Đường Vành đai 3 TP.HCM: Đột phá giao thông sẽ tạo đột phá về kinh tế
10:54 06-06-2022
VOV.VN - Hôm nay (6/6), Chính phủ sẽ trình Quốc hội và thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Nếu được thông qua, triển khai thực hiện sớm, đây sẽ là động lực hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển của đầu tàu kinh tế cả nước.
Theo quy hoạch, đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km; đi qua TP.HCM 47,51km, thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh; tại tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,26km, đi qua huyện Nhơn Trạch; tỉnh Bình Dương dài 10,76km, đi qua các thành phố: Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An; tại tỉnh Long An dài khoảng 6,81km, đi qua địa bàn huyện Bến Lức. Với hướng tuyến xuyên qua các địa phương, đường Vành đai 3 TP.HCM có vai trò quan trọng trong việc kết nối các kho, cảng, khu công nghiệp, sân bay, các vùng miền, giảm ùn tắc giao thông, mở ra triển vọng phát triển các khu đô thị…
Với vai trò là địa phương được giao chuẩn bị đầu tư và điều phối chung, bên lề Quốc hội, Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV về dự án quan trọng này.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Dự án này nếu được triển khai thì sẽ đem lại lợi ích như thế nào?
Ông Phan Văn Mãi: Đường Vành đai 3 TP.HCM đóng vai trò rất quan trọng. Việc đầu tư cho đường Vành đai 3 hiện nay không chỉ là cần thiết mà rất cấp thiết, cấp bách.
TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua đã xuất hiện các điểm nghẽn: giao thông ách tắc; dư địa đất đai, không gian đô thị phát triển quá chật chội và mất dần động lực phát triển, làm cho động lực phát triển của cả vùng như con tàu mất trớn. Do đó, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra một trục giao thông chiến lược, nối kết và lan tỏa, tạo tiền đề để tháo gỡ các điểm nghẽn; mở ra hướng mới để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Việc khai thác các quỹ đất dọc theo hai bên tuyến sau khi đường vành đai 3 TP.HCM được đưa vào vận hành sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, phục vụ tái đầu tư, phát triển.
Đặc biệt, việc kết nối với 5 đường cao tốc hướng tâm là TP.HCM - Trung Lương, TPHCM- Mộc Bài, TP. HCM - Chơn Thành, Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức- Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ góp phần giải quyết bài toán nối kết liên vùng. Không gian đường vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo hành lang công nghiệp kết nối các kho cạn về cụm cảng biển, sẽ giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh. Trong vòng 5 năm đến 15 năm tới, cùng với việc kép kín đường Vành đai 2, xúc tiến làm đường vành đai 4 và các công trình lớn khác như sân bay Long Thành và các đô thị vệ tinh, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo xung lực phát triển rất lớn cho cả vùng kinh tế.
Do đó, việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM rất cần thiết, rất quan trọng và cần phải được triển khai ngay. Bởi thực tế cho thấy, ở đâu có đột phá về giao thông thì chắc chắn ở đó có đột phá về kinh tế. Ngược lại, không có đột phá về hạ tầng giao thông sẽ rất khó đột phá về kinh tế, xã hội, đời sống.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có quy mô 8 làn xe cao tốc
PV: Đường vành đai 3 có tổng kinh phí bồi thường rất lớn và tiến độ bồi thường trong khoảng thời gian rất ngắn, xin ông cho biết các địa phương sẽ bố trí cân đối bố trí vốn như thế nào?
Ông Phan Văn Mãi: Nguồn vốn để thực hiện đường Vành đai 3 được bố trí từ ngân sách nhà nước, tức là đầu tư công. Theo đó, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 50% và các địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương sẽ đảm bảo 50%, riêng Long An 25%, phần còn lại là Trung ương sẽ hỗ trợ. Đối với các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chúng tôi đã trình Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân đã có kế hoạch cân đối bố trí vốn ngân sách địa phương từ trung hạn 2021-2025 và sẽ bố trí theo tiến độ dự án, theo khối lượng hàng năm để đảm bảo được tiến độ của dự án.
Đối với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An là những địa phương có điều kiện thu ngân sách tốt nhất, cho nên việc cân đối ngân sách để bố trí vốn cho dự án cũng không phải là vấn đề khó khăn, hơn nữa, trong dự án này, chúng tôi cũng đã tính toán tới việc là có thể có nguồn thu sau khi hoàn thành dự án. Ví dụ như là khai thác quỹ đất dọc tuyến và các khoản cân đối tăng thu khác của các địa phương để đảm bảo nguồn vốn cho dự án đúng theo tiến độ.
PV: Lâu nay thì việc thực hiện các dự án giao thông khó nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, vậy TP.HCM sẽ thực hiện việc giải phóng mặt bằng như thế nào để triển khai dự án theo đúng tiến độ, thưa ông?
Ông Phan Văn Mãi: Việc giải phóng mặt bằng để đảm bảo có mặt bằng sạch đúng tiến độ dự án cũng như việc tổ chức thực hiện dự án là 2 nhiệm vụ rất khó khăn đối với đường Vành đai 3 TP.HCM. Riêng giải phóng mặt bằng thì TP.HCM và các tỉnh trong vùng dự án cũng đã có sự chuẩn bị. Đến giờ này, các địa phương chúng tôi đã ngồi lại với nhau lên kế hoạch giải phóng mặt bằng, thống nhất các chính sách, cách thức để triển khai. Ngay khi Quốc hội có chủ trương đầu tư thì chúng tôi sẽ triển khai những bước cần thiết để bắt tay vào công tác kiểm kê, lên chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng.
Về việc làm sao để đảm bảo tái định cư cho người dân thì TP.HCM và các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương đều đang có một quỹ nhà có thể dùng để tạm cư, do đó, chúng tôi có thể sẽ dùng quỹ nhà để tạm cư và thực hiện các thủ tục về tái định cư để đẩy nhanh tiến độ dự án này.
Thứ hai, các địa phương cũng đã có bàn với nhau về các chính sách hỗ trợ tái đào tạo nghề nghiệp cũng như hỗ trợ các sinh kế khác để giúp cho bà con ổn định trong diện tái định cư.
Riêng TP.HCM, chúng tôi đã sẵn sàng mọi kế hoạch để sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì thành phố sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương có giải phóng mặt bằng để bàn rất kỹ, chi tiết từ kế hoạch, chính sách, vấn đề tái định cư sinh kế cho bà con để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trong năm 2023 để bàn giao để triển khai xây dựng dự án.
Tuy nhiên, chúng tôi biết dù cho chính sách bồi thường của mình có tốt đến đâu thì ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến an cư, đến sinh kế, việc làm của bà con, làm xáo trộn đến đời sống của bà con. Nhưng chúng tôi nghĩ là vì lợi ích của công trình để phục vụ cho cả khu vực, cho sự phát triển của vùng và đóng góp cho sự phát triển của cả nước cho nên bà con sẽ chia sẻ, đồng thuận thậm chí hy sinh để đóng góp cho việc phát triển dự án này.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
https://vov.vn/kinh-te/duong-vanh-dai-3-tphcm-dot-pha-giao-thong-se-tao-dot-pha-ve-kinh-te-post948496.vov - theo vov.vn