Khởi công đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong năm 2025
09:31 16-12-2024
VOV.VN - Bộ GTVT xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công và kế hoạch cần phải giải ngân của năm 2025 khoảng 87.000 tỷ đồng. Trong đó, sẽ khởi công tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 8,37 tỷ USD.
Công việc chuẩn bị trong 3-4 năm, rút lại còn 6 tháng
Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2024 của Bộ GTVT, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, trên cơ sở nhu cầu đăng ký của các chủ đầu tư/Ban QLDA, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 với nhu cầu, kế hoạch vốn khoảng 89.211 tỷ đồng.
“Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII, là năm cần đưa vào khai thác gần 1.000km đường bộ cao tốc, cũng như cần chuẩn bị đầu tư một số dự án có quy mô rất lớn, tiến độ rất gấp (dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối Trung Quốc) trong điều kiện sẽ có nhiều thay đổi về bộ máy, cơ cấu, tổ chức”, ông Thìn nói.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2025, Vụ Kế hoạch-Đầu tư phối hợp với các chủ đầu tư/ban quản lý dự án để tham mưu Bộ trưởng giao kế hoạch năm 2025 cho các dự án trước ngày 31/12/2024.
Vụ Kế hoạch-Đầu tư yêu cầu các chủ đầu tư/ ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo bộ trước ngày 31/1/2025 làm cơ sở cơ sở điều hành, đánh giá kết quả thực hiện.
Với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Ban Quản lý dự án Đường sắt sớm triển khai các công việc liên quan đến lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Viện Chiến lược và phát triển GTVT triển khai hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt; đề án phát triển công nghiệp đường sắt.
Với tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 8,37 tỷ USD, thông thường thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 3-4 năm, tuy nhiên, theo yêu cầu Trung ương, Thủ tướng Chính phủ cần khởi công dự án vào năm 2025 là thách thức rất lớn.
Do đó Vụ Kế hoạch-Đầu tư yêu cầu, Ban Quản lý dự án Đường sắt trình Bộ GTVT hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 12/2024 để lấy ý kiến các cơ quan; phối hợp triển khai các thủ tục thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước, hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước ngày 28/2/2025; hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội trước ngày 31/3/2025 và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2025.
Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp Ban Quản lý dự án Đường sắt hoàn thiện hồ sơ đề án chủ trương đầu tư dự án gửi Bộ GTVT trong tháng 12/2024 để lấy ý kiến các cơ quan liên quan; phấn đấu báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 3/2025.
Lên kế hoạch "tiêu" 87.000 tỷ đồng trong năm 2025
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư, tính đến hết tháng 11/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch đã được giao, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2023, giải ngân đạt khoảng 75%). Tính đến thời điểm này, bộ vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (ở mức 60,4%).
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn được giao theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (tối thiểu 95%), trong 2 tháng còn lại, Bộ GTVT cần giải ngân khoảng 23.000 tỷ đồng.
“Đây là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của các cơ quan thuộc bộ” ông Lưu Quang Thìn thông báo.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh yêu cầu, đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương, đây là dự án có khối lượng công việc lớn, số lượng dự án nhiều, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải tập trung hơn nữa thực hiện nhiệm vụ trong tháng 12 và đầu năm 2025.
"Chúng ta phải dành thời gian không chỉ ban ngày mà còn cả đêm. Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bên cạnh việc sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, sau quá trình sáp nhập, tinh gọn bộ máy các cơ quan Bộ tới đây, việc nghiên cứu tăng cường nguồn lực, năng lực cho đơn vị quản lý dự án dự kiến sẽ đảm đương các khối lượng công việc tại dự án đường sắt tốc độ cao là cần thiết. Bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình cũng cần tham khảo kinh nghiệm, học hỏi các nước phát triển mạnh đường sắt tốc độ cao về cách thức quản lý, tổ chức triển khai, có thể nghiên cứu lập ban tổng công trình sư hoặc lựa chọn kỹ sư trưởng/kiến trúc sư trưởng", ông Minh chỉ đạo.
Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu cục quản lý chuyên ngành phải "xắn tay" cùng chủ đầu tư, nhà thầu nghiên cứu giải pháp rút ngắn thời gian gia tải nền đất yếu tại dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Việc rút ngắn tiến độ phải đi đôi với bảo đảm chất lượng; Gỡ khó vướng mắc mặt bằng ở một số dự án như: Biên Hoà - Vũng Tàu, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột.
"Riêng đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đánh giá tiến độ dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4 chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ trưởng đề nghị nghiên cứu lập tổ công tác, phối hợp tháo gỡ các khó khăn. Thứ trưởng phụ trách thường xuyên vào kiểm tra, đôn đốc tiến độ với tinh thần: Việc gì có thể giải quyết được ở hiện trường là giải quyết ngay, phấn đấu hoàn thành đồng bộ dự án trước 31/12/2025", Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị tích cực phối hợp với cơ quan liên quan, chủ đầu tư nghiên cứu sớm triển khai các dự án hạ tầng kết nối quan trọng như: dự án mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành; dự án mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, dự án dừng/chậm tiến độ như Hà Nội - Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân.
Nhấn mạnh thêm về việc dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng phải phấn đấu khởi công trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị đơn vị liên quan làm rõ các nội dung liên quan đến công tác đầu tư dự án này, làm cơ sở lãnh đạo Bộ làm việc với đối tác, thúc đẩy tiến trình triển khai.
Với các dự án chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT quyết liệt đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án đúng kế hoạch để giải ngân nguồn vốn đã bố trí, đặc biệt tại các dự án sử dụng nguồn vượt thu 2022 có tiến độ yêu cầu gấp, giá trị vốn được giao năm 2024 lớn như: cầu Cẩm Lý, cầu hầm trên Quốc lộ 1 (Ban Quản lý dự án Đường sắt), cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn (Ban Quản lý dự án 2), tuyến nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với Tuyên Quang-Phú Thọ (Sở GTVT Phú Thọ).
Ngoài ra, Bộ GTVT triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng khác và phối hợp xử lý các dự án dừng, chậm tiến độ để phòng chống lãng phí.
https://vov.vn/xa-hoi/khoi-cong-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-trong-nam-2025-post1142199.vov - Theo vov.vn