Giá xăng dầu “hạ nhiệt”, giá hàng hóa vẫn "bình chân như vại"

10:08 27-07-2022

VOV.VN - Giá xăng dầu liên tục tăng khiến hàng loạt mặt hàng thiết yếu như rau củ, mì, gia vị, gạo, dầu ăn… tăng cao. Thế nhưng, gần đây, khi giá xăng đã giảm gần 7.000 đồng/lít, hàng hóa thiết yếu lại không giảm như kỳ vọng của người dân.

Xăng đã giảm gần 7.000 đồng trong tháng 7

Từ 15h ngày 21/7, giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trên thị trường tiếp tục giảm mạnh. Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 về còn 25.070 đồng/lít (giảm 2.710 đồng); còn xăng RON 95 là 26.070 đồng/lít (giảm 3.600 đồng). Như vậy, so với cuối tháng 6 vừa qua thì mỗi lít xăng đã rẻ hơn từ 6.200 - 6.800 đồng, mỗi lít dầu diesel rẻ hơn 5.260 đồng. Đây là tín hiệu vui đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sau nhiều lần giá xăng dầu phi mã, 2 lần điều chỉnh giảm giá sâu vừa qua vẫn chưa tác động đến thị trường hàng hoá tiêu dùng thiết yếu.

Bà Nguyễn Linh Chi, ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, hàng hoá thiết yếu hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới, từ mớ rau tới thịt cá đều đã tăng giá và neo ở mức cao. Hiện, tại chợ truyền thống ở khu vực quận Hai Bà Trưng, giá thịt lợn sấn từ 110.000 -120.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, nạc vai, sườn thăn 130.000 - 140.000 đồng/kg; thịt bò 240.000 - 250.000đ/kg; rau muống 10.000 đồng/bó; mùng tơi 8.000 đồng/mớ; đậu đũa 18.000 đồng/kg; rau ngót 8.000 đồng/mớ; rau cải non 15.000 đồng/mớ; cà chua 30.000 đồng/kg…


Hàng hoá thiết yếu hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới, từ mớ rau tới thịt cá đều đã tăng giá và neo ở mức cao.
“Giá xăng giảm nhưng giá cả hàng hóa ở chợ tăng từ đợt trước tới giờ vẫn giữ nguyên chứ chả thấy giảm, thậm chí thịt lợn còn tăng giá chóng mặt. Lương hưu giờ đi chợ thấy như ‘mất cắp”, bà Chi than thở.

Chị Phạm Thị Hoa, tiểu thương ở chợ 8-3 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, nhiều loại rau xanh tăng giá, một phần do mùa vụ, thời tiết, một phần do giá xăng tăng liên tục, giá vận chuyển tăng từ đợt trước, qua nhiều khâu nên tới tay người tiêu dùng giá có cao hơn trước.

“Giá tôi nhập hàng vào tăng nên buộc phải bán giá cao hơn thì mới có lãi chứ không có người kinh doanh nào muốn tăng giá hàng hóa, nhất là trong thời điểm sức mua yếu như hiện nay. Giá tăng nhưng sức mua của người dân cũng không tăng, thậm chí còn giảm”, chị Hoa chia sẻ.

Trên thực tế, thời gian qua, các mặt hàng tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: chợ 8-3, chợ Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng); chợ Hôm - Đức Viên, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm); chợ Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa)… từ mớ rau đến các loại thực phẩm, hàng hoá thiết yếu đều lên giá theo giá xăng. Tuy nhiên, khi giá xăng giảm thì hàng hoá vẫn ở mức cao. Hiện, sau nhiều đợt xăng dầu tăng giá, giá cả đã thiết lập mặt bằng giá mới, người tiêu dùng thì phải thắt chặt chi tiêu. Cùng với đó, nhiều hàng quán ăn cũng đã tăng giá, bát phở, bún từ 30.000 đồng lên 40.000 - 50.000 đồng tuỳ quán.

Theo đại diện của Công ty TNHH Bán lẻ BRG, từ đầu năm đến nay, các nhà cung cấp hàng hoá vào siêu thị đã tăng giá từ 5-15%. Trong kỳ điều hành xăng dầu vừa qua, xăng dầu đã giảm sâu nhưng vẫn ở mức cao, việc giảm giá này là một tín hiệu vui đối với người dân và doanh nghiệp (DN).


Từ đầu năm đến nay, các nhà cung cấp hàng hoá vào siêu thị đã tăng giá từ 5-15%.
Tuy nhiên, hiện tại với những mặt hàng thiết yếu như: gạo, trứng… so với ngành hàng khác thì mức tăng là thấp nhất, còn nhóm dầu ăn do thiếu hụt nguồn cung trên thế giới và dầu ăn nhập khẩu bị hạn chế do cước tăng và sản xuất của DN trong nước hạn chế nên tăng 10-15% còn nhóm khác mà DN trong nước sản xuất được thì mức tăng nhẹ hơn, mức tăng từ 5-10%.

“Để sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp phải vận hành cả một chuỗi cung ứng và sản xuất phức tạp; vì vậy, việc điều chỉnh giá cần thời gian và quy trình chứ không thể điều chỉnh tăng/giảm ngay được. Do đó, tác động của lần giảm giá xăng dầu này sẽ có độ trễ nhất định tới giá cả hàng hóa nói chung và giá hàng hóa thiết yếu nói riêng”, đại diện BRG cho biết.

Giá có thể lên 3 bậc nhưng khó giảm nửa bậc

Trước những đợt điều chỉnh liên tiếp của mặt hàng xăng dầu, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong nhiều năm qua, khi giá xăng dầu tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng ngay lập tức. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm tương ứng vì các doanh nghiệp cần thời gian để điều chỉnh, cân đối lại chi phí sản xuất.


TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
“Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính. Do vậy, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này”, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết, qua theo dõi giá hàng hóa bán lẻ nhiều năm, giá có thể lên 3 bậc nhưng khó giảm nửa bậc. Tình trạng hàng hóa không chịu giảm giá có trách nhiệm chính thuộc Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Bên cạnh đó, hàng nghìn mặt hàng buôn bán tại các chợ truyền thống hiện đang bị thả nổi, không thể quản lý được bởi đó là mặt hàng tự do, nhiều thì bán rẻ, ít thì bán đắt.

“Hơn 80% hàng tươi sống ở chợ truyền thống chúng ta không quản lý được. Do vậy, muốn quản lý được giá thì các cơ quan chức năng phải chọn việc mà làm dần. Phải chọn những mặt hàng thiết yếu để bình ổn. Trong lúc cấp bách thì phải có những biện pháp cấp bách. Điều này trong Luật giá của chúng ta cũng cho phép, muốn làm được thì quản lý thị trường phải làm thực sự chứ không thể rong chơi, phạt vạ mãi được”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Cũng theo ông Phú, tại thời điểm hiện nay, nên chọn những mặt hàng có biến động mạnh để đưa ra mức giá trần như: xăng dầu, sách giáo khoa, thịt lợn, thịt bò… bởi mức giá trần là “cây gậy” để kiểm soát giá, nhất là những mặt hàng đột biến giá mạnh, đột biến một cách vô lý.

“Nếu giá các mặt hàng tăng lên 30% thì phải kiểm soát. Giá trần ở đây phải được áp dụng một cách linh hoạt tại thời điểm nhất định chứ không đặt trần mãi, khi giá đã ổn định thì phải dỡ trần để hàng hóa được lưu thông bình thường. Chúng ta theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự quản lý của nhà nước, khi nào giá tăng đột biến và vô lý thì có quyền yêu cầu kê khai”, ông Phú nêu ý kiến./.

https://vov.vn/kinh-te/gia-xang-dau-ha-nhiet-gia-hang-hoa-van-binh-chan-nhu-vai-post959209.vov - theo vov.vn