Giá xăng dầu giảm mạnh, chi phí logistics không thể neo cao
08:55 14-09-2022
VOV.VN - Giảm chi phí logistics ngoài yếu tố nhiên liệu xăng dầu còn có nhiều giải pháp khác từ chính các doanh nghiệp logistics cũng như từ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Sau nhiều lần giá xăng dầu giảm liên tiếp trong 2 tháng qua, giá xăng dầu hiện nay đã ngang bằng với thời điểm cuối năm 2021. Giá nguyên liệu đầu vào giảm góp phần chặn đà tăng của giá cả hàng hóa dịch vụ, giảm chi phí của nhiều ngành kinh tế trong đó có chi phí logistics.
Chi phí logistics giảm nhưng vẫn ở mức cao
Nhiều doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics cho biết, chi phí logistics các chặng nội địa và quốc tế hiện đã giảm trung bình khoảng 5-7% so với đầu năm và giảm khoảng 30% - 40% so với thời điểm cao nhất năm 2021. Cước vận chuyển container trong nước bằng đường bộ chặng Hà Nội - TP.HCM từ 50 triệu đồng/chuyến xuống nay còn khoảng 35-45 triệu đồng/chuyến.
Giá cước vận tải đường biển như tuyến Trung Quốc về Việt Nam hiện nay giảm còn 700-800 USD/container 40 feet, giảm đến 50% so với trước đó. Với tuyến vận tải từ Việt Nam đi châu Âu, cước vận chuyển từ mức 9.000 – 10.000 USD/container nay giảm về 5.000-8.000 USD/container…
Chi phí logistics cao làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận chuyển.
Dù giá cước vận tải và chi phí logistics đã giảm khá nhiều, song theo đánh giá của ông Nguyễn Tương, cố vấn cấp cao Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, chi phí logistics vẫn còn ở mức cao nếu so sánh với thời điểm trước dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển, nếu giá cước neo cao sẽ gây áp lực cho DN, nhất là cao điểm vận tải sẽ diễn ra từ tháng 9 đến hết năm.
“Giá cước vận tải ngoài tác động bởi giá xăng dầu còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp và xung đột Nga - Ukraine chưa kết thúc, mức giảm cước vận tải và chi phí logistics khó quay về mốc cũ chưa nói đến khả năng còn có thể tăng trở lại”, ông Tương nhận định.
Thời gian qua, giá dầu và giá nhiên liệu tăng mạnh đã ảnh hưởng rất lớn đến giá thành, cũng như sức cạnh tranh của logistics Việt Nam và tác động đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Biến động của giá dầu đã tạo nên một sức ép lớn cho ngành logistics nói chung và ngành hàng hải nói riêng.
Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, với hoạt động vận tải, chi phí nhiên liệu là chi phí lớn, chiếm tỉ trọng từ 30-40% chi phí khai thác tàu. Nếu tính đầy đủ chi phí logistics thì chi phí vận tải chiếm khoảng 60%.
“Tuy nhiên, không cứ giá dầu tăng là có thể được áp tăng giá logistics cho khách hàng, bởi vì trong logistics, các DN thường có những hợp đồng ràng buộc giá dài hạn. Do đó, DN sẽ phải điều chỉnh các phương án làm sao để không tăng giá quá nhiều so với hợp đồng đã cam kết, hoặc điều chỉnh quá nhiều lần gây nên sự xáo trộn trong các ngành sản xuất”, ông Trung nhận định.
Giảm các chi phí khác ngoài xăng dầu
Để duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng kim ngạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm, nhiều DN xác định tính toán lại chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm nhằm bù đắp lại những chi phí phát sinh từ giá xăng dầu cho đến cước vận tải hàng hóa.
Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, việc giá cước vận tải tăng cũng tạo áp lực giảm giá mua hàng, nhưng đây là rủi ro ngoại vi nên DN chỉ có thể tìm cách hạn chế tối đa ảnh hưởng. Đối với các DN may mặc gia công, đa phần xuất khẩu FOB không phải lo việc thuê vận chuyển nên việc có thể làm để chia sẻ khó khăn với khách hàng chính là đảm bảo thời gian giao hàng, khi việc lùi thời gian khởi hành, tăng thời gian quá cảnh của các hãng tàu là tương đối phổ biến.
Đối với các DN làm FOB tự lo nguyên phụ liệu phải chịu chi phí vận chuyển nguyên phụ liệu, việc cần làm là trao đổi với khách hàng để có kế hoạch sớm cho việc mua nguyên vật liệu. Cùng với đó cần làm việc với một đơn vị logistic đáng tin cậy để giảm thiểu rủi ro giá cước vận chuyển bị điều chỉnh thất thường, cũng như xem xét các phương thức vận chuyển khác thay thế nếu hợp lý.
“Để theo dõi, kiểm soát được chi phí logistics về lâu dài DN cần xem xét có bộ phận chuyên môn, giúp theo dõi biến động các chi phí cấu thành chi phí logistics, lựa chọn đơn vị logistics cạnh tranh, chất lượng và dịch vụ tốt. Việc phân tán chức năng quản trị logistics tại nhiều bộ phận trong DN có lẽ cũng là tình trạng phổ biến đối với các DN dệt may. Do đó, để nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí logistic, DN cần xem xét đến việc tổ chức quản trị vấn đề này”, ông Vương Đức Anh nêu rõ.
Kết nối vận hành đồng bộ hệ thống logistics góp phần giảm chỉ phí của dịch vụ.
Theo Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, chi phí logistics cao sẽ ảnh hưởng đến các DN xuất nhập khẩu, nên vai trò của các DN logistics phải nghiên cứu và phải hiện đại hóa chuyển đổi số, để làm sao hiệu quả của hoạt động logistics tăng lên, từ đó giảm được chi phí cho các DN xuất nhập khẩu.
“DN cung cấp dịch vụ logistics khi chuyển 1 đơn hàng từ Việt Nam đến bất kể một điểm đến nào trên thế giới phải có sự chủ động hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, các cảng biển và các hãng tàu để đảm bảo giảm chi phí nhất cho khách hàng. Vì thế, DN logistics cần có chương trình chuyển đổi số để áp dụng công nghệ thông tin, tạo ra được các phần mềm khai thác cảng thông minh, dịch vụ logistics, kho hàng, vận tải đường bộ và đường thủy trong đó có các dịch vụ logistics kết nối với cảng”, ông Quỳ phân tích./.
https://vov.vn/kinh-te/gia-xang-dau-giam-manh-chi-phi-logistics-khong-the-neo-cao-post955481.vov - theo vov.vn