Hàng ngàn vụ tai nạn lao động mỗi năm: Doanh nghiệp khát nhân lực bảo hộ lao động

08:35 24-04-2023

VOV.VN - "An toàn để sản xuất- sản xuất phải đảm bảo an toàn” đó là phương châm gắn liền với sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, bộ phận bảo hộ lao động đóng vai trò không thể thiếu. Tuy nhiên hiện nay số lượng nguồn nhân lực ngành này vẫn đang rất khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Mỗi năm trên cả nước đều xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người, để lại tổn thất nặng nề cho gia đình và xã hội. Chỉ tính riêng năm 2022, cả nước đã xảy ra 7.718 vụ với 7.923 người bị tai nạn lao động. Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, thiệt hại sơ bộ do tai nạn lao động của năm 2022 là 14.385 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền này chưa tính tới tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là hơn 143.468 ngày.

Hệ lụy từ tai nạn lao động không chỉ là gánh nặng cho xã hội, cho doanh nghiệp mà trước hết, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, đời sống hàng ngày của chính họ và những người thân trong gia đình.

"An toàn để sản xuất- sản xuất phải đảm bảo an toàn” đó là phương châm gắn liền với sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, cũng bởi vậy mà bộ phận bảo hộ lao động tại các doanh nghiệp đóng vai trò không thể thiếu. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực bảo hộ lao động.

 

Doanh nghiệp “khát” nguồn tuyển…

TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần các cán bộ thực hiện, triển khai công tác an toàn và vệ sinh lao động, tùy theo quy mô và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Hiện nay cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp, trong đó có 200.000-300.000 doanh nghiệp sản xuất. Đây là những đối tượng cần có cán bộ có chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện các công việc theo quy định.

 

Đặc biệt, những doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động phải có cán bộ chuyên trách. Doanh nghiệp có quy mô từ 500-1000 người, cần phải có các phòng, ban về An toàn lao động với ít nhất là 2 cán bộ chuyên trách. Hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí, xây dựng, điện, hóa chất,... đã triển khai rất tốt vấn đề đảm bảo an toàn lao động. Nhiều doanh nghiệp có quy mô phòng an toàn lớn lên đến vài trăm người thực hiện công tác tham mưu, giám sát, thẩm tra, đánh giá các biện pháp đảm bảo an toàn trong lao động.

TS Nguyễn Anh Thơ cho rằng, thị trường lao động đang cần tuyển một lượng rất lớn nhân lực ngành bảo hộ lao động, song nguồn cung lại rất khan hiếm.

“Hiện nay cả nước mới chỉ có trường ĐH Công đoàn, ĐH Tôn Đức Thắng đào tạo cử nhân, kỹ sư chuyên ngành Bảo hộ lao động. Năm nay, khu vực phía Bắc có thêm trường ĐH Thủ đô Hà Nội đào tạo ngành Bảo hộ lao động. Như vậy số lượng cơ sở đào tạo chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ tiêu đào tạo hàng năm tại các trường hiện nay còn rất hạn chế.

Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết sinh viên theo học ngành Bảo hộ lao động tại các trường đại học đều có việc làm đúng chuyên môn. Nhiều doanh nghiệp đặt hàng các kỹ sư Bảo hộ lao động ngay từ những năm cuối đại học. Nhiều người theo học ngành môi trường cũng chuyển hướng sang làm cán bộ an toàn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn chuyên sâu, các cán bộ học đúng chuyên ngành có thể đáp ứng yêu cầu công việc tốt hơn”, TS Nguyễn Anh Thơ cho biết.

TS Đặng Xuân Trọng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kiểm định và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cũng cho biết, với quy mô của doanh nghiệp như hiện nay, thời gian tới, mỗi năm thị trường lao động có thể cần tới hàng ngàn kỹ sư chuyên ngành bảo hộ lao động mỗi năm đáp ứng nhu cầu thực tế tại các đơn vị sản xuất.

Đặc biệt, một số lĩnh vực có nguy cơ cao và tiểm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm như sản xuất công nghiệp như cơ khí, xây dựng, sản xuất, truyền tải điện, khai khoáng, dầu khí, điện tử, viễn thông, vật liệu, hoá chất, phân bón, công nghiệp phụ trợ,... đặc biệt các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài. Bên cạnh đó, tại các dự án, công trình trọng điểm quốc gia… cũng đều rất cần những người làm công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đồng thời phải tuân thủ bắt buộc ngày càng cao theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế và các hàng rào kỹ thuật đa phương.

“Mỗi năm công ty chúng tôi cũng liên tục tuyển dụng và đào tạo hàng chục kiểm định viên, người huấn luyện an toàn vệ sinh lao động từ chính đội ngũ kỹ sư ngành bảo hộ lao động được tốt nghiệp từ các trường đại học chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu trong công tác.

Tuy nhiên, hiện có rất ít trường đào tạo ngành bảo hộ lao động và chỉ tiêu cũng khiêm tốn, đa số các kỹ sư sau khi tốt nghiệp theo ngành sẽ công tác trong các cơ quan quản lý nhà nước như các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ LĐ-TB-XH và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Đối với doanh nghiệp sản xuất, thi công đang rất thiếu nhân lực ngành bảo hộ lao động nhưng lại khan hiếm nguồn tuyển.

Một số trường đại học khác có đào tạo nhưng lại đa ngành hoặc không chuyên trách an toàn lao động mà thiên về kỹ thuật môi trường. Hơn nữa để đi làm công tác an toàn lao động trong các doanh nghiệp lại rất cần những yêu cầu về thực tế, đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ… Hầu hết kỹ sư, cử nhân ra trường đều phải có thời gian học việc, tập việc và được đào tạo lại, đây cũng là khó khăn cho doanh nghiệp”, TS Đặng Xuân Trọng cho biết.

… Nhà trường “hẹp” nguồn cung

Doanh nghiệp “than” khó về nguồn tuyển dụng, còn tại các trường đại học cũng đang gặp khó về nguồn tuyển sinh ngành Bảo hộ lao động. Năm 2023 là năm đầu tiên trường ĐH Thủ đô Hà Nội tuyển sinh ngành Bảo hộ lao động, chuyên ngành Kỹ thuật An toàn, vệ sinh lao động. Chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 40 sinh viên, song TS Phan Trung Kiên, Trưởng khoa phụ trách đào tạo ngành Bảo hộ lao động cũng xác định, việc đạt chỉ tiêu đề ra không dễ dàng.

TS Phan Trung Kiên cho rằng, hiện nay đa số thí sinh có xu hướng lựa chọn những ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ, kinh tế, xã hội, nhiều ngành khối kỹ thuật dù cơ hội việc làm rất lớn, song lại khó tuyển sinh. Trong đó ngành Bảo hộ lao động cũng không nằm ngoài xu hướng chung.

 

“Không ít học sinh có tâm lý e ngại khi học những ngành kỹ thuật vì quá trình học và làm việc sẽ vất vả hơn những ngành khối kinh tế. Tuy nhiên thực tế nhu cầu thị trường lao động là rất lớn, tại các trường có đào tạo ngành Bảo hộ lao động, đa số sinh viên đều có việc làm trước khi tốt nghiệp”, TS Phan Trung Kiên cho biết.

Ngoài ra, theo TS Phan Trung Kiên, việc khan hiếm nhân lực ngành này cũng xuất phát từ việc ngành chưa có sự nhận diện xã hội tốt. Nếu như các ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng đã quá quen thuộc với thí sinh, thì ngành Bảo hộ lao động lại là cái tên khá xa lạ với phụ huynh và học sinh.

Từ những nhận định trên, các chuyên gia cho rằng, cần có sự đồng thuận, phối hợp thực hiện từ cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và trường học… Trong đó, cần đặc biệt chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp để thí sinh có góc nhìn toàn diện về nhu cầu cũng như cơ hội của các ngành nghề, đảm bảo sự phát triển cân bằng của thị trường lao động. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra việc làm tốt – đây là yếu tố then chốt giúp thu hút nguồn nhân lực./.

https://vov.vn/xa-hoi/hang-ngan-vu-tai-nan-lao-dong-moi-nam-doanh-nghiep-khat-nhan-luc-bao-ho-lao-dong-post1015463.vov - theo vov.vn