Hà Nội xử lý nghiêm các công trình chưa nghiệm thu PCCC đã “cố tình” đưa vào hoạt động
09:31 02-11-2021
VOV.VN - TP. Hà Nội yêu cầu làm rõ, xử nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình chung cư, nhà cao tầng. Xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về PCCC.
UBND huyện Sóc Sơn cho biết, vừa công khai danh sách các công trình đưa vào hoạt động chưa nghiệm thu về PCCC trên địa bàn, theo đó số cơ sở tồn tại vi phạm là 165 cơ sở, đáng chú ý trong số này có nhiều cơ sở giáo dục vi phạm như Trường Tiểu học Bắc Phú, Tân Dân A, THCS Tân Dân, Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc…. Các lỗi vi phạm chưa được khắc phục để nghiệm thu như: chiều cao công trình, chưa trang bị thiết bị, hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật có liên quan (chưa trang bị hệ thống chữa cháy tự động, báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy…).
Diễn tập các tình huống chữa cháy theo phương án tại tòa nhà cao tầng.
Bên cạnh đó, theo UBND thành phố Hà Nội các vi phạm đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Hà Nội vẫn còn phổ biến. Các vi phạm điển hình này gồm các chung cư như: Chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông (Mỹ Sơn Tower), số 62 Nguyễn Huy Tưởng phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) do Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn làm chủ đầu tư, Chung cư CT1 Usilk City tại La Khê (Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư; tòa nhà SME Hoàng Gia, tại phường Quang Trung (Hà Đông) do Công ty CP tập đoàn BĐS Hoàng Gia làm chủ đầu tư; tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân tại Phường Mộ Lao (Hà Đông) do Công ty CP xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư…
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà cao tầng trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cùng quyết liệt vào cuộc.
TP. Hà Nội yêu cầu lực lượng Công an kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định. Làm rõ, xử nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình chung cư, nhà cao tầng. Xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về PCCC, chây ỳ không khắc phục các tồn tại, hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Sở Xây dựng thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý vận hành đối với nhà chung cư cao tầng.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với những công trình, hạng mục công trình nhà cao tầng vi phạm nghiêm trọng hoặc không khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trong trường hợp để phát sinh các công trình chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định PCCC, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TP. Hà Nội.
Qua rà soát, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố Hà Nội có 2.878 công trình vi phạm quy định, chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng, trong đó 492 công trình đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực; 2.386 công trình vi phạm quy định về PCCC hoạt động từ sau năm 2001 đến nay.
Theo thống kê tình hình cháy từ năm 2016 đến nay, có 430 vụ cháy xảy ra đối với công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng (chiếm tỷ lệ 12,31%). Tuy tỷ lệ chiếm không cao, nhưng đều là cháy lớn, cháy thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Về “Giải pháp xử lý các công trình vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng, các công trình đưa vào sử dụng trước Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 không đảm bảo an toàn PCCC”, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: Đối với nhóm công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực, Công an TP Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 05 quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, toàn Thành phố có 2.481 cơ sở thuộc đối tượng này, trong đó: 954 cơ sở đã khảo sát, lập hồ sơ khái toán, hồ sơ thiết kế cải tạo và bố trí kinh phí để thực hiện; 454 cơ sở đã triển khai thi công; 374 cơ sở đã hoàn thành và được nghiệm thu về PCCC; 35 cơ sở có dự án, kế hoạch di dời, xây mới.
Số công trình tồn tại chưa thực hiện chủ yếu là nhóm nhà chung cư, tập thể cũ, khoảng 1.500 cơ sở do đặc thù về kiến trúc, kết cấu cũ nên không thể cải tạo, khắc phục đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo quy định hiện hành. Đối với loại hình này, CATP chỉ đạo Công an các đơn vị báo cáo đề xuất UBND cấp huyện bố trí kinh phí trang bị các phương tiện báo cháy, chữa cháy thiết yếu và đặc biệt là phát động phong trào người dân mở lối ra thoát hiểm, thoát nạn khẩn cấp tại ban công, tầng tum, tầng mái.
Đối với nhóm công trình vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng sau thời điểm năm 2001, lực lượng chức năng CATP đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mời các chủ đầu tư có công trình vi phạm, lãnh đạo chính quyền địa phương để họp, bàn thống nhất các biện pháp, giải pháp, cam kết tiến độ, lộ trình, thời gian thực hiện đối với từng công trình, từng lỗi vi phạm cần khắc phục. Đối với các công trình khó có khả năng khắc phục do liên quan đến kết cấu, giao thông, khoảng cách giữa các công trình,… hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng luận chứng các giải pháp, biện pháp gửi Cục Cảnh sát PCCC&CNCH và Bộ Xây dựng để được xem xét, chấp thuận theo quy định./.
https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-xu-ly-nghiem-cac-cong-trinh-chua-nghiem-thu-pccc-da-co-tinh-dua-vao-hoat-dong-902088.vov - theo vov.vn