“Mách” sĩ tử bí quyết bứt tốc trong tháng cuối cùng trước kỳ thi THPT

09:20 26-05-2023

VOV.VN - Theo các thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi, trong tháng cuối “quý hơn vàng” này, các em tự học ôn lại những gì đã học theo các chuyên đề mình còn yếu, chứ đừng chỉ ham hố luyện đề. Cùng với đó dành một quỹ thời gian nho nhỏ trong ngày (1,5 tiếng chẳng hạn) để xả stress, làm những gì mình thích nhưng chỉ trong thời gian này thôi…

Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa, học sinh lớp 12 trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là giai đoạn nước rút, các em cần có sự chuẩn bị, ôn tập phù hợp để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi quan trọng này.

Thầy Nguyễn Thanh Hùng, giáo viên dạy Toán - Tin trường Năng khiếu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những tháng cuối cùng là thời gian vô cùng quan trọng đối với thí sinh trước khi thi. Các em cần hệ thống lại các kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm để có thể đạt điểm cao nhất có thể. Với quỹ thời gian còn lại không nhiều, các em cần phân bổ thời gian và xây dựng một kế hoạch ôn tập hợp phù hợp với bản thân nhằm cũng cố các kiến thức qua trọng, ôn luyện các kiến thức mà bản thân còn nhận thấy chưa nắm vững theo cấu trúc đề thi đã công bố.

"Ngoài ra, các em cần cần đối sức mình để có một chiến lược học phù hợp với khả năng của mình, không nên tập trung quá nhiều vào những phần quá khó với sức học của mình. Thời điểm này các em ưu tiên thời gian cho học tập là chính, tuy nhiên cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đầu đủ và nếu có thời gian thì có thể chơi thể thao để bản thân có một sức khỏe tốt và tinh thần thật thoải mái để tham gia các kỳ quan trọng này. Với tinh thần thoải mái các em sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc khi làm bài cũng như tỉnh táo để giải quyết các vấn đề trong đề thi"- thầy Nguyễn Thanh Hùng nói.

 

Còn theo thầy Đoàn Trí Dũng, giáo viên có kinh nghiệm ôn thi THPT nhiều năm ở Hà Nội cho rằng, tháng cuối cùng là tháng quan trọng nhất, là tháng bứt tốc để về đích thật nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, người xưa có câu “dục tốc bất đạt”, nếu không có chiến thuật hợp lý bạn sẽ không thể có thành tích tốt nhất.

Bận đến đâu cũng không được bỏ giấc trưa

 

“Mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ, cho dù thí sinh xuất sắc đến đâu cũng không sở hữu nhiều hơn thời gian này được. Vậy làm sao để tối ưu được thời gian “quý hơn vàng” này? Trước tiên, mỗi ngày có 6,5 tiếng để ngủ, chú ý hãy đặt báo thức để không bị vượt quá thời gian này. Trong đó bao gồm 6 tiếng để ngủ buổi đêm và 30 phút cho “giấc ngủ vàng buổi trưa”. Bận đến đâu các em cũng không được bỏ giấc trưa vì đây chính là thời gian cần hồi lại sức sau một buổi sáng nhiều năng lượng tích cực đã cho đi. Và buổi tối đừng ngủ sau 12 giờ đêm, vì vào ngày thi thí sinh sẽ phải dậy sớm. Hãy tập thói quen này dần từ bây giờ”- thầy Đoàn Trí Dũng chia sẻ.

Theo thầy Đoàn Trí Dũng, sĩ tử có 1,5 tiếng để xả stress mỗi ngày tuỳ sở thích. Hãy làm những gì mình thích nhưng chỉ quỹ trong thời gian này. Đặc biệt, hãy biết “tiết kiệm” nó bằng cách chia làm 3 lần, mỗi lần 30 phút vào các buổi trưa chiều tối-trước khi ngủ chẳng hạn. 2 tiếng là khoảng thời gian đủ cho bạn ăn uống, vệ sinh cá nhân và tắm rửa.

“Hãy tối ưu khoảng thời gian này, nhất là vào bữa ăn để tâm sự với ông bà, ba mẹ, anh chị em. Một ngày phải có tối thiểu 6 tiếng tự học, nhấn mạnh là tự học. Các em có thể chia đều làm 3 môn, mỗi môn 2 tiếng mỗi ngày hoặc 2 môn mỗi môn 3 tiếng mỗi ngày, hoặc tỷ lệ 3-2-1 hay 4-2 nếu có môn yếu hơn và môn đã vững cần điều chỉnh. Có 2 chú ý quan trọng cần nhớ. Điều thứ nhất, các em hãy chia làm 2 khoảng thời gian ôn trong ngày. Ví dụ, sáng 2 môn với 4 tiếng, chiều 1 môn với 2 tiếng. 6 tiếng tự học là cần thiết, là tối thiểu. Nếu các em không có đủ nổi 6 tiếng tự học mà chỉ biết lao vào các lớp học thì sẽ chẳng thẩm thấu được bao nhiêu kiến thức”- thầy Đoàn Trí Dũng chia sẻ kinh nghiệm.

Không ham hố lao vào luyện đề

Điều thứ hai, theo thầy Đoàn Trí Dũng, tự học là ôn lại những gì đã học theo các chuyên đề mình còn yếu chứ đừng chỉ ham hố luyện đề. Các em thường mong đề sau sẽ làm tốt hơn đề trước nhưng điều đó sẽ không xảy ra, bởi vì “có bột mới gột nên hồ”, phải có nền tảng kiến thức thật vững luyện đề mới có sự bứt phá.

“Yếu đâu, bù đấy là điều bắt buộc để các em có bước tiến lớn trong tháng cuối này. Thời gian đi học thêm 1 ngày không nên quá 6 tiếng, bao gồm cả thời gian đi lại. Như vậy, các em vẫn còn 2 tiếng dự phòng. 2 tiếng này bạn có thể sử dụng để cho các hoạt động như: Gặp gỡ người thân trong gia đình và bạn bè; Tập thể dục thể thao tăng cường sức khoẻ; thư giãn một chút với ly trà sữa bên một khung cảnh thơ mộng; đọc một cuốn sách để tăng thêm hiểu biết về cuộc sống; học thêm một chút nếu bạn thấy mình đang vào guồng và có nhiều hưng phấn”- thầy Đoàn Trí Dũng gợi ý.

Điều cuối cùng, theo thầy Đoàn Trí Dũng, các em hãy ghi chép lại khoảng thời gian trong ngày, chẳng hạn qua ứng dụng note trong điện thoại để kiểm soát thời gian của mình, đừng làm theo cảm hứng, vì làm theo cảm hứng thì cảm hứng buông bỏ sẽ đến trước cảm hứng nhiệt tâm.

“Ai đó đã từng nói rằng “cái giá của chần chừ chính là mất mát. Cái giá của thành công chính là đã trải qua nhiều lần thất bại. Cái giá của hạnh phúc viên mãn tuổi già chính là bao nhiêu thăng trầm giông bão thời tuổi trẻ, bằng những thử thách mà họ phải trả lời suốt đời bằng bản thân. Chúc các sĩ tử bứt phá thành công trong tháng cuối cùng” - thầy Đoàn Trí Dũng nói./.

https://vov.vn/xa-hoi/mach-si-tu-bi-quyet-but-toc-trong-thang-cuoi-cung-truoc-ky-thi-thpt-post1022460.vov - theo vov.vn