Hàng nghìn người "kiếm cơm" từ làng nghề gỗ hơn 400 năm tuổi ở Bắc Ninh

08:54 18-05-2023

VOV.VN - Trải qua hơn 400 năm phát triển và hội nhập, làng nghề gỗ Bình Cầu ở thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần mang lại những giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân tại địa phương.

Anh Đỗ Quang Hà, thôn Bình Cầu, xã Hoài Thượng, thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) sinh ra trong gia đình có truyền thống làm gỗ cho biết, nghề mộc ở thôn Bình Cầu đã có hơn 400 năm. Trước đây, nhờ khai thác được gỗ vùng ven sông nên người trong làng chủ yếu làm các sản phẩm gỗ đồ thờ.

Sau năm 1945, nghề bắt đầu mai một do ảnh hưởng của chiến tranh, bên cạnh đó, nhiều người phải đi làm kinh tế theo hướng khác để đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Tuy nhiên, cùng với tình yêu nghề, quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống, gia đình anh Hà là một trong số hộ vẫn quyết tâm gắn bó với sản phẩm mộc truyền thống và duy trì ổn định đến nay.

Theo anh Hà, trước đây, sản phẩm chính của làng gỗ Bình Cầu là những bộ hoành phi câu đối sơn thếp; đồ thờ cúng… được làm từ gỗ lim, gỗ dổi nhập ở các vùng lân cận. Gỗ nhập về sẽ được trải qua nhiều công đoạn như xẻ thành những tấm khác nhau, ngâm khoảng 30 ngày, sau đó sấy điện trong 3-4 ngày cho khô. Tiếp theo người thợ sẽ pha dọc các tấm gỗ, lên ý tưởng hoa văn để đục chạm, đánh giấy ráp rồi sơn và lắp ghép thành sản phẩm.

 

“Đặc trưng của sản phẩm gỗ Bình Cầu là nét đục chạm tinh xảo được sơn thếp trên chất liệu gỗ. Trong số các công đoạn làm gỗ, công đoạn lấy mực thước vẽ hoa văn sao cho sống động và sơn thếp để màu gỗ lên đẹp nhất là hai cộng đoạn quan trọng nhất. Cùng với những hoa văn xưa, người thợ trong làng còn sáng tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng, họa tiết sắc xảo với các kích thước khác nhau. Các hoa văn thường được sử dụng là bộ tứ linh, tùng cúc trúc mai, bầu rượu túi thơ miêu tả cảnh các quan triều đình thắng trận trở về được nhà Vua ban thưởng” - anh Hà chia sẻ.

Đặc biệt, mỗi hộ gia đình cũng có bí quyết riêng để sơn thếp cho ra các màu sắc độc đáo. Tất cả công đoạn tỉ mỉ ấy hòa quyện để tạo nên những sản gỗ đậm dấu ấn truyền thống nhưng phù hợp với kiến trúc của các không gian thờ tự thời hiện đại.

 

Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề Bình Cầu được chia ra thành nhiều phân khúc, gồm đồ gỗ để thờ cúng tổ tiên, làm nhà gỗ và bàn ghế gỗ gia dụng. Sản phẩm đặc biệt được ưa chuộng ở Bình Cầu chủ yếu là những dòng sản phẩm sơn thếp trên chất liệu gỗ, dựng nhà thờ, đình chùa, tượng phật, hoành phi câu đối… Nhờ sự phát triển của làng nghề, góp phần mang lại thu nhập, tạo việc làm cho người dân.

Với nhiều năm gìn giữ và phát triển làng nghề gỗ tại Bình Cầu, gia đình anh Đỗ Quang Hồng cho biết, gia đình đã đầu tư hệ thống nhà xưởng 500 m2 với hệ thống máy móc, trang thiết bị công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng vừa tiết kiệm được sức người, sức của và nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Hiện nay, xưởng gỗ của gia đình anh chủ yếu thi công nhà thờ. Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, mỗi người 1 ngày chỉ tiện được 1 cột nhà nhưng đến nay, nhờ áp dụng máy móc, mỗi ngày một người thợ tiện 5 cột, chất lượng sản phẩm nhẵn, bóng chất lượng hơn làm thủ công" - anh Hồng nói.

Nhờ uy tín, chất lượng sản phẩm của làng nghề, ngày nay khách hàng nhiều nơi trong cả nước đã tìm tới Bình Cầu đặt hàng ngày một đông hơn. Từ vài hộ giữ nghề, tới nay cả thôn Bình Cầu có hàng chục xưởng gỗ lớn, nhỏ. Mỗi năm, xưởng gỗ của anh Hồng tư vấn, thiết kế, thi công cho gần 10 công trình thờ tự, đồ thờ, cúng mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với tình yêu nghề, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, tháng 1/2020, gỗ mỹ nghệ của Bình Cầu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu tập thể này là công cụ quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của làng nghề.

Vì vậy, gia đình anh Hồng và các hộ làm nghề ở Bình Cầu luôn chú trọng chất lượng sản phẩm, trên cơ sở những nét đẹp truyền thống, cải tiến chất lượng, mẫu mã, đáp ứng thị hiếu của người khách hàng trong và ngoài nước… từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.

Tuy nhiên, làng nghề gỗ Bình Cầu vẫn chưa có đầu ra sản phẩm ổn định, chủ yếu là các hộ dân tự tìm đầu ra. Đây cũng là khó khăn lớn nhất của người dân làng nghề.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gỗ Bình Cầu, ông Hồ Văn Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Thượng, thị xã Thuận Thành cho biết, thời gian qua, địa phương đã khuyến khích người dân gìn giữ, phát triển làng nghề. Đặc biệt, địa phương đang lập hồ sơ gỗ Bình Cầu tham gia chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm).

Qua đó, tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời, có kế hoạch quy hoạch khu sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ làng nghề ra khu tập trung tạo điều kiện nhân dân có đất mở rộng sản xuất, tránh ô nhiễm môi trường; tạo điều kiện xác nhận cho người dân vay vốn mở rộng quy mô sản xuất… Việc xây dựng OCOP cho gỗ Bình Cầu góp phần hoàn thiện tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao./.

https://vov.vn/kinh-te/hang-nghin-nguoi-kiem-com-tu-lang-nghe-go-hon-400-nam-tuoi-o-bac-ninh-post1020675.vov - theo vov.vn