Khó xử lý lừa đảo vì thiếu khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo

09:34 29-03-2024

VOV.VN - Hàng trăm, hàng nghìn vụ lừa đảo thông qua các ứng dụng, trang web đầu tư tiền ảo đã diễn ra. Thế nhưng, ở nước ta, hành lang pháp lý cho tài sản ảo vẫn chưa hoàn thiện khiến cho việc xử lý các vụ việc liên quan tới tiền ảo gặp khó.

Những năm qua, hàng trăm, hàng nghìn vụ lừa đảo thông qua các ứng dụng, trang web đầu tư tiền ảo đã diễn ra. Thủ đoạn chung của các đối tượng là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để lừa những người cả tin. Để tăng thêm niềm tin, các đối tượng lừa đảo còn liên tục tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập các hội nhóm trong đó có nhiều người tự xưng là chuyên gia, hay người đại diện của doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, dẫn dắt các thành viên sao cho đầu tư có lợi nhất.

“Tư vấn viên trên sàn cũng giới thiệu và chào mời. Tôi cũng hỏi các trang web của công ty thì mình thấy cũng rất chuyên nghiệp. Họ nói nếu tôi chưa tin tưởng thì sẽ cho tôi vào nhóm. Ở đó, có những người trao đổi thông tin và kỹ thuật để chơi và chiến thắng. Họ cũng chia sẻ là họ kiếm được bao nhiêu tiền. Sau khi tôi bị mất hết, tôi mới biết đấy là những nick ảo”, chị N, một nạn nhân kể lại.

Mỗi ngày, lãi suất đổ về đều đặn trên tài khoản mà nạn nhân thiết lập trên các ứng dụng, trang web này khiến họ tin rằng đồng tiền ảo mà mình đầu tư sinh lợi cao. Cũng vì thế mà không ít người đã rủ rê, lôi kéo người thân cùng tham gia. Cứ như thế hàng trăm, hàng nghìn người đã bị dẫn dụ. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, khi đã lừa được một lượng người nhất định, thì bất ngờ trang web bị sập, các ứng dụng không thể đăng nhập, còn các chuyên gia cũng biến mất.

 

Khoảng 3 năm trước, ở nước ta cũng rộ lên phong trào chơi đồng Pi Netword, một loại tiền ảo kỹ thuật số. Trong khi các chuyên gia nhận định, đồng Pi cũng là một trong những dự án tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro thì hàng trăm người lại lao vào đào Pi mỗi ngày và hi vọng đồng Pi được lên sàn thì có thể kiếm được lợi nhuận từ việc mua bán Pi.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu cho rằng, tài sản ảo, tiền ảo hoạt động và phát triển nhanh ở Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, sự quản lý yếu kém cũng như những lỗ hổng về mặt pháp lý khiến cho các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo bùng nổ.

 

Bên cạnh đó, tiền ảo là khái niệm dễ bị nhầm lẫn với tiền điện tử và tiền kỹ thuật số. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người dễ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Tiền điện tử là giá trị tiền tệ được mã hóa lưu trữ trên một thiết bị điện tử như ATM, thẻ phi vật lý, tài khoản ngân hàng, ví điện tử….; là thể hiện của tiền pháp định của một quốc gia trên môi trường điện tử, như VND, USD. Tại Việt Nam, việc chuyển tiền Việt Nam VND qua ATM, app... chính là chuyển tiền điện tử. Người dùng có thể đổi từ tiền pháp định ở dạng điện tử sang tiền mặt để giao dịch ngoài Internet.

Tiền kỹ thuật số (Crytocurrency) là tiền được mã hóa từ những bit số, không phụ thuộc hay bị điều khiển bởi bất cứ ai và có tính bảo mật cao. Được tạo ra bằng cách đào và sử dụng mật mã học để lưu trữ các giao dịch, sử dụng công nghệ blockchain phi tập trung, ví dụ: Bitcoin, Binance Coin… Hiện nay, một bộ phận người dân ở Đức, Mỹ, Nhật Bản... rất chuộng do tính thanh khoản cao và sự thuận lợi của nó.

Tiền ảo (Virtual money) không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương các nước phát hành, mà chỉ do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng các thuật toán mã hóa phức tạp. Nó chỉ được thừa nhận trong cộng đồng nhất định như cộng đồng game, sàn công nghệ; thể hiện dưới dạng như: xu trong game, coin trong game... với mục đích mua, bán, trao đổi vật phẩm, dịch vụ trên các trang mạng điện tử, trò chơi trực tuyến... Ví dụ như tiền xu trong Shopee có thể đổi thành phiếu giảm giá.

Không những thế, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo lắng khi Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiền ảo lớn, đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền cao. Tuy nhiên, Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối năm 2022 lại chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.

“Tiền ảo, tài sản ảo, với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những loại hình bất hợp pháp thành tiền sạch, chuyển vào khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Tiền ảo, tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật, phòng, chống rửa tiền chưa được quy định về vấn đề này”, đại biểu Dương Văn Phước, đoàn Quảng Nam nêu quan điểm.

Theo một số báo cáo gần đây của Crypto Crunch App, Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền ảo trên thế giới, với hơn 1/4 dân số sở hữu tiền ảo (tức hơn 26 triệu người). Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu về khối lượng giao dịch tiền mã hóa (đứng trong tốp 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance). Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về là hàng chục tỷ USD. Điều này cho thấy sự cần thiết phải xây dựng khung pháp lý quản lý tiền ảo, tài sản ảo.

Ở nước ta, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, hoàn thiện nội dung chính sách về vấn đề này vẫn gặp nhiều khó khăn và cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có hành lang pháp lý chính thức cho tài sản ảo.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu nhận định, để đạt được mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo vào tháng 5/2025, các nhà làm luật phải định nghĩa tiền ảo là gì và có cho phép tiền ảo được lưu hành được phát minh và được giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam hay không. Bên cạnh đó, cần có một chương trình thử nghiệm lưu hành sử dụng tiền ảo trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, hệ thống tòa án cũng phải nắm bắt được để xử lý những tranh chấp liên quan đến tiền ảo.

Hơn nữa, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật và những đơn vị doanh nghiệp có liên quan nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo tuân thủ chặt chẽ pháp luật một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo, áp dụng vào những nhóm đối tượng cụ thể, thay vì trên diện rộng. Trong đó, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản ảo là một trong những vấn đề quan trọng.

Có thể nói, tiền ảo, tài sản ảo là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa được đánh giá hết. Việc thiếu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng nổ, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Vì vậy, việc xây dựng chính sách quản lý về tài sản ảo, tiền ảo được xem là rất cấp thiết.

https://vov.vn/phap-luat/kho-xu-ly-lua-dao-vi-thieu-khung-phap-ly-cho-tien-ao-tai-san-ao-post1085498.vov - theo vov.vn