Làm gì khi bị nhắn tin, gọi điện đe dọa đòi nợ dù không vay tiền?

09:44 01-08-2023

VOV.VN - Dù không là người đứng tên khoản vay cũng như không bảo lãnh cho người thân, nhưng liên tục nhận được những cuộc gọi, tin nhắn đe dọa, khủng bố đòi nợ. Phải làm gì trong trường hợp này?

Thính giả Ngô Thế Nghĩa ở Phú Thọ gửi thư về chương trình với nội dung: Gần đây, tôi liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ vì một người bạn đã lấy số điện thoại của tôi là người bảo lãnh, trong khi bản thân tôi không hề biết việc này cũng như trước đó chưa từng có ai liên lạc với tôi để xác nhận. Ban đầu chỉ là những lời nói có phần suồng sã nhưng sau đó là những lời chửi rủa, bôi nhọ, lăng mạ, khủng bố đòi tiền khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi đã liên hệ với bạn mình để giải quyết nhưng không được. Xin hỏi trong trường hợp này, tôi nên làm gì?

Luật sư Phạm Văn Liêm, Công ty Luật TNHH Nước Việt - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, do không có bất cứ cam kết hay thỏa thuận gì để bảo lãnh cho khoản nợ của người bạn của mình, cho nên, bên cho vay không có quyền yêu cầu đối với thính giả khi người bạn của mình vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Việc thính giả sau khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi đã liên hệ với người bạn của mình để giải quyết vấn đề là hành động mắc bẫy của phía cho vay tiền khi tự biến mình thành người đi đòi nợ thay hoặc thúc đẩy việc đòi nợ của bên cho vay mà mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các việc đó.

Khoản 1, Điều 170 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Do đó, hành vi nhắn tin, gọi điện chửi rủa, bôi nhọ, lăng mạ, khủng bố tinh thần nhằm mục đích đòi tiền như trong tình huống nêu trên là có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự và mức hình phạt cao nhất của tội này là 20 năm tù.

 

Việc mà thính giả cần làm để bảo vệ bản thân là khi nghe điện thoại hay nhắn tin trả lời phía bên cho vay tiền cần phải khẳng định mình không có quan hệ vay mượn và không bảo lãnh cho người bạn của mình trong quan hệ vay mượn tiền với bên cho vay. Đồng thời yêu cầu bên cho vay chấm dứt ngay các hành vi nhắn tin, gọi điện cho mình. Mặt khác, cần lưu lại những tin nhắn, ghi âm các cuộc gọi để làm bằng chứng khi trình báo, tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng.

https://vov.vn/phap-luat/lam-gi-khi-bi-nhan-tin-goi-dien-de-doa-doi-no-du-khong-vay-tien-post1036178.vov - theo vov.vn