Lý do Mỹ cung cấp “nhỏ giọt” pháo phản lực HIMARS cho Ukraine
09:39 26-07-2022
VOV.VN - Cho tới nay, Mỹ mới chỉ cung cấp 12 hệ thống pháo phản lực HIMARS cho Ukraine mặc dù Kiev tuyên bố cần tới 100 dàn pháo tương tự để phản công và thay đổi cục diện chiến trường.
Nếu Ukraine muốn có thêm nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến và phức tạp của phương Tây, họ thường sẽ nói với các đối tác Mỹ và bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe, rằng các hệ thống vũ khí như vậy có thể giúp Kiev sớm chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga. Kể từ khi được chuyển cho Ukraine vào tháng trước, các hệ thống pháo phản lực HIMARS đã trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS. Ảnh: DW
Ông Bohdan Dmytruk, chỉ huy một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn cơ giới 93 của Ukraine cho biết, sau khi Ukraine sử dụng pháo HIMARS tấn công kho đạn của Nga ở Izyum, thành phố Kharkiv, số cuộc pháo kích của các lực lượng Nga đã giảm mạnh, chỉ bằng 10% so với trước đây.
Dù vậy, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ cung cấp “nhỏ giọt” các hệ thống HIMARS với tốc độ khá chậm, vừa để theo dõi cách Ukraine vận hành các hệ thống này, vừa để thăm dò phản ứng của Nga. Với các binh sỹ trên chiến trường, đây là điều khó hiểu ở thời điểm quan trọng của cuộc chiến.
Ukraine cần ít nhất 100 pháo phản lực tương tự HIMARS
Dmytruk và các binh sỹ trong khu vực cho rằng, số cuộc tấn công của Nga giảm là do đối phương cần bảo toàn đạn dược sau khi kho đạn bị phá hủy, và các lực lượng Nga cũng lo ngại rằng việc tiến hành nã pháo cũng sẽ làm lộ vị trí của họ trước cuộc tấn công của HIMARS.
“Họ không biết các hệ thống đó ở đâu”, ông Dmytruk nói về hệ thống pháo HIMARS. Theo ông, Nga có thể sẽ phải điều chỉnh vị trí trước các hệ thống vũ khí mới của Ukraine bằng cách chuyển nguồn cung cấp và tiếp thế vào sâu hơn bên trong các lãnh thổ mà họ đang kiểm soát, xa hơn tầm bắn của HIMARS.
Chính quyền Mỹ cuối tuần trước tuyên bố sẽ gửi thêm 4 hệ thống HIMARS cho Ukraine, nâng tổng số pháo HIMARS mà Washington cung cấp cho Kiev lên 16. Anh và Đức cũng đã gửi hoặc cam kết gửi 3 hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa tương tự. Tuy nhiên Ukraine cũng như một số nhà quan sát về cuộc xung đột hiện nay nói rằng nhu cầu của Kiev còn lớn hơn và cấp bách hơn nhiều.
Chính phủ và các quan chức quân sự Ukraine nhiều lần nói, họ cần hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hệ thống như HIMARS.
“Để phản công hiệu quả, chúng tôi cần ít nhất 100 hệ thống pháo phản lực” như HIMARS, với đạn dược có tầm bắn xa hơn những loại đã được cung cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết trong một cuộc họp trực tuyến với Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở Washington trong tuần trước. “Đó sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi”.
Lo ngại xung đột trực tiếp giữa Nga-NATO
Giới chức Mỹ cho biết, một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ là không kích động Nga tham gia xung đột trực tiếp với NATO.
Loại đạn pháo mà Mỹ đang cung cấp cho các hệ thống HIMARS ở Ukraine sẽ không tiếp cận được phía khu vực Đông mà Nga đang kiểm soát từ tiền tuyến của Ukraine. Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo ngày 20/7 cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng, điều đó vẫn cho phép Ukraine thiết lập được “dàn hỏa lực” theo hình bậc thang với nhiều tầm bắn khác nhau.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh, các vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine như HIMARS không phải chỉ cần ra khỏi hộp là có thể sử dụng được. Cho đến nay, có 200 quân nhân Ukraine được đào tạo ở nước ngoài về cách sử dụng và bảo trì HIMARS.
“Chỉ cung cấp một phần thiết bị thôi thì không đủ. Chúng ta cần có bộ thiết bị, cộng với phụ tùng thay thế và các công cụ để sửa chữa chúng”, ông Austin nói.
Ukraine đã sử dụng HIMARS để tấn công vào các sở chỉ huy, kho đạn dược và các trung tâm hậu cần khác của Nga. Tại khu vực phía Nam Kherson, khu vực Nga kiểm soát từ những ngày đầu của cuộc chiến, gần đây Ukraine liên tiếp tấn công nhắm vào cầu Antonovskiy - tuyến đường tiếp tế quan trọng nối Bán đảo Crimea, nơi có căn cứ quân sự của Nga, với lực lượng của họ ở Kherson.
Nga tuyên bố đã phá hủy ít nhất 4 hệ thống HIMARS. Tuy nhiên Giám đốc Tình báo Quân đội Ukraine Kyrylo Budanov cho biết, nước này “không mất hệ thống HIMARS nào”.
HIMARS cũng có thể bắn tên lửa ATACMS với tầm bắn gần 300km, gấp gần 4 lần so với các loại đạn khác mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên Lầu Năm Góc đã bác bỏ việc cung cấp loại đạn này cho Kiev vì lo ngại tên lửa có thể rơi vào lãnh thổ của Nga. Điều này tất nhiên đã khiến các quan chức Ukraine thất vọng.
Trong một trận chiến chủ yếu là các cuộc pháo kích ở khoảng cách mà quân của 2 bên hiếm khi nhìn thấy nhau, các tên lửa tầm xa hơn cũng sẽ cho phép các lực lượng Ukraine di chuyển hệ thống HIMARS của họ cách xa tiền tuyến hơn, khó bị đối phương phát hiện.
“Nếu nhận được chúng càng sớm, chúng tôi càng cứu được nhiều mạng sống của binh lính và chúng tôi sẽ bắt đầu chiến dịch phản công sớm hơn”, ông Yehor Cherniev, một thành viên của Quốc hội Ukraine, cho biết trong một tuyên bố. “Thật không may khi chúng tôi phải mất hàng tuần và hàng tháng để thuyết phục đối tác của mình”.
Vào cuối tháng 5, khi quyết định cung cấp HIMARS cho Ukraine được đưa ra, Tổng thống Biden nói với các phóng viên rằng “Chúng tôi sẽ không gửi đến Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công vào lãnh thổ Nga”.
Tại cuộc họp báo hôm 20/7, ông Austin và Milley đã né tránh câu hỏi về việc liệu Lầu Năm Góc có cung cấp ATACMS cho Ukraine hay không.
“Chúng tôi nghĩ rằng các loại đạn pháo mà Ukraine nhận được cho tới nay đã mang lại cho họ rất nhiều khả năng,” ông Milley nói.
Nguy cơ cạn kiệt kho dự trữ nếu đáp ứng đề nghị của Ukraine
Mỹ nói rằng họ muốn xem cách Ukraine sử dụng như thế nào trước khi gửi các loại vũ khí tiên tiến hơn, cho dù sự chậm trễ tiềm ẩn có thể phải trả giá bằng mạng sống.
Theo quan điểm của Ukraine, quá trình ra quyết định đó “giống như trong một trò chơi điện tử trên máy tính”, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Bạn phải mở khóa cấp độ tiếp theo, nhưng trước khi làm điều đó, bạn thường ‘chết’ một vài lần. Vấn đề với cuộc sống thực là bạn không thể chết nhiều lần trước khi lên cấp độ tiếp theo”.
Một mối lo ngại tiềm tàng khác của Mỹ là sự sẵn có của các loại vũ khí. Ông Chris Dougherty, một thành viên quốc phòng cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết có khoảng 1.000 đến 3.000 ATACMS trong kho dự trữ Mỹ. Chúng là những tên lửa lâu đời nhất trong kho của Quân đội và được kiểm tra định kỳ để đảm bảo khả năng tồn tại. Loại đạn thay thế có tầm bắn xa hơn vẫn chưa được sản xuất.
Năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này có khoảng 410 pháo HIMARS, nhưng Lầu Năm Góc từ chối đưa ra con số hiện tại. Người phát ngôn Jessica Maxwell cho biết việc dự trữ vũ khí là “vấn đề nội bộ của Bộ Quốc phòng”.
Giám đốc Tình báo Quân đội Ukraine Budanov cho biết hệ thống tầm xa nhất hiện có trong kho vũ khí của nước này là Tochka-U, một hệ thống có từ thời Liên Xô với tầm bắn tối đa khoảng 120km, số lượng còn lại cũng rất ít. Nhưng hiện tại, Ukraine có các hệ thống pháo HIMARS.
“Chúng tôi sẽ chiến đấu với những vũ khí này. Nếu chúng tôi có đạn tầm xa hơn, chúng tôi sẽ sử dụng chúng. Phía Nga biết điều rằng cho dù thế nào thì với các vũ khí như vậy, đó cũng là dấu chấm hết cho họ”, ông Budanov nói./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ly-do-my-cung-cap-nho-giot-phao-phan-luc-himars-cho-ukraine-post958955.vov - theo vov.vn