Đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội dự kiến khai thác khi nào?

09:07 20-09-2023

VOV.VN - Được kỳ vọng là động lực kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế, nhưng metro Nhổn - ga Hà Nội bảy lần lùi tiến độ, hai lần đội vốn, giày vò người dân sống dọc đại công trường 12,5 km dự kiến khai thác cuối năm 2023, muộn nhất đầu năm 2024.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội) có chiều dài 12,5 km, gồm 12 ga (8,5 km đi trên cao với 8 ga trên cao và 4 km đi ngầm với 4 ga ngầm). Tuyến có điểm đầu tại Nhổn, điểm cuối tại ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo).

Đến thời điểm này tiến độ thi công đoạn trên cao đã đạt 99,54%. Các công đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị tại 8 nhà ga trên cao của dự án đã hoàn tất.

Theo ông Lê Trung Hiếu-Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), giai đoạn 1 của dự án đang được đặt kỳ vọng sẽ đưa vào vận hành khai thác trong khoảng thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024, nếu đạt điều kiện thuận lợi nhất.

 

“Hiện toàn bộ gói thầu thuộc giai đoạn 1, từ ga S1 đến S8 đã hoàn thành 99,7% hiện tại tất cả các gói thầu thành phần của dự án đều đã hoàn thành trên 99%. BQL dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang nỗ lực để đưa dự án sớm vào vận hành”, ông Hiếu cho biết.

Lãnh đạo MRB cho biết, hiện tại, dự án có 3 gói thầu gồm đoạn trên cao, các ga trên cao và hạ tầng kỹ thuật Depot đều đã đạt trên 99%. Duy nhất hệ thống vé - tiến độ đoạn trên cao mới đạt 98,3%. Dự án đang tiến hành công tác đào tạo vận hành, đánh giá và báo cáo an toàn hệ thống, nghiệm thu.

 

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được kỳ vọng theo mốc thời gian CP chỉ đạo, có thể căn cứ các báo tiến độ thì mốc thời gian có thể được điều chỉnh. Hiện tại chúng tôi dự kiến trong thời gian tốt nhất sẽ khai thác vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau...”, ông Hiếu cho hay.

 Ông Nguyễn Ngọc Thi-Trưởng phòng Quản lý dự án 1, BQL Đường sắt đô thị Hà Nội, sở dĩ tuyến đến nay nhiều hạng mục mới sắp hoàn thành là do toàn tuyến Nhổn - ga Hà Nội có 8 nhà ga trên cao, mỗi nhà ga được thiết kế với 3 tầng và mỗi ga có thiết kế riêng, phù hợp với từng khu vực.

“Nếu như Ga Cầu Giấy được thiết kế nội thất nổi bật hình ảnh của muông thú gắn với địa điểm Công viên Thủ Lệ…thì Ga Chùa Hà nổi bật lên hình ảnh của ngôi chùa linh thiêng…Đối diện với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, ga Nhổn được thiết kế với nguồn cảm hứng từ những biểu tượng đặc trưng của khoa học”, ông Thi nói.

Ông thi cho biết, hiện hệ thống thu vé được lắp đặt hoàn thiện tại tầng trung chuyển của 8 ga trên cao. Hệ thống được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu.

Một số thiết bị của hệ thống: Máy  bán vé tự động (TVM), hệ thống cửa, máy bán vé đặt tại phòng vé, máy khởi tạo thẻ…Với hệ thống thu vé tự động AFC, khi đến ga bất kỳ của tuyến, hành khách có thể chọn mua nhiều loại thẻ/vé.

Đặc biệt, nhà ga S8 của metro Nhổn - ga Hà Nội, nằm đối diện trường Đại học Giao thông Vận tải và Vườn thú Thủ Lệ. Đây là nhà ga cuối cùng của đoạn trên cao, trước khi xuống đoạn ngầm.là nhà ga đặc biệt của dự án khi tương lai trở thành trạm trung chuyển của nhiều tuyến xe buýt và có nhiều cầu thang hơn 7 ga còn lại.

Nhà ga cao khoảng 22,5m, rộng 24m, nằm cách mặt đường 8m, với 3 tầng. Phần mái được thiết kế hình cánh chim với hệ thống kính cản tia UV giúp hành khách không thấy nóng bức khi đứng chờ tàu.

"Có tất cả 8 cầu thang tại ga này, với đủ hình thức như thang máy, thang cuốn, thang bộ, nhằm phục vụ mọi nhu cầu và hành khách cũng như thoát hiểm nhanh nếu xảy ra sự cố", ông Thi nói.

Ông Trịnh Minh Công – Đơn vị quản lý lắp đặt hệ thống vé tự động thông tin, về hẻ đi tàu tuyến Nhổn - Ga Hà Nội có thể sử dụng liên thông cho tất cả tuyến đường sắt khác như Cát Linh - Hà Đông, hoặc các tuyến xe buýt.

“Người dân có thể mua vé đi tàu ở máy bán vé tự động hoặc trực tiếp ở quầy. Toàn bộ hệ thống trong nhà ga đều được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị xuất xứ chủ yếu từ Pháp”, ông Thi cho hay.

Ngoài thẻ từ, người dân còn có thể sử dụng token (đi chặng một) để lên tàu. Token chủ yếu dành cho hành khách đi theo chặng, trong khi thẻ từ được cấp cho hành khách mua theo tháng hoặc tuần. Toàn bộ thẻ từ do Sở GTVT Hà Nội quản lý và cung cấp.

“Mình có thể sử dụng vé tự động để lên tầu, hai là đến quầy bán vé. Vé tự động tích hợp tài khoản ngân hàng. Quầy bán vé cung cấp thẻ định danh cho hành khách không dùng điện thoại thông minh...”, ông Thi cho biết.

Được biết, các công tác thi công cuối cùng chủ yếu test hệ thống thẻ vé, hệ thống kỹ thuật, test toàn bộ công tác vận hành của đoàn tàu..đảm bảo đưa giai đoạn 1 vào khai thác an toàn, đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân Thủ đô.

https://vov.vn/xa-hoi/duong-sat-tren-cao-nhon-ga-ha-noi-du-kien-khai-thac-khi-nao-post1047019.vov - theo vov.vn