Lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ vô tình thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc và Nga?

09:38 18-12-2020

VOV.VN - Việc Mỹ duy trì chiến dịch gây sức ép tối đa lên Iran và Venezuela có thể khiến hai nước thêm động lực trong việc tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Trong 4 năm qua, các lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ nhằm vào Venezuela và Iran đã đẩy 2 nước này sâu hơn vào vòng tay các đối thủ truyền thống của Mỹ. Trung Quốc và Nga đã và đang tìm cách khai thác thái độ thù địch chung của Venezuela và Iran đối với Mỹ thông qua việc cung cấp cho hai nước này những hỗ trợ hết sức quan trọng về kinh tế, công nghệ tiên tiến, và các chương trình huấn luyện quân sự, thách thức các chế tài của Mỹ.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh) rất chú trọng quan hệ với Venezuela. Ảnh: Reuters.
Câu chuyện của Venezuela

Dịch bệnh Covid-19 hiện nay đã cung cấp thêm cơ hội để Nga và Trung Quốc gây ảnh hưởng với Venezuela và Iran trong các vấn đề nội bộ, khi hai nước này ngày càng phụ thuộc nặng nề vào viện trợ của cả Trung Quốc lẫn Nga.

Việc viện trợ kinh tế cho Iran và Venezuela một mặt có thể khiến Trung Quốc và Nga vướng vào các trách nhiệm tài chính, mặt khác lại giúp hai nước này gia tăng ảnh hưởng địa chính trị tại đây theo hướng đối đầu với Mỹ.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, xấp xỉ 1/3 dân số Venezuela đang bấp bênh về lương thực. Nước này vốn dĩ đã vấp phải siêu lạm phát và yếu kém trong quản lý ngân sách, khiến kinh tế khó khăn. Các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ làm trầm trọng thêm thực trạng đó.

Lo sợ Mỹ can thiệp về chính trị và quân sự, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã liên tục từ chối viện trợ nhân đạo của Mỹ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội, mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Từ tháng 4-12/2019, Trung Quốc đã cung cấp ít nhất 40% tất cả lượng lương thực nhập khẩu của Venezuela. Trung Quốc cũng cung cấp một lượng lớn thuốc men, thiết bị y tế cho Venezuela ứng phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, liên minh Trung Quốc-Venezuela vượt ra khỏi khuôn khổ viện trợ nhân đạo và thương mại.

Vào năm 2017, Venezuela thuê công ty công nghệ khổng lồ ZTE của Trung Quốc chế tạo một thẻ căn cước thông minh mới giúp chính phủ Venezuela giám sát hành vi của công dân. ZTE còn cử một nhóm chuyên gia đặc biệt sang công ty viễn thông CANTV của nhà nước Venezuela để làm tư vấn cho các nhân viên CANTV.

Mặc dù Trung Quốc đã giảm hỗ trợ cho Venezuela trong các năm gần đây, Trung Quốc vẫn phớt các lệnh trừng phạt của Mỹ để hỗ trợ cho chế độ của Tổng thống Venezuela Maduro.

Trong khi đó, Nga cũng tìm cách gia tăng hiện diện ở Venezuela, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế và quân sự. Năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin tố cáo Mỹ đã thách thức tính hợp pháp của chế độ Tổng thống Maduro và gọi điện cho Caracas để thể hiện sự ủng hộ của mình. Cùng năm đó, Bộ Tài chính Mỹ đã gọi ngân hàng Evrofinance Mosnarbank là bên đã hỗ trợ Venezuela trong né tránh lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua việc cung cấp tài chính cho đồng tiền điện tử (tiền ảo, tiền mã hóa) Petro.

Gần đây, Moscow và Caracas đã thể hiện mối liên minh ngày càng mạnh mẽ sau khi Tổng thống Maduro kiểm soát được Quốc hội Venezuela vào ngày 7/12/2020.

Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử quốc hội này, ông Maduro đã gặp gỡ các quan chức Nga trên truyền hình quốc gia và cảm ơn Tổng thống Putin vì đã “quan tâm và ủng hộ nền dân chủ ở Venezuela”.

Ông Maduro còn nói thêm rằng “Nga là ví dụ về sự tôn trọng và hợp tác”.

Việc ông Maduro nhanh chóng thừa nhận Tổng thống Nga Putin sau khi củng cố quyền lực chính trị và pháp lý là tín hiệu cho sự phối hợp chống lại Mỹ.

Đối sách của Iran

Về phần Iran, nước này đã theo đuổi hợp tác lớn hơn với Trung Quốc và Nga do các lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ.

Tin tức cho hay, Bắc Kinh đã ký một kế hoạch 25 năm với Tehran liên quan đến việc đầu tư 280 tỷ USD vào các ngành dầu khí và hóa dầu của Iran, và đầu tư 120 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng vận tải và sản xuất của nước này.

Ngoài ra, Tehran được cho là còn có một thỏa thuận quân sự chung với Moscow.

Iran cũng được cho là đã nhất trí cho phép các máy bay ném bom, tiêm kích, và vận tải của Nga và Trung Quốc được tiếp cận không giới hạn các căn cứ không quân của Iran.

Trên thực tế, Iran đã tham gia tập trận chung thường niên với quân đội Nga và Trung Quốc.

Mặc dầu Trung Quốc là nước đầu tiên cung cấp viện trợ y tế cho Iran giữa đại dịch Covid-19, Nga đã nhanh chóng theo sát, cung cấp cho Iran 50.000 bộ chẩn đoán và lòng quyết tâm thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Hồi tháng 11/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã nói thẳng rằng Moscow tiếp tục vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Iran. Ông này tuyên bố “việc đấy [trừng phạt] chẳng ảnh hưởng gì đến chính sách của chúng tôi cả”.

Nga cũng giúp hộ tống tàu chở dầu của Iran đi tới Syria và vận động các nước nối lại quan hệ kinh tế với Iran.

Trong các năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh tập thể với Iran, bao gồm cả tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương và vịnh Oman vào tháng 12/2019.

Các lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ tiếp tục cướp đi của Iran năng lực hồi sinh nền kinh tế thông qua các phương tiện của chính nước này. Nhưng chiến dịch gây áp lực tối đa đó chỉ làm cho Tehran có thêm động lực thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh và Moscow nhằm duy trì sinh tồn.

Trong 4 năm gây sức ép tối đa vừa qua (dưới thời Tổng thống Trump – ND), Mỹ đã không đạt được hiệu quả đáng kể nào trong việc thay đổi hành vi của Iran. Trong bối cảnh đó, giới xây dựng chính sách của Mỹ cần xem xét các cách thức khác để đạt được mục tiêu đối ngoại trước mắt với Iran và Venezuela.

Để giảm phần nào tác động của Trung Quốc và Nga lên Iran, chính quyền Mỹ tương lai của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể lựa chọn hỗ trợ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, Quỹ Nhi đồng UNICEF, tổ chức Save the Children, và các nỗ lực nhân đạo quốc tế ở Iran và Venezuela nhằm bảo đảm các viện trợ liên quan đến Covid-19 có thể đến đúng các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất của hai nước này./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lenh-trung-phat-cung-ran-cua-my-vo-tinh-thuc-day-loi-ich-cua-trung-quoc-va-nga-824885.vov - theo vov.vn