Một vòng luẩn quẩn?
Liên quan đến việc 6 năm đằng đẵng mong ngóng nước sạch sinh hoạt của người dân trong khu đấu giá 6,9ha thuộc xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) đã được VOV.VN phản ánh, ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) cho biết: “Lý do đến thời điểm này chưa xong thủ tục bàn giao quyền quản lý, hạ tầng kĩ thuật khu đất 6,9ha là từ năm 2018 cho người dân vào xây dựng và ở nhưng đến giai đoạn 2020-2022 phía chủ đầu tư và nhà thầu thi công mới hoàn thiện hạ tầng. Hai bên đã nghiệm thu theo từng giai đoạn nhưng chỉ ký riêng với nhau chứ không chưa mời lãnh đạo xã thụ hưởng ra ký nhận bàn giao. Cứ sau 12 tháng hết bảo hành, vì vậy, đến thời điểm này các cán bộ của chủ đầu tư đã luân chuyển hết nên đến giờ lại kiểm tra nghiệm thu lại, trong thời gian tới thủ tục này xong phía xã chúng tôi sẽ ký tiếp nhận bàn giao và sau đó tổ chức tiến hành các bước xã hội hóa hệ thống nước sạch bên trong khu”.
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết: “TP Hà Nội giao Công ty nước sạch Tây Hà Nội triển khai các dự án xã hội hóa trên địa bàn huyện Hoài Đức từ năm 2017, tuy nhiên thời điểm đó, đơn vị lập kế hoạch nước sạch chưa bao phủ hết được các dự án đất dịch vụ trên địa bàn. Bản thân huyện Hoài Đức trực tiếp làm việc với công ty cấp nước sạch đề nghị trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt khi điều chỉnh bổ sung dự án thì sớm đưa các diện tích khu đất dịch vụ vào quy hoạch để đầu tư xây dựng và cấp nước sạch cho người dân. Tuy nhiên đến nay, Công ty nước sạch Tây Hà Nội vẫn lấy lý do có những vướng mắc về thủ tục, khó khăn trong việc tính hiệu quả so với mức đầu tư…đến nay mặc dù huyện Hoài Đức đã có nhiều văn bản gửi UBND TP Hà Nội và sở Xây Dựng chỉ đạo Công ty nước sạch Tây Hà Nội sớm đầu tư và cấp nước sạch cho người dân sử dụng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chí Thịnh – Giám đốc Công ty nước sạch Tây Hà Nội cho biết: “Theo quy định, phần xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Đơn vị cấp nước chỉ bán đồng hồ tổng, không có chức năng xây dựng hệ thống bên trong. Người dân có nhu cầu nên chúng tôi đã hỗ trợ thiết kế kỹ thuật theo tiêu chuẩn, đến nay đã hoàn thành. Đồng hồ tổng chúng tôi đã kéo đến đầu khu và sẵn sàng phương án cấp nước nếu bên trong hoàn thành các thủ tục”.
Ông Trần Văn Chương đại diện các hộ dân (sống tại khu đất dịch vụ 6,9ha xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bức xúc: “Chúng tôi đã thống nhất, đóng tiền để xã hội hóa trong việc xây dựng hệ thống nước sạch trong khu, hồ sơ pháp lý cũng đã hoàn thiện theo đúng hướng dẫn của UBND xã Vân Canh và các cơ quan chuyên môn của huyện Hoài Đức đã lâu nhưng vẫn chưa được làm. Cứ phải mòn mỏi chờ đợi trong khi các cơ quan cứ loanh quanh thế này thì chúng tôi biết phải chờ đến bao giờ. Người dân chờ đợi đã 6 năm ròng rã, bao nhiêu thiệt hại, khổ cực phải gánh chịu, vậy các cơ quan liên quan chậm trễ, đổi quanh thế này thì ai chịu trách nhiệm cho người dân? Chúng tôi khổ quá rồi!”.
Cơ quan quản lý đã làm hết trách nhiệm?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, đối với dự án bất động sản do doanh nghiệp tư nhân thực hiện thì trước khi chuyển nhượng đất cho người mua sẽ phải hoàn thiện hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Trong trường hợp này, Nhà nước giao đất thông qua đấu giá, do vậy không phải dự án bất động sản.
Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, quy định hiện nay có những bất cập, tức là dự án đấu giá đất do các cơ quan của Nhà nước thực hiện không phải hoàn thiện hạ tầng thiết yếu trước khi bàn giao cho người trúng đấu giá. Vì vậy, trách nhiệm ở đây cần xem xét đến là của các cơ quan thực thi.
“Đúng ra các cơ quan thực thi cần bàn giao sớm dự án để người dân tiến hành xã hội hóa trong việc phối hợp với các đối tác vào làm hệ thống nước sạch sớm thì quyền lợi của người dân được đảm bảo và giúp ổn định an sinh xã hội. Tuy nhiên, để trậm trễ bàn giao dự án khiến người dân sinh sống giữa Thủ đô thiếu nước sạch trong ngần ấy năm thể hiện rõ lỗi của các cơ quan quản lý có liên quan trên địa bàn, các cơ quan này đã thực thi rất thiếu trách nhiệm. Ở đây cần phải xác định rõ tiêu chuẩn sống của người dân Thủ đô cũng sẽ khác hơn nhiều địa phương vùng sâu vùng xa. Những người đến khu đấu giá này, được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng,… thì quyền lợi cũng phải được đảm bảo bằng thậm chí cần được quan tâm hơn so những người dân sống trong làng. Vì những người mua đất trong khu đấu giá phải chịu chi phí mua đất và các nghĩa vụ khác cao hơn”, ông Nguyễn Văn Đỉnh nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng: “Trong suốt 6 năm qua, quyền lợi của người mua đất ở khu vực này không được đảm bảo. Thậm chí là thiệt hại cả về sức khỏe, kinh tế…Rõ ràng cơ quan quản lý chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, gây ra những thiệt thòi cho người dân”.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, trong xã hội văn minh thì nước là nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, tất yếu của công dân. Bên cạnh đó, việc được sử dụng nước là một trong những biểu hiện thể hiện quyền con người, quyền công dân, quyền được đối xử bình đẳng của các chủ thể trong xã hội.
“Ngay giữa Thủ đô mà nhiều người dân không có nước sạch, phải sinh hoạt trong điều kiện khổ cực như vậy thì không thể nào chấp nhận được. Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, có sứ mệnh riêng. Huy động nguồn lực để hướng đến một mục tiêu là phục vụ nhân dân Thủ đô, đảm bảo cho Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, phát triển”, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.