Lý do Israel thẳng thừng từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine
10:37 24-10-2022
VOV.VN - Trước đề nghị của Ukraine về việc cung cấp các hệ thống phòng không, Israel thằng thừng từ chối. Lý do không chỉ là vì Israel muốn duy trì quan hệ với cả Nga và Ukraine mà còn vì các lo ngại an ninh khác.
Sau khi Nga được cho là đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) Shahed-136 do Iran cung cấp để tấn công Kiev, Ngoại trưởng Ukraine, Dimytro Kuleba cho biết sẽ chính thức gửi yêu, đề nghị Israel cung cấp hệ thống phòng không. Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine yêu cầu Israel hỗ trợ quân sự.
Cho tới nay, Israel vẫn chính thức hạn chế trang bị vũ khí cho Ukraine, thay vào đó chỉ hỗ trợ nhân đạo và một số đồ bảo hộ cho Kiev.
Israel sợ lộ công nghệ bí mật của hệ thống Vòm Sắt. Ảnh: AP
Những cáo buộc về việc Nga sử dụng UAV do Iran sản xuất trong cuộc xung đột ở Ukraine và mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Moscow với Tehran, đã khiến Israel đối mặt áp lực hỗ trợ Ukraine ngày càng lớn hơn.
Mặc dù chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga và lên tiếng ủng hộ Ukraine, nhưng Israel vẫn chưa trợ quân sự trực tiếp cho Kiev và cố gắng không làm tổn hại quan hệ với Moscow.
Thực tế, cho đến nay Iran đã bác bỏ việc cung cấp UAV cho Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng bác bỏ các cáo buộc khẳng định, tất cả vũ khí quân đội Nga sử dụng đều từ các kho dự trữ trong nước.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Kuleba ngày vào 20/10, Thủ tướng Israel Yair Lapid cho biết ông đã được cập nhật về cuộc xung đột Nga-Ukraine, khẳng định rằng Israel “đứng về phía người dân Ukraine”. Tuy nhiên, ông không đề cập đến việc Ukraine chính thức đề nghị cung cấp hệ thống phòng không.
Israel sẽ không thay đổi chính sách
Trong một cuộc họp báo với các đại sứ Liên minh châu Âu ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz nói rằng “Israel ủng hộ và sát cánh với Ukraine, NATO và phương Tây. Đây là điều chúng tôi đã từng nói và hôm nay tôi muốn nhắc lại. Israel có chính sách hỗ trợ Ukraine thông qua viện trợ nhân đạo và cung cấp thiết bị phòng vệ cứu sinh”.
Tuy nhiên, ông Gantz cũng nói thêm rằng Israel sẽ không chuyển giao các hệ thống vũ khí cho Ukraine “do có nhiều lo ngại về hoạt động. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong giới hạn, như chúng tôi đã làm trước đây”. Thay vào đó, Israel sẽ hỗ trợ Kiev “phát triển một hệ thống cảnh báo sớm”.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel
Chính sách hiện tại của Israel cũng đang được các nhà phân tích tranh luận. Trong bài viết trên nhật báo Yedioth Ahronoth hôm 18/10, nhà báo Israel Nadav Eyal cho rằng: “Ukraine rất tức giận vì Israel đã không giúp đỡ; Nga đang sử dụng sự trợ giúp của Iran và cũng đang giúp Iran – trong khi Tehran đang hoạt động chống lại Israel trên một số mặt trận khác nhau”.
Một số nhà quan sát cho rằng, Israel nên quan tâm hơn đến mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và Iran, cũng như việc Nga sử dụng UAV của Iran ở Ukraine.
Israel và Iran lâu nay vẫn coi nhau là đối thủ “không đội trời chung”. Ông Amos Yadlin, cựu Cục trưởng Cục Tình báo Quốc phòng Israel cho rằng Israel nên tích cực hơn trong việc hỗ trợ Ukraine.
“Bất cứ khi nào Iran đứng về phía ai đó, Israel nên đứng về phía bên kia”, ông Yadlin nói.
Những lo ngại về an ninh, ngoại giao và địa chính trị
Israel vẫn giữ quan điểm trung lập và chủ yếu đứng ngoài lề kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2 để không làm tổn hại mối quan hệ chiến lược với Moscow.
Mặc dù đã có một cuộc tranh luận ở Israel về vấn đề viện trợ Ukraine cũng như tiếp nhận cả người Nga và Ukraine, nhưng Israel có những cân nhắc chính trị và ngoại giao riêng do sự an toàn của cộng đồng người Do Thái ở Nga.
Việc Israel miễn cưỡng cung cấp vũ khí cho Ukraine xuất phát từ những cân nhắc về an ninh ở không gian lân cận nhiều hơn. Kể từ khi can thiệp vào cuộc chiến ở Syria để giúp đỡ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Nga đã kiểm soát phần lớn không phận của Syria.
Israel thường xuyên thực hiện các cuộc không kích nhằm vào những gì họ tuyên bố là các mục tiêu Iran, vũ khí chuyển giao cho bên ủy nhiệm của Iran - nhóm chiến binh Hezbollah của Lebanon. Sự phối hợp quân sự chặt chẽ, hay còn gọi là “cơ chế thông báo”, qua đó Israel thông báo cho Nga về các cuộc không kích sắp xảy ra, cho phép quân đội Israel có “quyền tự do hành động” cần thiết để thực hiện các cuộc tấn công như vậy.
Giới chức Ukraine đã nhiều lần đề nghị Israel cung cấp các hệ thống phòng thủ như Vòm Sắt (Iron Dome), David Sling, hay hệ thống phòng thủ Barak 3. Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh cho rằng Israel không có đủ hệ thống Vòm Sắt để dự phòng để viện trợ, nhất là trước những mối đe dọa an ninh mà nước này phải đối mặt trong khu vực.
Ngoài ra, theo ông Yadlin, Vòm Sắt được coi là “công nghệ cực kỳ bí mật và Israel không muốn nó rơi vào tay những người Iran hiện đang ở Crimea cũng như rơi vào tay Nga”.
“UAV của Iran là mục tiêu dễ dàng, chúng bay ở tầm thấp và tốc độ chậm, Israel thực sự có thể giúp Ukraine bằng các hệ thống phòng không kém tinh vi hơn mà Israel đã bán cho các nước khác”, ông Yadlin nói.
Hiện tại, Israel dường như quyết tâm thực hiện chính sách cân bằng phức tạp. “Chúng tôi đang theo dõi sự tham gia của Iran trong cuộc chiến ở Ukraine. Chúng tôi thấy rằng Iran cung cấp UAV và trong tương lai gần có thể sẽ cung cấp thêm các hệ thống tiên tiến”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gantz cho biết hôm 19/10.
Ông Gantz nói thêm rằng Iran đã can dự vào “Iraq, Syria, Lebanon, Yemen và những nơi khác”. Israel sẽ “tiếp tục phát triển và duy trì các khả năng của mình”./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ly-do-israel-thang-thung-tu-choi-cung-cap-vu-khi-cho-ukraine-post979159.vov - theo vov.vn