Làm gì để đối mặt với sốt xuất huyết trong bối cảnh “dịch chồng dịch”

10:26 09-11-2022

VOV.VN - Sốt xuất huyết có thể bùng phát khi có thời tiết và môi trường nước tù đọng để muỗi sinh bệnh phát triển. Đặc biệt hiện nay, tại Việt Nam không phải chỉ có dịch sốt xuất huyết mà dịch cúm, sởi, thủy đậu, COVID-19, Adenovirrus, đậu mùa khỉ… đang tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương của Bộ Y tế, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước tăng khoảng hơn 10.000 ca, số tử vong tăng 2 ca so với tuần trước đó. So với cùng kỳ năm 2021, với 56.240 ca mắc và 21 ca tử vong, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.

Tại nhiều địa phương, dịch sốt xuất huyết vẫn đang nóng với số mắc mới ghi nhận vẫn cao, trong đó có Hà Nội và TP.HCM.


Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết.
Chu kỳ 5 năm của dịch sốt xuất huyết

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đánh giá, đặc điểm của thời tiết hiện nay đang rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 10 đến nay, số lượng học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố về Hà Nội nhập học đông, tiềm ẩn nguy cơ mắc sốt xuất huyết rất cao.

Đặc biệt, năm nay là năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết bùng phát thành dịch (chu kỳ 5 năm một lần) nên dịch dễ diễn biến phức tạp. Số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 của Hà Nội đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng.

Nguyên nhân của việc vẫn gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, theo Sở Y tế Hà Nội, tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, do người dân vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, khi có những triệu chứng nghi ngờ, sốt, chưa đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết đến các cơ sở y tế muộn hoặc tự điều trị tại nhà nên diễn biến bệnh bị nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, trong tuần vừa qua, TP.HCM ghi nhận 1.628 ca mắc mới sốt xuất huyết, giảm 27% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm, trong đó, đã có 29 ca tử vong. Đến hết tháng 10/2022, thành phố đã ghi nhận 70.370 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, số ca sốt xuất huyết nặng năm nay cũng tăng cao so với năm 2021.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết hiện nay, BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, thay vì phỏng đoán, lo lắng rằng sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh vào tháng 11, 12 tới thì, người dân cần trang bị kiến thức cần thiết để phòng ngừa, để đối mặt với dịch bệnh.
Theo thống kê những ca sốt xuất huyết nặng đều là những bệnh nhân đã bị biến chứng và khi đó được bệnh viện tuyến dưới mới chuyển lên tuyến trên.

“Nhiều bệnh viện tuyến dưới không thạo xử lý tình huống sốt xuất huyết, đến khi bệnh nhân bị nặng mới chuyển tuyến thì người bệnh đã trong tình trạng sốc, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, chảy máu chân răng, suy đa tạng... khi đó việc điều trị rất khó khăn”, BS Nguyễn Quốc Thái cho biết.

Phòng dịch trong dịch
Bên cạnh yếu tố thời tiết và môi trường vệ sinh tạo điều kiện cho muỗi phát triển rất mạnh và truyền bệnh sốt xuất huyết, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua xuất hiện rất nhiều dịch bệnh như cúm, Adenovirus, đặc biệt, từ khi có dịch COVID-19 thì mỗi khi thấy biểu hiện sốt người bệnh thường nghĩ tới các dịch bệnh này và ít nghĩ đến sốt xuất huyết.

“Chính tâm lý chủ quan này rất nguy hiểm, nó làm cho sốt xuất huyết bị coi nhẹ đi và khi phát hiện ra bị sốt xuất huyết thì thường đã muộn rồi”, BS Nguyễn Quốc Thái nói.


Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Cũng theo BS Thái, khi có nhiều dịch bệnh đang lưu hành cùng lúc như dịch cúm, Adenovirus, COVID-19, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, với chung các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau mỏi người… người bệnh cần lưu ý triệu chứng sốt cao đột ngột, kèm đau nhức 2 hốc mắt và có thể gặp tình trạng phát ban: “Khi có những biểu hiện đó thì cần phải nghĩ tới sốt xuất huyết và người dân cần chủ động đi khám ở các cơ sở y tế để được tư vấn về chăm sóc và điều trị, về các biện pháp tự chăm sóc cho bản thân cũng như chăm sóc cho người thân trong gia đình”.

Bác sĩ đặc biệt lưu ý, sốt xuất huyết thường có 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, nguy hiểm và phục hồi. Ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết (khoảng 3 ngày), thường người bệnh có triệu chứng sốt cao. Việc uống đủ nước rất quan trọng, sẽ giúp cho máu không bị cô đặc và suy tuần hoàn. Người bệnh có thể uống nước lọc, nước oresol, nước hoa quả nhưng không nên uống các loại nước sẫm màu để tránh nhầm lẫn với biểu hiện nôn ra máu. Muốn biết lượng nước uống có đủ hay không, chúng ta căn cứ vào lượng nước tiểu. Lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc bằng bình thường là đủ; cố gắng duy trì uống đủ nước như vậy ít nhất cho đến 3 ngày sau khi hết sốt để cơ thể dễ chịu hơn và không có biến chứng nặng (cô đặc máu và suy tuần hoàn).

Biện pháp quan trọng thứ nhất là hạ sốt. Khi sốt cao (trên 39 độ) thì có thể uống thuốc hạ sốt Paracetamol, người lớn 1 viên 0,5g, trẻ em có thể uống gói bột pha theo cân nặng (liều là 10mg/1kg cân nặng). Sau 4-6 tiếng nếu vẫn sốt thì uống lại. Nếu uống thuốc mà vẫn sốt cao thì kết hợp dùng nước ấm lau người, sau đó để bay hơi tự nhiên giúp cho cơ thể hạ nhiệt xuống.

Biện pháp thứ 2 là uống đủ nước để cơ thể không bị cô đặc máu, suy tuần hoàn. Đây chính là “chìa khóa” quan trọng để giúp người bệnh qua được giai đoạn nặng nề của sốt xuất huyết.

“Với sốt xuất huyết, việc phát hiện sớm và điều trị đúng rất quan trọng, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận được cơ sở y tế ngay lập tức nên làm thế nào để người dân biết cách tự chăm sóc bản thân là hết sức cần thiết. Khám sớm để biết bệnh, nhờ thầy thuốc tư vấn biết cách theo dõi đảm bảo sức khỏe tối ưu nhất. Việc tuân thủ tái khám đúng hẹn khi hết sốt cũng rất quan trọng, bởi có trường hợp khi sốt giảm có tình trạng thoát huyết tương gây cô đặc máu, có biến chứng đi vào sốc, rất nguy hiểm. Việc tái khám để biết tình trạng máu cô đặc hay không, tiểu cầu tăng cao hay giảm thấp… để được điều trị kịp thời”, BS Thái nhấn mạnh./.

https://vov.vn/xa-hoi/lam-gi-de-doi-mat-voi-sot-xuat-huyet-trong-boi-canh-dich-chong-dich-post982629.vov - theo vov.vn