalem vào Israel.

Ông Biden, mặc dù có nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng không thay đổi chính sách về mặt cốt lõi và thực sự đã thúc đẩy Israel và Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ của họ.

Tương lai của những nỗ lực hòa bình với các quốc gia Arab giờ đây lại khiến người ta hoài nghi khi Israel tiếp tục ném bom Dải Gaza trong nỗ lực đáp trả cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10.

https://vov.vn/the-gioi/ho-so/moi-quan-he-dac-biet-voi-israel-thay-doi-ra-sao-qua-cac-doi-tong-thong-my-post1052103.vov - theo vov.vn