Iran có “đòn bẩy” để gây sức ép với chính quyền Biden trên bàn đàm phán

12:55 19-11-2020

VOV.VN - Iran có thể yêu cầu một “mức giá cao hơn” để quay lại thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc đề nghị Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được áp đặt dưới thời chính quyền ông Trump.

Ông Joe Biden từng cam kết đưa Mỹ nhanh chóng tái tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, với điều kiện Tehran phải tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, song giới phân tích cho rằng, đây sẽ là điều “dễ nói nhưng khó làm”.


IAEA xác nhận Iran làm giàu uranium vượt giới hạn trong JCPOA. (Nguồn: AP)
Mặc dù cam kết của ông Biden có thể làm hài lòng các quốc gia khác từng tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, nhưng việc quay trở lại thỏa thuận dường như rất khó khăn và phức tạp do những biến động về tình hình chính trị của Mỹ và Iran ở thời điểm hiện tại.

“Đòn bẩy” của Iran

Tổng thống Trump đang đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Iran và tăng cường bán vũ khí cho những quốc gia đối đầu với Tehran trong khu vực, dù ông được cho là đang ở giai đoạn cuối cùng của nhiệm kỳ. Tuần trước, ông Trump hỏi các cố vấn của ông về phương án tấn công quân sự vào Iran, nhưng các cố vấn đã thuyết phục ông từ bỏ phương án này với lập luận, một cuộc tấn công vào Iran có thể nhanh chóng dẫn đến cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn trong khu vực. Chính quyền ông Biden được cho là theo đuổi cách tiếp cận khác đối với Iran, nhưng họ sẽ khó đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm.

Về phần mình, Iran có thể yêu cầu một “mức giá cao hơn” để quay lại thỏa thuận, trong đó có việc đề nghị Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được áp đặt dưới thời chính quyền ông Trump và bồi thường hàng tỷ USD để đền bù thiệt hại cho quốc gia này. Đây là những đòi hỏi mà ông Biden rất khó đáp ứng, đặc biệt nếu có sự phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội.

Iran có một số đòn bẩy. Khi ông Trump lên nắm quyền, Tehran chỉ có khoảng 102 kg uranium đã làm giàu vì việc sản xuất bị hạn chế theo các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức). Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran tuyên bố không còn bị ràng buộc và nối lại hoạt động làm giàu với cấp độ cao hơn. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tuần trước cho biết, Iran hiện giờ có hơn 2.440kg uranium làm giàu, nhiều gấp 8 lần so với giới hạn được đặt ra theo thỏa thuận năm 2015. Giới quan sát cho rằng, với đà sản xuất này, trong vòng chưa đầy 1 năm nữa, Iran sẽ có đủ năng lực để chế tạo vũ khí hạt nhân. Cho đến nay, Tehran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình hoàn toàn vì mục đích hòa bình theo đúng các quy định của IAEA.

Còn nhớ khi tiến hành vận động tranh cử, ông Biden đã coi quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Trump là hành vi “liều lĩnh”, đồng thời cho rằng điều này chỉ khiến Mỹ chứ không phải Iran bị cô lập.

Trong một bài bình luận trên CNN hồi tháng 9, ông Biden nói: “Tôi sẽ cung cấp cho Tehran một đường hướng đáng tin cậy để quay trở lại biện pháp ngoại giao. Nếu Iran tuân thủ lại các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, Mỹ sẽ tái tham gia thỏa thuận này, tạo bước khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiếp theo”.

Sau khi ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, Tổng thống Rouhani đã hoan nghênh sáng kiến này, cho đây là “cơ hội” để Mỹ “bồi thường những sai lầm trước đó và trở lại con đường tuân thủ các cam kết quốc tế”.

Tình huống khó khăn trên bàn đàm phán

Chuyên gia Robert Einhorn tại Viện Brookings – người từng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân đánh giá, việc lựa chọn từ “bồi thường” không phải là ngẫu nhiên. Iran cho biết nước này muốn Washington trả hàng tỷ USD để bồi thường cho những thiệt hại kinh tế mà Iran phải gánh chịu khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt mà họ đã dỡ bỏ.

Kể từ thời điểm đó, chính quyền ông Trump đã liêp tiếp gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Chiến lược gây sức ép tối đa này đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Iran nhưng lại thất bại trong việc đưa Iran đến bàn đàm phán hoặc cắt giảm sự can dự của quốc gia này tại Iraq, Syria và Lebanon.

Chính quyền ông Trump đã cố gắng ngăn chặn sự hỗ trợ của Iran dành cho các lực lượng dân quân ủy nhiệm tại những quốc gia nói trên, bán nhiều vũ khí hiện đại hơn cho một số quốc gia Arab tại vùng Vịnh vốn xem Tehran như “kẻ thù”, trong đó phải kể đến việc chuyển giao nhiều máy bay chiến đấu F-35 cho Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Một số ý kiến cho rằng ông Trump có thể thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay hơn, thậm chí thực hiện hành động quân sự mà nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ từ Israel, Ai Cập và nhiều đồng minh vùng Vịnh của Mỹ.

Mark Dubowitz, giám đốc điều hành Quỹ vì Phòng thủ của các nền dân chủ (FDD, có trụ sở tại Mỹ) - người ủng hộ lâu dài cho chính sách cứng rắn đối với Iran cho biết: “Tôi không nghĩ rằng chính quyền ông Trump đã kết thúc vấn đề Iran. Trong hai tháng tới họ sẽ thực hiện mọi nỗ lực để đối phó với Iran, vì biết rằng sau tháng 1/2021, Mỹ có thể đưa ra một chính sách rất khác biệt với quốc gia này”.

Chuyên gia Einhorn nhận xét, các nhà đàm phán Iran hiểu rõ Mỹ sẽ không bao giờ bồi thường tài chính cho nước này, nhưng “Iran có thể đặt ra tình huống đàm phán khó khăn đặc biệt khi quốc gia Hồi giáo này chuẩn bị tiến hành bầu cử vào tháng 6 tới”. Theo chuyên gia Einhorn, Iran sẽ không chỉ yêu cầu dỡ Mỹ bỏ lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân mà còn liên quan đến việc phát triển tên lửa đạn đạo hay hỗ trợ các lực lượng dân quân. Đây là điều mà chính quyền ông Biden sẽ khó thực hiện về mặt chính trị và kỹ thuật.

Ông Einhorn cho rằng, trong thời gian tái tham gia thỏa thuận hạt nhân, các bên nên xây dựng một thỏa thuận tạm thời, theo đó, Iran cần hạn chế phát triển năng lực hạt nhân đổi lấy việc được giảm bớt các biện pháp trừng phạt. Thỏa thuận cũng cần trao cho Iran quyền tiếp cận với một số nguồn thu từ dầu mỏ hiện đã bị phong tỏa tại nhiều ngân hàng ở nước ngoài. Iran có thể hoan nghênh một thỏa thuận tạm thời như vậy nếu nó giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là trước cuộc bầu cử vào giữa tháng 6/2021.

Tuy nhiên, do quá trình chuyển giao quyền lực tại Mỹ vẫn chưa được tiến hành vì Tổng thống Trump không công nhận kết quả bầu cử và từ chối hợp tác với ông Biden, việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao phụ trách vấn đề đối ngoại trong chính quyền mới có thể bị chậm trễ. Do vậy, sẽ khó xây dựng nhanh chóng một thỏa thuận tạm thời giữa Iran và Mỹ khi ông Biden lên nắm quyền.


Tổng thống Mỹ Trump cân nhắc giải pháp quân sự tấn công Iran?
Iran nhìn thấy triển vọng mới ở chính quyền Biden?

Ellie Geranmayeh, chuyên gia về Iran của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, cho biết, bất chấp chiến dịch gây sức ép tối đa của ông Trump, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei vẫn không muốn từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân và luôn để ngỏ cánh cửa cho Mỹ quay trở lại. Iran đã bác bỏ việc tiến hành bất cứ cuộc đàm phán phán với chính quyền ông Trump, nhưng với chính quyền Biden thì khác.

Lãnh tụ Ayatollah Ali Khamenei đã “bật đèn xanh” cho Thủ tướng Rouhani gửi thông điệp tới chính quyền Biden để bày tỏ việc Iran mong muốn Washington quay trở lại thỏa thuận, bà Ellie Geranmayeh nhận xét. Song nhà phân tích này lưu ý, “các đối thủ cứng rắn của ông Rouhani sẽ không muốn ông ấy giành được chiến thắng này trước cuộc bầu cử vào tháng 6 và họ sẽ tìm cách ngăn cản, giống như những gì đảng Cộng hòa đã làm với ông Biden”.

Ông Biden có thể nhanh chóng dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt liên quan đến các hoạt động hạt nhân của Iran và thông qua nhiều quy chế miễn trừ, cho phép Iran bán dầu mỏ. Ông cũng có thể nới lỏng hạn chế đi lại cho các công dân Iran hay dỡ bỏ trừng phạt với một số quan chức cấp cao của Iran, chẳng hạn như Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif – nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt liên quan vấn đề chống khủng bố và nhân quyền, chẳng hạn như lệnh trừng phạt nhằm vào Các lực lượng vũ trang cách mạng Iran (IRGC) sẽ rất khó dỡ bỏ vì chúng được sự ủng hộ của nhiều thành viên trong đảng Dân chủ.

Chuyên gia Geranmayeh cho rằng Iran sẽ kiên quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Iran để Tehran có thể tiếp cận với hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Tehran cho biết, nếu thỏa thuận hạt nhân Iran được thiết lập lại, nước này sẵn sàng đàm phán về các vấn đề khác, đặc biệt là tình hình Iraq và Syria. Duy chỉ có chương trình tên lửa đạn đạo là Iran không muốn đặt lên trên bàn đàm phán.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei từng ủng hộ thỏa thuận hạt nhân vì thỏa thuận này hứa hẹn mang lại cho Iran nhiều lợi ích kinh tế đáng kể từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng sau khi chính quyền tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận này, sự hoài nghi của ông đối với Mỹ đã gia tăng.

Trong bối cảnh Mỹ sắp có nhà lãnh đạo mới, ông Ayatollah Khamenei một lần nữa nhìn thấy triển vọng nới lỏng gọng kìm siết chặt nền kinh tế của nước này.

Nhà phân tích Karim Sadjadpour của Trung tâm Carnegie Endowment viết: “Chính quyền ông Biden vừa đặt ra những cơ hội cũng như thách thức đối với Tehran. Cơ hội là sự cải thiện nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn; thách thức là Tehran sẽ không còn có thể nhắc đến Tổng thống Donald Trump như một cái cớ để biện minh cho những sai lầm trong chính sách của nước này ”./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/iran-co-don-bay-de-gay-suc-ep-voi-chinh-quyen-biden-tren-ban-dam-phan-818441.vov - theo vov.vn