Lời cảnh tỉnh với quân đội Mỹ về mối đe dọa từ thiết bị tấn công không người lái
09:25 03-11-2022
VOV.VN - Cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào tàu hải quân thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga cuối tuần qua sẽ là lời cảnh báo cho Hải quân Mỹ về mối đe dọa từ phương tiện tác chiến không người lái mang chất nổ đối với tàu chiến.
Mối đe dọa này sẽ trở nên lớn hơn khi công nghệ chế tạo thiết bị không người lái tiếp tục phát triển. Theo War Zone, quân đội Ukraine đã công bố video cho thấy các tàu mặt nước không người lái tấn công tàu chiến của Nga và một trong số chúng có thể đã làm hư hỏng tàu khu trục Đô đốc Makarov. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đã thu hồi và phân tích các mảnh vỡ của phương tiện không người lái được sử dụng để tấn công các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen, phát hiện các phương tiện này được trang bị hệ thống định vị.
Tàu chiến Nga vào cảng Sevastopol của Crimea. (Ảnh: Sputnik)
Giới phân tích cho rằng, những gì diễn ra tại Sevastopol có thể dự báo về tương lai của chiến tranh hải quân, giống như cuộc tấn công của Anh vào căn cứ hải quân của Italy ở Taranto vào tháng 11/1940. Cuộc tấn công ở thời điểm đó cho thấy các máy bay xuất kích từ tàu sân bay hoàn toàn có thể phá hủy tàu chiến chủ lực của đối phương. Sự kiện này diễn ra hơn 1 năm trước khi Hải quân Nhật Bản sử dụng máy bay trên tàu sân bay tấn công Trân châu cảng.
Trong nhiều thập kỷ qua, Hải quân Mỹ đã được biết về mối đe dọa từ các tàu cảm tử. Vào tháng 10/2000, các phần tử thuộc tổ chức khủng bố Al Qaeda đã sử dụng một con tàu cài đặt thiết bị nổ đâm vào mạn tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Cole của Mỹ khiến 17 thành viên trong thủy thủ đoàn thiệt mạng và 37 người khác bị thương.
Ông Kirk Lippold – cựu sĩ quan chỉ huy của USS Cole nói rằng ông rất lo ngại vì Hải quân Mỹ ít tập trung vào mối đe dọa từ tàu cảm tử do không có nhiều cuộc tấn công tương tự nhằm vào tàu chiến của họ.
Theo ông Kirk Lippold, mỗi tàu hải quân cần một sỹ quan chịu trách nhiệm xem xét toàn bộ các mối đe dọa, lập kế hoạch về các biện pháp đối phó và thu thập thông tin tình báo để xác định cách thức tốt nhất nhằm bảo vệ tàu.
Hải quân Mỹ cần phải có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trước các đối thủ ngang tầm, nhưng cũng cần chuẩn bị cho các mối đe dọa phi đối xứng phòng trường hợp một lực lượng nào đó có thể sử dụng tàu thuyền điều khiển từ xa để tấn công tàu Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, ông Lippold lưu ý.
Năm 2002, Lầu Năm Góc quyết định tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn, đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ mang tên "Millennium Challenge" (Thử thách Thiên niên kỷ). Mục đích của cuộc tập trận là thử nghiệm sức mạnh quân đội Mỹ với các công nghệ tương lai. Trong cuộc tập trận, Tướng Paul Van Riper, một chỉ huy thủy quân lục chiến Mỹ đã triển khai một loạt tàu cao tốc cảm tử đánh chìm 19 tàu của đối phương giả định.
Nếu như ông Paul Van Riper cho thấy các cuộc tấn công dồn dập bằng tàu cảm tử có thể khiến các đơn vị của Hải quân Mỹ tê liệt, thì lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen lại chứng minh rằng, phương tiện này có thể đóng vai trò là vũ khí chống hạm hiệu quả. Vào tháng 1/2017, các thành viên của Houthi đã sử dụng một xuồng cao tốc điều khiển từ xa cài đặt chất nổ làm hư hại tàu khu trục Al Madinah của Saudi Arabia.
Người phát ngôn của Hải quân Mỹ đã từ chối trả lời khi được hỏi lực lượng này đang thực hiện những biện pháp nào để bảo vệ tàu thuyền tránh nguy cơ bị tấn công bằng máy bay hoặc tàu cảm tử của các đối thủ.
Chuyên gia Thomas Shugart thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới có trụ sở ở Washington cho rằng, Trung Quốc có thể đang theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vì các chiến lược gia của họ từ lâu đã kết hợp bài học từ những cuộc chiến tranh ở nước ngoài vào học thuyết quân sự của nước này.
Một số nhà phân tích nhận định, cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái của Ukraine nhằm vào tàu hải quân Nga tại Crimea cho thấy, những phương tiện không người lái giá rẻ sẽ luôn là mối đe dọa tiềm tàng đối với tàu chiến và các loại vũ khí công nghệ cao khác của Mỹ./.