Học viện BKCAD “gắn mác” Bách khoa, mạo danh liên kết với ĐH lớn để “lừa” tuyển sinh?
07:24 19-07-2021
VOV.VN - Không phải trường cao đẳng, cũng không phải đại học, nhưng Học viện Công nghệ BKCAD – thuộc hệ thống doanh nghiệp của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội lại hứa hẹn có thể giúp sinh viên học “chuyển tiếp” và được nhận bằng các trường “hot” như ĐH Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương...
Phản ánh tới Báo điện tử VOV, nhiều phụ huynh cho biết, mới đây đã xác nhận nhập học và nộp học phí tại Học viện Công nghệ BKCAD – trực thuộc ĐH Bách Khoa Hà Nội do cùng đào tạo ngành công nghệ thông tin, nhưng điều kiện tuyển sinh đầu vào lại thấp hơn nhiều so với hệ chính quy thuộc ĐH Bách khoa. Dù vậy, sinh viên vẫn có thể nhận bằng tốt nghiệp do ĐH Bách Khoa Hà Nội cấp. Nhưng khi liên hệ lại với ĐH Bách khoa Hà Nội để tư vấn tuyển sinh lại nhận được thông tin không hề có chuyện sinh viên tại BKCAD sẽ được học liên thông và nhận bằng của ĐH Bách khoa Hà Nội cấp.
Để làm rõ thông tin này, trong vai phụ huynh tìm đến Học viện BKCAD có địa chỉ tại 17 Tạ Quang Bửu, Hà Nội để đăng ký học cho con em, phóng viên được một cán bộ tư vấn tuyển sinh tên Thanh, giới thiệu là Trưởng phòng Tuyển sinh của Học viện Công nghệ BKCAD trực tiếp tư vấn.
Học viện Công nghệ BKCAD trực thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tại đây, người tự giới thiệu là Trưởng phòng Tuyển sinh cho biết, Học viện thuộc hệ thống doanh nghiệp của ĐH Bách khoa Hà Nội, đào tạo theo phương thức dạy đến đâu thực hành đến đó.
“Nếu học lý thuyết thì 100 em, có khi đến 200 em học kiểu cưỡi ngựa xem hoa, còn tại đây, mỗi buổi học đều được học thuyết trình về sản phẩm. Kết thúc giai đoạn 1, sau 3 năm học, sinh viên sẽ được nhận bằng quốc tế Higher National Diploma do Anh quốc cấp (Btec education) – BTEC level 3 cùng chứng chỉ hoàn thành khóa học đào tạo chuyên gia quốc tế. Bằng bên Anh quốc cấp tương đương với bằng cao đẳng và có giá trị toàn cầu. Tức là sau khi kết thúc 3 năm học tại BKCAD, sinh viên nhận đồng thời cả văn bằng và chứng chỉ.
Sau đó sinh viên có thể chọn dừng lại để đi làm ngay, hoặc học tiếp giai đoạn 2 thêm 1 năm rưỡi nữa, nhưng có đến 70% sinh viên chọn học tiếp. Học viện sẽ chuyển tiếp các em sang học tại tất cả các trường đại học trong nước theo quy định của Bộ GD-ĐT, không cần phải thi và vẫn nhận bằng cử nhân từ những trường đại học sau khi chuyển tiếp”, cô Thanh tư vấn.
Khi phóng viên hỏi lại rằng, trường sẽ chuyển tiếp bằng cách nào, liệu bằng đại học sau 1 năm rưỡi chuyển tiếp đó có hợp lệ hay không, vị này khẳng định, sinh viên chỉ cần nộp hồ sơ, học viện sẽ hỗ trợ chuyển tiếp, tìm hiểu tất cả các trường cho sinh viên. “Trường nào sẽ chuyển tiếp được, bên mình sẽ gặp trực tiếp lãnh đạo bên đó, sinh viên không phải tự đi, chỉ cần chuyển hồ sơ cho phòng tuyển sinh của Học viện. Thời điểm đó, học viên có thể chuyển sang ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương theo học bằng cao hơn, sang Kinh tế quốc dân”, vị này nhấn mạnh.
Người tự xưng là Trưởng phòng tuyển sinh của BKCAD cũng nói thêm rằng, khi học thêm 1 năm rưỡi, sinh viên sẽ theo học theo chương trình “liên thông, chuyển tiếp, học cùng các sinh viên học văn bằng 2 của các trường đại học… Tuy phương pháp đào tạo khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn sẽ nhận bằng đại học như nhau”.
Khi phóng viên thắc mắc rằng, sinh viên không có bằng cao đẳng, thì sẽ liên thông lên đại học thế nào, vị này giải thích, bằng sinh viên nhận được sau 3 năm tại BKCAD là “bằng cao đẳng quốc tế, thậm chí còn cao hơn, thì có lý do gì không thể liên thông”?
Tiếp tục tư vấn về hướng thứ 2, nếu không chọn học đại học trong nước, vị này cho biết, sau khi kết thúc 3 năm tại BKACD, sinh viên có thể đi du học và chỉ mất thêm 1 năm rưỡi nữa để nhận thẳng bằng Thạc sỹ tại Anh. Như vậy, nếu giai đoạn 2 sinh viên chọn đi du học, trong vòng 4,5 năm, các em có thể được nhận thẳng bằng thạc sỹ tại Anh.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều phụ huynh khác đến BKCAD cũng nhận được những tư vấn tương tự.
Chị Nguyễn Thanh Hoa (tên phụ huynh đã được thay đổi) cho biết, đã nộp 10 triệu để xác nhận nhập học cho con tại BKCAD, nhưng sau khi về tìm hiểu lại các quy định về tuyển sinh và đào tạo đại học, chị không khỏi hoang mang lo lắng về vấn đề đào tạo và bằng cấp sẽ nhận sau khi ra trường.
Chị Hoa cho hay, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa diễn ra, gia đình chị đã nhận được thông báo con trúng tuyển vào Học viện BKCAD thông qua 1 bài thi đánh giá năng lực mà trước đó Học viện này đã về tận trường THPT con học để tổ chức.
Phụ huynh này cho hay, chị cũng nhận được những tư vấn tương tự như trên, rằng sau 3 năm học tại Học viện, con có thể học chuyển tiếp lên đại học và chắn chắn sẽ có thể nhận bằng của ĐH Bách khoa Hà Nội. Vì thuộc hệ doanh nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội, là hệ quốc tế, nên sinh viên sẽ được học song bằng.
“Tôi thấy việc tuyển sinh dễ bất thường, nhưng vì muốn tìm một trường vừa sức cho con theo học ngành công nghệ thông tin, lại thấy thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhân viên tư vấn cũng đưa cả bằng tốt nghiệp và đồng phục của ĐH Bách khoa Hà Nội cho tôi xem tận mắt để làm bằng chứng, nên tôi đã đồng ý nhập học.
Nhân viên tại trường cũng tư vấn, nếu không xác nhận nhập học ngay, đợi khi có điểm thi tốt nghiệp THPT trường sẽ chuyển sang xét tuyển bằng điểm thi này và điểm chuẩn có thể sẽ rất cao. Nếu con thi dưới 25 điểm thì rất khó đỗ. Vì biết thực lực của con mình không thể đạt được mức điểm đó, nên gia đình quyết định nộp học phí 10 triệu như yêu cầu”, chị Hoa cho hay.
Đến giờ, dù tiền đã đóng, hồ sơ cũng đã nộp, nhưng chị Hoa vẫn mông lung về thông tin nơi con mình sẽ theo học – Học viện Công nghệ BKCAD.
Để làm rõ thực hư một Học viện trực thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội lại có khả năng giúp sinh viên học chuyển tiếp lên đại học ở rất nhiều trường danh tiếng mà không cần thi đầu vào, phóng viên đã liên hệ với ĐH Ngoại thương Hà Nội – trường được BKCAD khẳng định là học viên có thể học chuyển tiếp. Tại đây, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Ngoại thương khẳng định, hệ đào tạo đại học chính quy của trường không hề có hợp tác với Học viện BKCAD, để trở thành sinh viên ĐH Ngoại thương, buộc thí sinh phải trải tuân theo các phương thức tuyển sinh như trường quy định.
Đối với hệ tại chức của ĐH Ngoại thương cũng xác nhận không có việc hợp tác hay đào tạo liên kết với Học viện Công nghệ BKCAD.
GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng khẳng định trường này không có bất kỳ liên kết đào tạo nào với Học viện BKCAD của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân khẳng định, để nhận bằng của ĐH Kinh tế quốc dân, buộc phải là sinh viên được tuyển sinh theo đúng quy định của trường. Bên cạnh đó, vị này cũng khẳng định trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng không còn hệ liên thông từ cao đẳng lên đại học. Do đó, khẳng định thông tin sinh viên BKCAD có thể học chuyển tiếp và nhận bằng tại ĐH Kinh tế quốc dân cấp là hoàn toàn sai.
ĐH Bách khoa Hà Nội thừa nhận BKCAD tư vấn sai
Trao đổi với VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thừa nhận, thông tin sinh viên học tại BKCAD được học chuyển tiếp sang hệ đại học của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng như nhiều trường ĐH lớn khác là hoàn toàn sai.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định BKCAD không có chức năng liên kết đào tạo để cấp bằng đại học. (Ảnh: KT)
“Thông tin này sai, nhân viên tư vấn cũng đã phải làm tường trình. BKCAD là trung tâm đào tạo nghề được cấp chứng chỉ, được liên kết với các học viện về đào tạo nghề khác của quốc tế, cấp chứng chỉ chứ không được cấp bằng đại học hay cao đẳng. Tuy nhiên quá trình tuyển sinh lại tư vấn mập mờ khiến phụ huynh hiểu nhầm. Còn chuyện lấy bằng đại học của Bách khoa thì tuyệt đối không bao giờ có. Hiện nay, theo quy định, có 2 loại đào tạo, được cấp chứng chỉ hoặc được cấp bằng. Những trường cao đẳng, đại học được công nhận về mặt pháp lý mới được cấp bằng. Một trung tâm dạy nghề thì không thể cấp được bằng, họ cũng không có quyền được liên kết đào tạo”, ông Điền cho biết.
Trước câu hỏi rằng, ĐH Bách khoa Hà Nội có biết việc Học viện BKCAD đang sử dụng danh tiếng của chính “cha đẻ” cũng như nhiều trường đại học lớn khác để “đánh lừa” thí sinh, ông Điền cho biết, BKCAD là hệ thống doanh nghiệp của ĐH Bách khoa Hà Nội, đào tạo và hoạt động độc lập với ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian qua, Học viện này vẫn sử dụng hình ảnh, danh tiếng của ĐH Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh.
“ĐH Bách khoa Hà Nội đã phải giải thích rất nhiều lần với dư luận. Bộ phận tuyển sinh cũng đã phải tường trình, công an vào cuộc điều tra. Trong thời gian tới, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ phải vào cuộc, đổi lại chữ “Học viện” trong tên của đơn vị này để tránh hiểu nhầm và xây dựng lại cơ chế đào tạo đúng đắn, chỉ được đào tạo nghề. Bộ phận tư vấn tuyển sinh vi phạm chúng tôi cũng sẽ không cho làm nữa”, ông Điền nói.
Việc bất chấp quy định, tư vấn tuyển sinh theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” tại các cơ sở đào tạo ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mỗi học sinh, sinh viên. Liệu các cơ sở này không biết, hay cố tình vi phạm, vì đâu vẫn ngang nhiên “đánh lừa” phụ huynh và thí sinh? Trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý ở đâu? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những nội dung này./.
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hoc-vien-bkcad-gan-mac-bach-khoa-mao-danh-lien-ket-voi-dh-lon-de-lua-tuyen-sinh-874757.vov - theo vov.vn