Kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ ý thức của doanh nghiệp

09:58 07-09-2023

VOV.VN - Dù mới triển khai nhưng "Kinh tế tuần hoàn" tại Quảng Ninh đã ghi nhận những cách làm mới sáng tạo và hiệu quả trong xử lý rác thải, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp.

Gần 3 tháng nay, hơn 2 triệu phao xốp là rác thải từ nuôi trồng thủy sản của ngư dân trên vịnh Hạ Long đã được công ty CP XNK Cao Thành Vinh (KCN Hà Khánh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) thu gom, xử lý triệt để. Ông Bùi Đức Thành, Giám đốc công ty cho biết: Là đơn vị đầu tiên được bộ TNMT cấp phép, Công ty đã đầu tư thêm máy móc để xử lý rác thải là phao xốp với quy trình bóc tách chất bẩn, xử lý nhiệt,... để tạo thành hạt nhựa, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác.

"Xử lý phao xốp rất là khó khăn vì phao xốp nhẹ, vận chuyển và bốc vác lên xuống rất là vất vả. 1 xe ô tô chở được 50 đến 70 khối nhưng về tới nhà máy xử lý cũng chỉ được 500 - 600 kg hạt nhựa. Chúng tôi cũng cố gắng làm và đầu tư máy móc xử lý thành công 10.000 khối phao xốp cho vịnh Hạ Long và đưa ra thị trường sản phẩm cuối cùng là hạt nhựa để xuất bán cho các đơn vị" - ông Bùi Đức Thành nói.

Không chỉ chế biến, xử lý triệt để rác phao xốp, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước có mô hình "ngân hàng gửi rác lấy tiền" tại Công ty CP xây dựng và xi măng Quảng Ninh. Đây là mô hình thu gom rác thải vô cơ có thể đốt cháy để thay thế một phần nguyên liệu sử dụng trong lò nung clinker. Ở nhiệt độ lên đến 1.400 độ C, tất cả các loại rác thải này bị tiêu hủy hoàn toàn, không phát sinh các loại khí thải độc hại, mùi hôi khét... như khi xử lý đốt ở môi trường thông thường, phù hợp với chủ trương của Bộ Xây dựng yêu cầu thay thế nguyên liệu đầu vào là than vốn đắt đỏ và ngày càng khan hiếm.

 

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh: Để xử lý được các loại rác thải vô cơ này, từ năm 2020 đến nay, Công ty đã dành hơn 400 tỷ đồng đầu tư thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống giám sát chỉ số phát thải ra môi trường. Sử dụng rác trong quy trình nung clinker, công ty đã giảm được 15% lượng than nhiên liệu, làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

"Nguồn thải nếu không sử dụng đưa đi đổ thải và ra môi trường thì rất lãng phí, ảnh hưởng tới môi trường vì mất rất nhiều năm để tiêu hủy. Trong hoạt động sản xuất xi măng thì chúng tôi sẽ tận dụng tối đa rác thải để đưa vào quá trình nung clinker, thay thế nhiên liệu đốt. Như thế đạt 2 mục tiêu: giảm ảnh hưởng tới môi trường, giảm giá thành xi măng, tăng sức cạnh tranh và góp phần cùng cả nước được mục tiêu hạn chế phác thải ròng" - ông Nguyễn Trường Giang nói.

 

Để tạo thói quen phân loại và thu gom rác thải cho người dân, Công ty thu mua rác vô cơ có thể đốt được với giá cao hơn so với thị trường. Người dân có thể nhận tiền mặt hoặc dùng phiếu tích điểm như một hình thức để dành tiền trong tài khoản tiết kiệm; số điểm tích lũy được tính lãi suất mức 1%/năm, cao gần gấp đôi lãi suất không kỳ hạn của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay... Và mô hình "Ngân hàng gửi rác, rút tiền" này thu hút được sự quan tâm, tham gia của cộng đồng.

Ngay sau khi Luật BVMT 2020 có hiệu lực, tỉnh Quảng Ninh đã thông tin và quán triệt tới các cấp, ngành, đến các doanh nghiệp và người dân. Chủ trương thay đổi mô hình sản xuất từ nâu sang xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng và chủ động tham gia.

Dù vậy, để kinh tế tuần hoàn thực chất hơn, phát huy hiệu quả cao hơn và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cần có những cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện và cả chế tài xử lý vi phạm mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh cho rằng: "Để hình thành nên kinh tế tuần hoàn của địa phương thì cần có cơ chế tạo thị trường và có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, và đặc biệt Quảng Ninh cũng đã có kiến nghị tích cực lên các Bộ, ngành TW để giải quyết về mặt pháp lý, tháo gỡ thỏa đáng để tạo điều kiện cho kinh tế tuần hoàn của Quảng Ninh phát triển và phổ biến rộng rãi tới các đối tượng".

Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những nhiệm vụ được chỉ ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030. Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng dành riêng điều khoản 142 để quy định về Kinh tế tuần hoàn (KTTH). Ngoài ra, Luật còn đưa ra nội dung khuyến khích đầu tư cho BVMT theo cách tiếp cận dựa vào thị trường: phân loại chất thải tại nguồn; quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; kiểm toán môi trường…

Còn với từng địa phương, những chính sách thích hợp sẽ thúc đẩy mạnh mẽ, khuyến khích các sáng kiến, mô hình đã, đang và sẽ áp dụng các giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn, qua đó giúp phát triển kinh tế một cách bền vững, tiến tới đáp ứng môi trường quốc tế rộng mở, nhưng yêu cầu nghiêm ngặt và khắt khe hơn.

https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-tuan-hoan-bat-dau-tu-y-thuc-cua-doanh-nghiep-post1044182.vov - theo vov.vn