Giá lợn hơi còn duy trì mức thấp từ nay cho tới Tết Nguyên đán

08:56 21-10-2021

VOV.VN - Giá lợn hơi giảm kỷ lục, trong khi thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, người nuôi lợn đang bán cắt lỗ và bỏ chuồng trại trống không tái đàn.

Tại Yên Bái, Lào Cai và Bắc Giang là ba địa phương xếp cuối khu vực miền Bắc với giá lợn hơi ở mốc 32.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với những ngày trước. Các địa phương khác khu vực miền Bắc, giá lợn hơi có giảm nhưng vẫn trên mức 33.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh thành trong khu vực ở mức 38.000 đồng/kg. Trong đó, tại Thanh Hóa và Hà Tĩnh là các địa phương có giá thấp nhất khu vực là 33.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 33.000 - 38.000 đồng/kg.

Tính từ đầu năm 2021, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng giảm từ 70.000-75.000 đồng/kg, xuống còn 35.000-40.000 đồng/kg tùy từng vùng. Đây là mức giá thấp kỷ lục trong 4 năm trở lại đây. Thời điểm giá lợn lập đỉnh khoảng 100.000 đồng/kg (vào năm 2019) thì nay đã giảm đến 65%. Người nuôi lợn các nơi sau khi bán cắt lỗ không tái đàn mà bỏ chuồng trại trống vì càng nuôi càng lỗ.


Giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng còn 35.000-40.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp kỷ lục trong 4 năm trở lại đây.
Anh Hùng - một hộ nuôi lợn tại xã Bối Cầu (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) cho biết: “Thời điểm tái đàn trước đây giá lợn giống ở mức cao, sau đó giá thức ăn chăn nuôi trong vòng một năm qua tăng 5 lần, giờ giá lợn giảm khiến người chăn nuôi lỗ nặng”.

Theo tính toán của anh Hùng, với giá 35.000 đồng/kg như hiện nay, một con lợn đạt trọng lượng 80kg, sau khi xuất chuồng người nuôi sẽ bị lỗ từ 1,4 - 1,6 triệu đồng/con. Với lợn siêu nạc nuôi đạt trọng lượng 100kg/con sau khi xuất chuồng người nuôi sẽ bị lỗ đến gần 2 triệu đồng/con.

Tại các khu trợ truyền thống, giá thịt lợn đang được giao dịch tại mức từ 90.000 – 140.000 đồng/kg tùy loại. Giá thịt lợn thành phẩm tại các chuỗi siêu thị vẫn duy trì ở mức cao từ 129.000 - 169.000 đồng/kg.

TS. Phạm Công Thiếu,Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến thị trường, mức tiêu thụ thịt lợn giảm sút do các hoạt động trong xã hội đình lại, nguồn cung sẵn trong khi cầu xuống rất thấp.

“Từ nay đến Tết Nguyên đán, theo tôi giá lợn không khởi sắc dù số đầu lợn hiện nay vẫn chưa đạt được như thời điểm trước dịch Covid-19, sản lượng chưa đến mức dư thừa. Giá thịt lợn xuống thấp do sức mua giảm, tiêu thụ kém. Khách sản, nhà hàng, khu vực trường học, khu công nghiệp… là những nơi tiêu thụ nhiều thịt lợn không hoạt động trong nhiều tháng qua, do đó đầu cầu bị kéo giảm xuống mức thấp nhất” - TS. Phạm Công Thiếu nói.

Trong thời điểm sức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường ở mức thấp, TS. Phạm Công Thiều đề nghị hạn chế nhập khẩu thịt lợn, thịt gà từ nước ngoài vào để tiêu thụ sản lượng thịt trong nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiêu dùng giảm, khiến ngành chăn nuôi bị ứ đọng khoảng 30% về mặt sản lượng. Để khắc phục tình trạng dư thừa ở thời điểm này và để đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn thu mua cho người dân ở mức độ tối đa, lưu kho khi giá hạ quá thấp. Điều này giúp chủ động một lượng nguồn cung, vừa giải phóng ứ đọng trong chuồng.

Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm. Đồng thời, các bộ rà soát, điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm theo các khung thuế suất mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại./.

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/gia-lon-hoi-con-duy-tri-muc-thap-tu-nay-cho-toi-tet-nguyen-dan-899273.vov - theo vov.vn