Hòa Bình: Chính quyền xã ra quyết định “lạ kỳ” làm khó doanh nghiệp

10:45 08-06-2020

VOV.VN - Lãnh đạo một số xã ở huyện Đà Bắc đã ra những quyết định “lạ kỳ” không cho doanh nghiệp vào thực hiện dự án đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt.

Xã Mường Chiềng không nắm được dự án UBND tỉnh phê duyệt
Công ty TNHH MTV D&G Hòa Bình (Công ty D&G Hòa Bình) là đơn vị thực hiện dự án trồng rừng tại huyện Cao Phong và Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình. Năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 25121000145 Dự án trồng rừng nguyên liệu - keo tai tượng tại 6 xã của huyện Đà Bắc. Diện tích đất sử dụng 2.250 ha.

Tại xã Mường Chiềng (huyện Đà Bắc) năm 2016, Công ty D&G Hòa Bình thông báo việc triển khai bảo vệ khu khoanh nuôi rừng tái sinh tự nhiên, làm đường ranh cản lửa khu vực đất với diện tích 176,5 ha tại xóm Bản Hạ theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hòa Bình.

Tuy nhiên, UBND xã Mường Chiềng lại trả lời Công ty D&G Hòa Bình bằng văn bản số 12 năm 2016 nêu rõ: “UBND xã Mường Chiềng kiểm tra, rà soát lại các văn bản lưu trữ từ năm 2009 đến nay không có văn bản nào về việc cho Công ty TNHH MTV D&G Hòa Bình hợp đồng thuê đất lâm nghiệp sản xuất”.


Khu vực triển khai dự án trên xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Cũng tại văn bản số 12 của UBND xã Mường Chiềng khẳng định: “UBND xã Mường Chiềng hoàn toàn không đồng ý cho công ty đầu tư”.

Với văn bản không đồng ý cho công ty triển khai dự án của UBND xã Mường Chiềng thì đi ngược lại và phủ nhận hết những quyết định của tỉnh Hòa Bình, huyện Đà Bắc và chính xã Mường Chiềng trước đây. Khi dự án trồng rừng được tỉnh Hòa Bình phê duyệt năm 2009, có quyết định thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất. Trong đó, thu hồi diện tích đất tại xã Mường Chiềng là 1.765.320,2 m2.

Với dự án trồng rừng tại xã Mường Chiềng đã được tỉnh Hòa Bình phê duyệt, ông Bùi Mạnh Hường, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: “Các giấy tờ hồ sơ sổ sách sẽ về thu thập để xem lại vì tôi cũng mới nhận công tác nên nhiều vấn đề chưa nắm được”.

Xã Tân Vinh ra lệnh đình chỉ thiếu căn cứ

Tại xã Tân Minh (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) Công ty D&G Hòa Bình đã triển khai trồng một chu trình năm 2010-2011. Đến năm 2018, Công ty D&G Hòa Bình bắt đầu đưa công nhân vào phát luống để trồng bổ sung khu vực thưa thớt chưa thành rừng.

Tuy nhiên, vào ngày 12/04/2018, ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh đã ra Lệnh đình chỉ số 01 về việc phát luống để trồng rừng của Công ty D&G Hòa Bình. Theo đó, ông Lại cho rằng, hoạt động phát luống đã xâm phạm vào khu vực rừng tái sinh trên địa bàn.


Ông Lường Văn Quý ở xóm Cò Phày, xã Tân Minh một trong những người dân địa phương được Công ty D&G Hòa Bình thuê thực hiện dự án cho biết: “Rừng tái sinh dân cũng hiểu biết không dám làm đâu, nếu phát vào rừng tái sinh thì là không đúng rồi nhưng đất này là đất của công ty trồng rừng thuê vào làm chỉ là cây bụi và phát luống để trồng bổ sung vào thôi”.

Còn anh Lường Văn Chương ở xã Tân Minh chia sẻ, làm tại dự án được công ty thuê mỗi ngày công 220.000 đồng, dự án trồng rừng mà triển khai người dân cũng có thêm thu nhập, giờ không biết bao giờ dự án mới được thực hiện.

Ông Lò Văn Lại Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết, doanh nghiệp sau khi tiến hành dự án trồng rừng từ năm 2010 đến năm 2011 nhiều diện tích cây bị chết, sau đó, một lớp cây rừng tái sinh tự nhiên mọc lên. Việc phát luống vào rừng tái sinh là không đúng quy định về bảo vệ và phát triển rừng nên ra lệnh đình chỉ.

Khi người dân địa phương là ông Lường Văn Quý dẫn chúng tôi vào khu vực có lệnh đình chỉ của UBND xã Tân Minh thì một phần diện tích là đất trống với một số cây cỏ dại.

Ngoài lệnh đình chỉ, UBND xã Tân Minh không đưa ra được bất kỳ biên bản hiện trường nào về việc xâm hại vào rừng tái sinh tự nhiên. Ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh còn thừa nhận: “Đây là diện tích đất của dự án, không phải khu vực rừng tự nhiên cần bảo vệ. Về biên bản tôi sẽ phải hỏi lại bộ phận chuyên môn xem có còn lưu trữ không”.

Lãnh đạo huyện Đà Bắc: “chính quyền cấp xã là không ổn”

Văn bản số 38 năm 2013 của chính UBND huyện Đà Bắc cho thấy, từ năm 2010, Công ty D&G Hòa Bình đã triển khai trồng rừng tại xã Tân Minh với diện tích là 300 ha. Năm 2011, triển khai trồng rừng tại xã Tân Minh với diện tích 200 ha theo kỹ thuật gieo hạt.


Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc.
Tuy nhiên, kế hoạch trồng rừng từ năm 2012 trên địa bàn 3 xã Mường Chiềng, Trung Thành, Tân Minh bị ảnh hưởng do vấn đề tài chính của công ty nên chưa thể thực hiện. Sau đó cả 3 xã đã đồng ý với phương án thực hiện dự án mới từ năm 2013.

Văn bản số 141 năm 2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cũng nêu rõ, tiến độ thực hiện dự án chậm hơn so với đăng ký nhưng do công ty gặp khó khăn về vốn. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên D&G Hòa Bình điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất trồng rừng và không được góp vốn hoặc chuyển đổi quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết, việc UBND xã Mường Chiềng ra văn bản không đồng ý cho doanh nghiệp đầu tư trồng rừng theo chủ trương của tỉnh Hòa Bình là do thay đổi thế hệ lãnh đạo nên không nắm được hồ sơ. Đối với dự án như thế này chắc chắn phải có hồ sơ giấy tờ từ tỉnh xuống huyện rồi tới các xã.

Các thế hệ lãnh đạo thay đổi liên tục, tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng “chính quyền cấp xã thế này là không ổn. Diện tích đất rừng đã giao cho doanh nghiệp thì không cấm được doanh nghiệp thực hiện trồng và khoanh nuôi. UBND huyện Đà Bắc sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương nhất là cấp xã, không thể chính quyền đương nhiệm bác bỏ việc làm trước đây, không có tính chuyển tiếp”.

UBND huyện Đà Bắc trước đã có báo cáo với UBND tỉnh chưa đưa ra quan điểm về dự án nhưng với tình hình thực tế diễn ra thì dự án phải tiếp tục triển khai, ông Tuấn cho biết thêm./.

https://vov.vn/kinh-te/dia-oc/hoa-binh-chinh-quyen-xa-ra-quyet-dinh-la-ky-lam-kho-doanh-nghiep-1057051.vov - theo vov.vn