Michelin bật mí cách thưởng thức các món ngon Việt Nam
09:47 08-06-2023
VOV.VN - Từ món phở thơm nồng với hương vị đậm đà đến món bánh mì giòn rụm với các loại nhân bánh, kho tàng ẩm thực của Việt Nam giờ đây đã nổi tiếng khắp thế giới. Mới đây cẩm nang ẩm thực Michelin Guide đã tiết lộ bí quyết thưởng thức một số món ngon của Việt Nam.
Phở
Phở là món ăn Việt Nam đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Sự kết hợp hài hòa của bánh phở, thịt bò hoặc thịt gà, rau thơm và nước dùng đã tạo nên một hương vị đậm đà khó quên. Để thực sự cảm nhận hương vị của phở, trước tiên hãy nhâm nhi nước dùng trước khi thêm bất kỳ loại rau hay gia vị nào vào bát.
Ở các vùng phía Bắc của Việt Nam, thông thường người ta sử dụng một chút giấm khi ăn phở bò hoặc chanh dành cho phở gà. Ở phía Nam, nước dùng thường pha với một chút đường, làm cho nước dùng ngọt hơn một chút. Ngoài ra, phở ở miền Nam có thể kết hợp ăn kèm bò viên, lòng bò, gân, đuôi bò và thêm các loại rau tươi, rau thơm.
Bánh cuốn
Bánh cuốn được làm từ bột gạo, tráng mỏng trên một tấm vải và hấp trong nồi nước lớn trong vài phút. Khi bánh chín sẽ được cuốn với các loại nhân như thịt lợn, tôm, mộc nhĩ, nấm hương, hành lá thái nhỏ.
Món bánh cuốn thường dùng với đồ ăn kèm như vài lát chả lụa, thịt lợn nướng, dưa chuột ngâm và giá đỗ, và dĩ nhiên không thể thiếu một bát nước mắm.
Bún chả Hà Nội
Được coi là có nguồn gốc từ Hà Nội, món bún chả gồm ba thành phần chính. Đầu tiên là một bát gồm chả thịt lợn ba chỉ nướng hoặc chả thịt lợn băm, ngâm trong nước chấm với vài loại rau củ dầm thái nhỏ. Những miếng thịt heo và chả được tẩm ướp tỉ mỉ, sau đó nướng trên than hoa cho đến khi có màu vàng nâu. Nước chấm được pha chế từ hỗn hợp nước mắm, đường, nước lọc và dấm tạo nên sự cân bằng hài hòa về mùi vị.
Tiếp theo là một đĩa bún làm từ gạo, và cuối cùng là rổ rau thơm gồm tía tô, ngò rí, xà lách. Để thưởng thức trọn vẹn món ăn này, hãy dùng đũa gắp một ít bún và nhúng vào bát mắm chả thịt. Thêm một ít rau sống và cảm nhận sự hòa quyện của vị mặn, chua, cay và ngọt.
Bánh mì
Bánh mì là một món ăn rất phổ biến, dễ dàng được tìm thấy ở mọi thành phố tại Việt Nam. Bánh mì có vô số biến thể theo từng vùng, thể hiện những đặc điểm ẩm thực độc đáo tại mỗi địa phương. Bánh mì phải được nướng chín vàng giòn, sau đó phết pa-tê, thêm thịt và rưới nước sốt. Một phiên bản đặc trưng của bánh mì Hà Nội thường có lớp bơ mỏng, pa-tê gan, chà bông, thịt và vài lát chả lụa. Để cân bằng dinh dưỡng và hương vị của thịt, người ta sẽ thêm vào chút rau mùi tươi, dưa chuột và tương ớt.
Ở các vùng phía Nam của Việt Nam, bánh mì còn có xu hướng lấy rau làm phần nhân chính. Những lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt ngâm, hành, ngò, ớt được thêm vào tạo nên cảm giác tươi mát và giòn tan. Tùy khu vực thì bánh mì có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm xíu mại, heo quay, bì lợn, chả cá... đáp ứng khẩu vị và sở thích đa dạng của khách hàng.
Bánh xèo
Thường được người nước ngoài so sánh với bánh crêpe, bánh xèo có lớp vỏ được làm từ hỗn hợp bột gạo, nước và bột nghệ. Tên bánh bắt nguồn từ âm thanh “xèo xèo” phát ra khi lớp bột gạo mỏng được đổ lên chảo nóng. Trong khi nhân truyền thống thường bao gồm thịt lợn hoặc tôm, ngày nay bánh xèo có các biển thể với nhân nấm, thịt vịt, thịt gà hoặc hải sản.
Có hai loại bánh xèo nổi bật tại Việt Nam. Ở miền Trung, bánh xèo cỡ nhỏ khá phổ biến. Lớp vỏ của những chiếc bánh xèo này có độ cân bằng tinh tế, không quá dày cũng không quá mỏng, thường được phục vụ trong bát hoặc đĩa nhỏ cùng với rau tươi và nước chấm, cho phép thực khách tùy chỉnh các món ăn của mình với nhiều cách kết hợp khác nhau.
Ở miền Nam, bánh xèo thường to hơn. Vỏ bánh có độ giòn vừa phải, phần giữa hơi dai và có hương vị nhẹ nhàng , tinh tế của nước cốt dừa. Nhân bánh thường có sự kết hợp của thịt ba chỉ, tôm và đậu xanh. Bánh xèo được cắt thành từng miếng nhỏ hơn, gói trong rau diếp cùng với các loại rau thơm khác nhau, và đôi khi được bọc trong bánh tráng. Bước cuối cùng là chấm bánh vào nước mắm được pha tạo vị chua ngọt vừa phải.
Bánh canh cua
Bánh canh cua được chế biến từ gạo và bột sắn. Bánh canh cua được bày trong bát nước súp cua béo ngậy và thường được ăn kèm cùng với vài quả trứng cút. Đối với người dân Nam Bộ, bánh canh cua có một vị trí đặc biệt, cũng là món ăn dân dã rất được yêu thích. Sợi bánh dai dai, nước dùng ngọt thanh và mùi thơm của thịt cua, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn khó quên.
Các món ốc
Tại một hàng ốc điển hình ở Việt Nam, không chỉ các món ốc mà nhiều món đặc sản khác như ngao, sò điệp, hến, tôm và nhiều loại khác sẽ mang đến sự ngạc nhiên thú vị cho khách du lịch. Ốc luộc với sả là cách chế biến đơn giản và ngon miệng nhất. Thực khách cần một dụng cụ như que tăm để lôi những con ốc ra khỏi vỏ, rồi chấm vào một loại nước chấm chua cay đặc trưng. Việc kết hợp khéo léo nước mắm với gừng, sả, tỏi, ớt băm tạo nên sự hòa quyện hương vị và nâng tầm cho món ốc.
Ngày nay, các món ốc tại Việt Nam được chế biến cầu kỳ và công phu hơn, mang đến nhiều hương vị hơn khi chế biến theo kiểu rang muối, nướng mỡ hành, xào sả ớt, nướng tiêu xanh hay xào dừa. Những biến thể sáng tạo này đã mang đến sự thay đổi độc đáo cho món ốc truyền thống và nâng cao trải nghiệm cho thực khách./.
https://vov.vn/du-lich/am-thuc/michelin-bat-mi-cach-thuong-thuc-cac-mon-ngon-viet-nam-post1024764.vov - theo vov.vn