"Khăn gói" về quê trồng chè, chàng thanh niên 9X khởi nghiệp thành công
08:42 27-03-2023
VOV.VN - Đến xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng tại vùng chỉ dẫn địa lý trà đặc sản Tân Cương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, ai cũng biết anh Lê Sơn Hải (32 tuổi), người đã lưu giữ và đem hương vị thơm ngon, thuần khiết của trà Thái Nguyên quyện lẫn hương sen thơm ngát của Hồ Tây Hà Nội đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tốt nghiệp cử nhân Học viện Báo chí và tuyên truyền năm 2015 nhưng Lê Sơn Hải lại "khăn gói" về quê trồng chè trong sự phản đối của bạn bè và chính những người trong gia đình. Ai cũng nói, cũng hỏi: "Sao không làm việc này, việc kia mà lại về chọn nghề chè?"
“Khi tôi chọn nghề này chỉ đơn giản gìn giữ được nghề của các thế hệ đi trước, tìm tòi làm ra sản phẩm mới phù hợp với thời đại. Chúng ta cần có đam mê với nghề rất mãnh liệt, đặc biệt làm những sản phẩm về nông nghiệp thì cần sức khỏe thật tốt, có trí tuệ, có cơ giới hóa, có công nghệ phụ giúp mới tạo ra sản phẩm ngày càng yêu cầu cao của con người”, anh Hải chia sẻ.
Ít ai biết được rằng chàng trai trẻ khi đó ấp ủ dự định về một loại trà đặc biệt, chắt lọc được những tinh túy của đất trời... Sau nhiều năm cố gắng, anh có 3 hecta trồng chè và các loại hoa. Lê Sơn Hải quan niệm để tạo ra sản phẩm sạch cần có nguồn đất sạch và mình phải làm thành công mới liên kết với các hộ dân trồng chè để bảo đảm quy trình canh tác từ làm đất tới chăm bón, thu hái. Anh còn kỳ công xin giống hoa sen Hồ Tây (Hà Nội) về trồng để lấy nguyên liệu ướp trà. Nỗ lực với không biết bao lần thử nghiệm, Lê Sơn Hải đã thành công kết hợp vị trà Tân Cương với hương sen Hồ Tây, tạo dựng thương hiệu của riêng mình: An Hải trà.
Lê Sơn Hải đã lựa chọn giống chè Bạch Hạc, tự trồng, chăm sóc và chế biến với mục tiêu cao nhất là tạo nên sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá trị của cây chè Thái Nguyên. Quá trình trồng và chăm sóc, anh luôn quay lại video như một thứ "nhật ký", vừa để rút kinh nghiệm cho riêng mình, vừa làm tư liệu giới thiệu, quảng bá sản phẩm với khách hàng.
“Bây giờ nhiều người vẫn lầm tưởng trà Thái Nguyên và trà Tân Cương phải có màu nước xanh nhưng không có sản phẩm trà nào là màu nước xanh cả. Trong thời đại kinh tế thị trường như bây giờ, một số người bám vào thương hiệu, bám vào những thứ có sẵn, mình dù nhỏ bé vẫn cố gắng truyền đạt khối lượng thông tin đến khách hàng đang mua sản phẩm của mình. Họ tin mình, mua sản phẩm của mình, họ quay lại mua thêm những sản phẩm mới, có thể phân biệt bằng mắt thường, phân biệt bằng cách khi người khác đưa ra thông tin để quảng bá, phân biệt để tránh tình trạng mua phải sản phẩm có hóa chất”, anh Lê Sơn Hải nói.
Để có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, anh Lê Sơn Hải đã tổ chức đào tạo lao động từ khâu làm đất bảo đảm độ màu, cách trồng và chăm bón cây chè theo hướng hữu cơ chế biến, đóng gói thành phẩm. Sản phẩm trà do anh Hải cung cấp ra thị trường gồm 2 loại chính là trà mộc và trà ướp hoa với giá bán trên 500.000 đồng/kg... riêng loại trà cao cấp nhất có giá tới 15 triệu đồng/kg.
“Mô hình của anh Sơn được nhiều thanh niên tìm đến để học hỏi kinh nghiệm, lan tỏa được phong trào thanh niên trẻ, khỏe lập nghiệp. Ngoài ra, các hộ trồng chè theo hướng hữu cơ ở địa phương đã liên kết bán chè tươi cho Hải làm thành phẩm chè khô xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao...”, ông Mùng Văn Dung, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng nhận xét.
Bằng kiến thức và sức trẻ khởi nghiệp ngay tại quê hương, mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng, anh Lê Sơn Hải luôn mong muốn sản phẩm trà Tân Cương đến được nhiều hơn với người tiêu dùng, khẳng định danh hiệu “đệ nhất trà”; để sự tinh túy, cái hồn của trà Tân Cương góp phần làm nên nét đẹp và đem giá trị trà Việt đi khắp bốn phương./.
https://vov.vn/kinh-te/khan-goi-ve-que-trong-che-chang-thanh-nien-9x-khoi-nghiep-thanh-cong-post1008792.vov - theo vov.vn