Lựa chọn chiến lược cho Ukraine trước thực tế mới trên chiến trường
09:59 30-05-2024
Rõ ràng việc giao tranh trực tiếp với Nga không còn là chiến lược khả thi với Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Kiev không nhất thiết phải từ bỏ mà thay vào đó vẫn có hướng tiếp cận mới.
Khi xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ ba, các lãnh đạo đến từ Brazil, Trung Quốc, Vatican và những nơi khác đã hối thúc Ukraine đàm phán với Nga. Họ lập luận rằng, các lực lượng của Ukraine không thể xuyên thủng phòng tuyến kiên cố của Nga và Kiev nên công nhận thực tế việc Moscow sáp nhập các vùng lãnh thổ.
Ukraine đã thành công trong việc sử dụng UAV để giám sát và tấn công các mục tiêu của Nga nhưng chỉ riêng những phương tiện này không thể giúp nước này giành chiến thắng. Ngoài ra, bị cản trở bởi tình trạng thiếu vũ khí và nhân lực, Kiev sẽ khó có thể giành lại lãnh thổ trong tương lai gần.
Trong khi đó Nga đã thành công biến cuộc giao tranh này thành một cuộc xung đột tiêu hao mà Moscow nắm giữ một vài lợi thế như: quân số đông hơn, năng lực công nghiệp quốc phòng lớn hơn và các phòng tuyến được chuẩn bị kiên cố ở Donbass, Kherson và đặc biệt là Crimea. Với việc phương Tây đã mệt mỏi vì xung đột và sự thiếu nhất quán trong việc hỗ trợ trang thiết bị, các nhà quan sát của Foreign Affairs cho rằng đây là kiểu xung đột mà Ukraine không thể giành chiến thắng.
Rõ ràng việc giao tranh trực tiếp với Nga không còn là chiến lược khả thi với Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Kiev không nhất thiết phải từ bỏ mà thay vào đó vẫn có hướng tiếp cận mới. Một chiến lược hiệu quả hơn sẽ tối ưu việc sử dụng các lực lượng và bảo toàn nguồn cung hạn chế mà Ukraine nhận được từ Mỹ và châu Âu. Ukraine phải điều chỉnh cách thức nước này tổ chức, trang bị và suy nghĩ về xung đột.
Đằng sau cuộc phản công thất bại
Vào mùa xuân năm 2023, phương Tây lạc quan cho rằng quân đội Ukraine có thể giành lại lãnh thổ do Nga kiểm soát dọc sông Dnipro. Để đạt được điều đó, các cố vấn quân sự Mỹ đã làm việc với lực lượng của Ukraine để lên kế hoạch cho một cuộc phản công vào mùa hè năm 2023.
Để giành được các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát và phá hủy các lực lượng đang hoạt động ở đây, quân đội Ukraine cần tập trung lực lượng và tiến hành tác chiến hiệp đồng trên quy mô lớn. Điều này sẽ đòi hỏi việc phải điều động nhiều sư đoàn với số lượng binh lính lên đến 50.000 người, xe tăng và xe bọc thép, được hỗ trợ bởi hỏa lực pháo binh và các cuộc không kích nhằm tấn công ác vị trí của Nga.
Nếu thực hiện đúng cách, chiến dịch này có thể cho phép Ukraine thâm nhập và cuối cùng là phá hủy các công sự của Nga. Nó cũng có thể tăng cường vị thế đàm phán của Kiev và thậm chí buộc Nga phải lựa chọn giữa tuyển thêm quân hay rút bớt lực lượng khỏi giao tranh. Tuy nhiên, Ukraine thiếu sự huấn luyện, các vũ khí sẵn có và sự ủng hộ lâu dài cần thiết để tiến hành chiến dịch thành công.
Điều quan trọng là Ukraine cần nhiều loại vũ khí hơn những gì họ đang nhận được. Thay vì các vũ khí tầm trung nằm trong hầu hết các gói hỗ trợ của phương Tây cho Kiev, cuộc phản công của Ukraine kêu gọi các đối tác hỗ trợ nhiều xe tăng Abrams tiên tiến hơn, các tiêm kích F-16, tên lửa HIMARS và tên lửa Patriot.
Ukraine đã yêu cầu những hệ thống trên trước chiến dịch và nhiều ý kiến cho rằng nếu Kiev nhận được đủ số lượng vũ khí, cuộc phản công có lẽ đã thành công. Tuy nhiên, vì không có chúng nên cuộc phản công này đã thất bại. Mỹ và các đồng minh ban đầu trì hoãn hỗ trợ các vũ khí trên do lo ngại leo thang căng thẳng và khi họ bật đèn xanh cho việc hỗ trợ thì những vũ khí này được cung cấp quá muộn và quá ít nên không thể tạo nên khác biệt trong chiến dịch mùa hè.
Trong khi Ukraine dành mùa hè để chờ đợi vũ khí thì Nga tăng cường các tuyến phòng thủ, huy động thêm binh lính và cải thiện ngành công nghiệp quốc phòng. Moscow đã học hỏi được từ những thất bại ban đầu và tìm cách thích nghi.
Giới quan sát phương Tây cho rằng, Điện Kremlin đã thành công trong việc dụ Ukraine bước vào cuộc xung đột tiêu hao. Chẳng hạn, tại Bakhmut, Ukraine đã kiên quyết cố thủ ở thành phố này ngay cả khi gần như bị Nga bao vây và phải chịu thương vong nặng nề, Cuộc giao tranh này - được đánh giá là cuộc giao tranh đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II đã kết thúc với việc Nga giành được hầu hết lãnh thổ và tuyên bố chiến thắng vào tháng 5/2023.
Chiến lược mới cho Ukraine
Ukraine hầu như không thể theo kịp Nga về lợi thế nhân lực cũng như trang thiết bị bởi Moscow có nền kinh tế và dân số lớn hơn. Trái lại Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu thốn nhân lực nghiêm trọng. Quyết định gần đây của nước này về việc hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 và huy động tù nhân gia nhập lực lượng vũ trang hầu như chưa thể làm thay đổi sự mất cân bằng hiện tại.
Mặc dù gói hỗ trợ gần đây của Mỹ sẽ làm giảm bớt những thiếu hụt về vũ khí trước mắt của Ukraine nhưng các cuộc pháo kích "ăn miếng, trả miếng" cũng như những nỗ lực giành lại lãnh thổ tại những khu vực Nga đã xây các công sự phòng thủ sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn cung vốn đã hạn chế của Ukraine. Các quan chức nước này hy vọng Washington sẽ tăng cường hỗ trợ và làm giảm bớt sức ép mà Kiev đang đối mặt. Tuy nhiên, sự hỗ trợ cho Ukraine ngày càng bị chia rẽ tại Mỹ và giữa bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra, việc Kiev phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của Washington sẽ không phải quyết định khôn ngoan.
Ukraine phải tìm ra cách để làm được nhiều hơn với ít thứ hơn. Kiev sẽ phải tránh các cuộc giao tranh tiêu hao, bảo toàn nhân lực và trang thiết bị để có thể phản ứng trước những điều kiện thay đổi.
Khi cuộc phản công quyết định có thể diễn ra vào mùa xuân và mùa hè năm 2023, việc Kiev áp dụng chiến lược bất đối xứng và kéo dài xung đột là chưa phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và đạn dược, việc không thực hiện chiến lược trên mới là thiếu khôn ngoan. Các nhà quan sát của Foreign Affairs cho rằng một cuộc xung đột tiêu hao sẽ cho phép Ukraine tận dụng các lợi thế của mình. Các lực lượng của Kiev đang giao tranh trên lãnh thổ của mình và sự quen thuộc với địa hình sẽ giúp họ có lợi thế về tình báo so với Nga.
Lực lượng quân đội Ukraine được tổ chức lại sẽ tập trung vào những nhóm nhỏ độc lập thay vì những lữ đoàn lớn. Lực lượng này sẽ được phân bố trên khắp đất nước thay vì ở một, hai khu vực trung tâm. Được hỗ trợ bởi thông tin tình báo Ukraine và phương Tây, các nhóm này sẽ xác định và tấn công các mục tiêu dễ tổn thương của Nga, đồng thời lợi dụng địa hình để cản trở các lực lượng của Moscow nhắm vào họ và hạn chế tổn thất. Các nhóm này cũng giúp xây dựng lực lượng phản kháng tại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Kiểu giao tranh bất đối xứng này là chiến lược cho bên yếu hơn nhằm đánh bại dần dần đối thủ mạnh hơn.
Mục tiêu của chiến lược này không phải là bảo vệ từng tấc đất và thay vào đó, khi quân đội Nga giành và kiểm soát các vùng lãnh thổ, binh lính Ukraine sẽ sử dụng chiến thuật bắn và chạy để nhắm vào các tuyến hậu cần cũng như các vị trí được phòng thủ yếu của đối phương.
Nếu Nga tiếp tục tiến công, quân đội nước này sẽ cần mở rộng lực lượng, các tuyến tiếp tế và liên lạc. Theo logic của chiến dịch này, quân đội Nga càng tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine thì họ càng dễ tổn thương trước các cuộc đột kích của Kiev.
Một số chính trị gia và nhà quan sát phương Tây cũng ủng hộ ý tưởng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga. Họ dẫn ra việc Moscow tấn công Ukraine từ lãnh thổ của nước này để lập luận rằng hạn chế trên sẽ chỉ cho phép Nga có không gian an toàn để tấn công Ukraine.
Các nhà quan sát cũng cho rằng Nga chắc chắn sẽ tăng cường các cuộc tấn công và Ukraine cần chuẩn bị phòng thủ. Trong cuộc xung đột tiêu hao, Kiev cần sẵn sàng nhượng bộ tạm thời một số vùng lãnh thổ để bảo toàn lực lượng và câu giờ. Tuy nhiên, khi Nga tiến công, quân đội Ukraine nên tập trung vào việc gây thương vong cho đối phương và phá hủy trang thiết bị của họ. Khi các trang thiết bị và mục tiêu của Nga hao mòn, Ukraine có thể nối lại các cuộc tấn công trực tiếp nhằm đẩy lùi các lực lượng của Nga.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lua-chon-chien-luoc-cho-ukraine-truoc-thuc-te-moi-tren-chien-truong-post1098254.vov - theo vov.vn