Henry Kissinger nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử đối ngoại Mỹ
09:51 01-12-2023
VOV.VN - Henry Kissinger - cựu Ngoại trưởng, đồng thời là cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ - người trở thành một trong những nhà ngoại giao có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã qua đời ở tuổi 100.
Nhà ngoại giao có tầm ảnh hưởng và gây tranh cãi
Ông Kissinger qua đời tại nhà riêng ở Connecticut ngày 29/11, thông báo từ công ty tham vấn của ông - Kissinger Associates cho hay. Công ty này không nêu nguyên nhân cái chết của ông.
Ông Kissinger đã gắn với chính sách đối ngoại của Mỹ trong suốt những năm 1970. Ông đã được trao giải Nobel hòa bình vì những đóng góp cho cuộc đàm phán chấm dứt sự can dự của Mỹ tại Việt Nam.
Ông cũng được ghi nhận vì đã đóng góp vào tiến trình ngoại giao bí mật giữa Mỹ và Trung Quốc vào đầu những năm 1970, dẫn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước và chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972.
Tuy nhiên, ông bị chỉ trích vì liên quan đến việc Mỹ ném bom Campuchia và dẫn tới sự trỗi dậy của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cũng như việc ông ủng hộ cuộc đảo chính chống lại chính quyền dân chủ ở Chile.
Ngoài ra, ông Kissinger đã tiến hành chiến lược "ngoại giao con thoi" trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông. Hướng tiếp cận "hòa hoãn" (détente) của ông trong quan hệ Mỹ - Liên Xô cũng đã giúp làm giảm căng thẳng hai nước và dẫn đến một số thỏa thuận kiểm soát vũ khí.
Tuy nhiên, nhiều thành viên trong Quốc hội Mỹ phản đối kế hoạch bí mật của ông Kissinger và cựu Tổng thống Nixon trong chính sách đối ngoại, trong khi các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng ông đã phớt lờ nhân quyền ở các quốc gia khác.
Một số quan điểm cho rằng không có điều gì phức tạp hơn di sản của ông Kissinger trong Chiến tranh Việt Nam. Các quan điểm chỉ trích nhận định cựu Tổng thống Nixon và ông Kissinger đã leo thang chiến tranh không cần thiết.
Mặc dù thời kỳ ông Kissinger đóng vai trò như một "kiến trúc sư" của chính sách đối ngoại Mỹ đã suy giảm sau vụ bê bối Watergate nhưng ông vẫn là một nhân vật độc lập có tầm ảnh hưởng với những quan điểm về ngoại giao luôn nhận được sự chú ý.
"Để đàm phán, một bên phải hiểu được quan điểm của bên còn lại. Họ cũng phải hiểu quan điểm của chúng ta. Hai bên phải đi đến quyết định sẽ cố gắng hòa giải những khác biệt này", ông Kissinger nhận định với CNN.
Cuộc đời và sự nghiệp
Sinh ngày 27/5/1923 ở Furth, Đức, ông Kissinger - một người Do Thái, đã chạy trốn khỏi sự ngược đãi của phát xít Đức và đến Mỹ vào năm 1938.
"Khoảng một nửa những người cùng tôi đến trường và 13 thành viên trong gia đình tôi đã chết trong các trại tập trung", ông Kissinger nhớ lại.
Ông đã nhập quốc tịch Mỹ vào năm 1943 trước khi phục vụ trong Thế chiến II, sau đó lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Harvard và tiếp tục sự nghiệp giảng dạy. Ông cũng bắt đầu tham vấn cho Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc về các vấn đề an ninh quốc gia trước khi trở thành cố vấn an ninh quốc gia và sau này là ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Nixon.
Trong lễ tuyên thệ trở thành ngoại trưởng năm 1973, ông Kissinger đã gọi đây là một sự kiện "rất ý nghĩa" khi lần đầu tiên một "công dân nhập tịch trở thành ngoại trưởng Mỹ".
Vụ bê bối Watergate khiến Tổng thống Nixon phải từ chức hầu như không tác động đến ông Kissinger và ông vẫn tiếp tục giữ chức ngoại trưởng. Thư từ chức của ông Nixon đã được gửi thẳng tới địa chỉ của ông Kissinger. Hai người đã cầu nguyện cùng nhau vào đêm cuối cùng ông Nixon ở Nhà Trắng.
"Đêm cuối cùng đương nhiệm, ông ấy đã mời tôi tới phòng Lincoln - nơi chúng tôi từng cùng nhau hoạch định các chính sách đối ngoại", ông Kissinger cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CBS News năm 2012.
"Đây là một người đã dành cả cuộc đời mình để trở thành tổng thống và ông ấy đã vứt bỏ tất cả bằng chính hành động của mình. Khi tôi rời đi, ông ấy nói: ‘Tại sao chúng ta không cầu nguyện cùng nhau?’. Đó là một khoảnh khắc cảm động cho bi kịch sâu sắc trong cuộc đời một con người", ông Kissinger nói.
Di sản trong nền ngoại giao Mỹ
Hầu như rất ít nhà ngoại giao vừa được tôn vinh vừa bị chỉ trích như ông Kissinger. Được coi là ngoại trưởng quyền lực nhất trong thời kỳ hậu Thế chiến II, ông vừa là người đã định hình chính sách ngoại giao phản ánh những lợi ích của Mỹ, vừa bị chỉ trích vì đã từ bỏ những giá trị Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền.
Ông đã cố vấn cho 12 tổng thống từ thời Tổng thống John F. Kennedy tới thời Tổng thống Joe Biden. Với hiểu biết về lịch sử ngoại giao của một học giả, ông đã thay đổi gần như mọi mối quan hệ quốc tế mà ông "chạm" vào.
Vào thời kỳ quan trọng trong lịch sử ngoại giao của Mỹ, ông Kissinger là người có quyền lực thứ hai chỉ sau Tổng thống Richard M. Nixon. Ông tham gia vào chính quyền Tổng thống Nixon vào tháng 1/1969 với vai trò là cố vấn an ninh quốc gia và sau đó được bổ nhiệm làm ngoại trưởng năm 1973, giữ đồng thời cả 2 chức vụ. Khi ông Nixon từ chức, ông tiếp tục vai trò này dưới thời Tổng thống Gerald R. Ford. Những cuộc đàm phán bí mật của ông Kissinger với phía Trung Quốc đã mang đến thành quả chính sách đối ngoại nổi tiếng nhất của Tổng thống Nixon.
Trong hàng thập kỷ, ông vẫn là tiếng nói có trọng lượng nhất trong nỗ lực đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và những thách thức về kinh tế, quân sự cũng như công nghệ mà Bắc Kinh gây ra. Ông là người Mỹ duy nhất trao đổi với tất cả nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Chủ tịch Mao Trạch Đông tới Chủ tịch Tập Cận Bình. Vào tháng 7/2023, ở tuổi 100, ông đã gặp ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Ông đã kéo Liên Xô vào các cuộc đối thoại hòa hoãn để từ đó dẫn đến các hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng đầu tiên giữa hai quốc gia.
Sau khi rời Bộ Ngoại giao năm 1977, ông Kissinger trở thành một chuyên gia tham vấn các vấn đề quốc tế và đi nhiều nơi trên thế giới.
Ông từng có khoảng thời gian ngắn quay lại chính phủ liên bang năm 2002 khi Tổng thống George W. Bush chỉ định ông dẫn đầu một ủy ban điều tra các sự kiện dẫn đến cuộc tấn công khủng bố 11/9. Tuy nhiên ông Kissinger đã từ chức chỉ 1 tháng sau.
Những bài viết và tư vấn của ông về địa chính trị vẫn được cộng đồng chính sách đối ngoại ở Mỹ và nước ngoài tham khảo.
Năm 2016, ông đã trở thành tâm điểm cuộc tranh luận căng thẳng giữa hai ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton và Bernie Sanders.
"Tôi tự hào khi nói rằng Henry Kissinger không phải bạn tôi. Hãy coi tôi là một người sẽ không lắng nghe điều gì từ Henry Kissinger", ông Sanders nói với hàm ý công kích bà Clinton khi bà cho biết đã tìm tới những tham vấn của ông Kissinger khi bà là ngoại trưởng.
Những bình luận này đã cho thấy những khác biệt trong cách nhìn nhận di sản của ông Kissinger, thậm chí sau hàng thập kỷ ông rời nhiệm sở.
"Tôi đã có cơ hội làm những điều mà tôi tin tưởng. Tôi có thể thể hiện quan điểm của mình ở nhiều diễn đàn. Đương nhiên, có lẽ tôi sẽ không làm được gì nhiều nếu không có những quan điểm khác được bày tỏ một cách kịch liệt như vậy", ông Kissinger cho hay.
https://vov.vn/the-gioi/ho-so/henry-kissinger-nhan-vat-gay-tranh-cai-nhat-trong-lich-su-doi-ngoai-my-post1062603.vov - theo vov.vn