Indonesia kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông

09:33 01-06-2020

VOV.VN - Nước này nhấn mạnh, “đường chín đoạn” của Trung Quốc là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm UNCLOS năm 1982 thông qua công hàm gửi lên LHQ.

Nối tiếp các bước đi ngoại giao gần đây của các quốc gia thành viên ASEAN liên quan đến việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia một lần nữa khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh, “đường chín đoạn” của Trung Quốc là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm UNCLOS năm 1982 thông qua công hàm gửi lên Liên hợp quốc. Hành động này của Indonesia thể hiện chính sách nhất quán của quốc gia vạn đảo đối với vấn đề Biển Đông.


Tổng thống Indonesia thị sát tàu chiến tại vùng biển Natuna tháng 1 năm 2020 (Nguồn: tribunnews)
Công hàm bác bỏ "đường chín đoạn" gửi Liên hợp quốc
Trong công hàm gửi Tổng thư ký LHQ António Guterres ngày 26/5, Indonesia đã nêu rõ sự ủng hộ của chính phủ nước này đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực ở La Hay, khi tòa án đứng về phía Philippines trong vụ kiện về lãnh thổ với Trung Quốc. Công hàm tái khẳng định “yêu sách của Trung Quốc về “đường chín đoạn” là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”.
Công hàm của phía Indonesia cũng nhấn mạnh nước này đã nhất quán trong việc thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và phản đối các yêu sách trái với luật pháp quốc tế.
Phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên hợp quốc đưa ra công hàm trên để bày tỏ quan điểm trước 3 công hàm của Trung Quốc bao gồm: Công hàm ngày 12/12/2019 của Trung Quốc phản đối bản đệ trình thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia; Công hàm ngày 23/3/2020 của Trung Quốc phản đối tuyên bố của Philippines; Công hàm ngày 17/4/2020 về quan điểm của Trung Quốc đối với bản đệ trình chung thềm lục địa mở rộng vượt ngoài 200 hải lý của Malaysia và Việt Nam.
Đây không phải là hành động “hiếm có” của Indonesia
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Teuku Faizasyah nhấn mạnh, chính phủ Indonesia đưa ra công hàm này vì nhận thấy yêu sách của Trung Quốc đối với Vùng đặc quyền kinh tế Indonesia dựa trên "đường chín đoạn" mà nước này vẽ ra. Ông Teuku Faizasyah cho rằng "Chúng ta không thể biết được mục đích của Trung Quốc là gì khi đưa ra “đường chín đoạn” mà có khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến Indonesia. Do đó, điều cần làm là khẳng định lập trường của Indonesia một cách công khai cho thế giới”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia cũng nhấn mạnh, việc Indonesia gửi công hàm lên Liên hợp quốc không phải là bước đi "hiếm có" của nước này. Bởi năm 2010, Indonesia đã từng gửi công hàm tương tự lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc.
Vào đầu tháng 1/2019, trước việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm bất hợp pháp vào vùng biển Natuna và Bắc Kinh lớn tiếng khẳng định chủ quyền ở khu vực Biển Đông, Bộ ngoại giao Indonesia đã gửi công hàm và triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để phản đối và tuyên bố không công nhận "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đề ra. Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định, lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, những tuyên bố về chủ quyền một cách "đơn phương" của Trung Quốc trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận.

Tân Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono chỉ huy chiến dịch quân sự tuần tra vùng biển Bắc Natuna ngày 28/5/2020 (Nguồn: Tirto)
Tiếp đó vào đầu tháng 5 năm nay, Ngoại trưởng Indonesia đã bày tỏ quan ngại về việc, trong khi cả thế giới đang đối phó với dịch Covid-19 thì Trung Quốc liên tục có những hành vi vi phạm chủ quyền trên Biển Đông. Đặc biệt vào ngày 18/4, nước này lại có hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam khi Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo, Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "Quận Tây Sa" và "Quận Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam và ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, điều này bao gồm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, khuyến khích tất cả các bên tôn trọng luật hàng hải quốc tế, đặc biệt là công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Nữ Ngoại trưởng Indonesia cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế các hành động làm xói mòn lòng tin và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Theo bà, tình hình có lợi trên Biển Đông có thể hỗ trợ cho quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vốn đang bị tạm hoãn do đại dịch toàn cầu.
Gần đây nhất, ngày 26/5, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, ông Mahfud M.D đã yêu cầu các tân Tham mưu trưởng Hải quân và Không quân Indonesia, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong bối cảnh diễn ra các tranh chấp với Trung Quốc ở vùng biển Bắc Natuna.

Theo đó, tuần cuối tháng 5, Tân Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono sử dụng Hệ thống Vũ khí hạm đội tích hợp, trong đó huy động máy bay quân sự, máy bay Boeing và tàu quân sự để tuần tra an ninh hàng hải trên vùng biển Bắc Natuna, vùng biển thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm chủ quyền lãnh thổ và đảm bảo luật pháp quốc tế được thực thi cũng như ngăn chặn sự hiện diện của các tàu quân sự nước ngoài trên vùng biển này của Indonesia.
Nhận định của chuyên gia
Từ Washington, ông Gregory Poling, Giám đốc Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, hành động lần này của Indonesia đã mở ra một con đường mới. Công hàm của Indonesia là phản ứng mới nhất trong số những công hàm của các Quốc gia ASEAN và Trung Quốc gửi cho Liên Hợp quốc sau công hàm của Malaysia hồi tháng 12/2019 về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với thềm lục địa trên Biển Đông.

Ông Gregory Poling cho biết, “các quan chức Jakarta đã thúc đẩy điều này trong 4 năm và dường như họ đã thắng vì lo ngại chính trị đối với Trung Quốc. Lần đầu tiên một quốc gia Đông Nam Á láng giềng của Philippines đứng lên và kiên quyết ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bằng công hàm”.
Từ trong nước, chuyên gia quan hệ quốc tế từ Đại học Indonesia (UI), ông Hikmahanto Juwana, nhận định, chiến lược này của Indonesia là rất tốt để truyền đạt quan điểm tới Liên hợp quốc mà không nhất thiết phải nhận được phản hồi từ Trung Quốc. Theo ông, “lâu nay Trung Quốc luôn nói rằng không cần lo lắng vì Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền của Indonesia nhưng vấn đề không phải là chủ quyền mà là quyền chủ quyền”.

Trong khi đó, Nhà nghiên cứu luật biển quốc tế từ Đại học Gadjah Mada (UGM) Indonesia, ông I Made Andi Arsana cho rằng, thái độ của Indonesia từ trước đến nay luôn kiên quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông, hiện đã được tuyên bố rõ ràng với Liên hợp quốc. Việc gửi công hàm này thể hiện quan điểm nhất quán và kiên quyết quyết của Indonesia và đại diện cho nhiều bên trong đó có các quốc gia cũng đang gặp phải rắc rối bởi thuật ngữ "đường chín đoạn" do Trung Quốc khởi xướng./.

https://vov.vn/the-gioi/indonesia-kien-quyet-bac-bo-yeu-sach-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-1054428.vov - theo vov.vn