Được phương Tây cởi trói, Ukraine tìm cách đưa Nga vào thế tiến thoái lưỡng nan
08:23 04-07-2024
VOV.VN - Ukraine từng nói rằng việc thiếu vũ khí và đạn dược cũng như không được tấn công vào lãnh thổ Nga khiến nước này phải chiến đấu với “một tay bị trói sau lưng”. Giữa bối cảnh phương Tây hiện đã nới lỏng các hạn chế, Kiev đang tìm cách đưa Moscow vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Vào cuối tháng 5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo một thay đổi chính sách lớn: Washington sẽ để các lực lượng của Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga mặc dù chỉ quanh một khu vực ở phía Đông Bắc.
Điều này từ lâu từng là một lằn ranh đỏ trong sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine bởi lo ngại xung đột mở rộng. Nhưng chỉ một vài ngày, Ukraine cho rằng điều đó là chưa đủ.
"Liệu điều đó có đủ hay không? Câu trả lời là không", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay trong cuộc họp báo ở Singapore vài tiếng sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Bình luận này chỉ là một lát cắt trong thách thức dài hạn của Washington. Trong nỗ lực tránh leo thang, chính quyền ông Biden đã từ chối cung cấp một số vũ khí mà Ukraine yêu cầu và chỉ sau đó mới thay đổi quyết định. Kết quả là một chính sách luôn thay đổi thường kiến Kiev không hài lòng khi tại sao phải chấp nhận một thay đổi đối với các quy tắc trong khi có thể thúc đẩy một chính sách khác nới lỏng chúng hơn?
Minh chứng mới nhất và có lẽ là quan trọng nhất của tình trạng này là các cuộc tấn công xuyên biên giới. Quyền tấn công hạn chế mà Nhà Trắng trao cho Ukraine nhằm vào lãnh thổ Nga đang mở rộng. Nếu điều này tiếp tục, các nhà phân tích cho rằng nó có thể tạo ra tác động thực sự trong cuộc xung đột.
"Điều này thực sự có thể thay đổi cuộc xung đột", George Barros - người đứng đầu nhóm tình báo không gian địa lý và là học giả chuyên nghiên cứu về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISE) nhận định.
2 tuần sau bình luận của ông Zelensky, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết chính sách này có thể đang đi theo hướng đó. Bên lề cuộc họp hồi tháng 6 tại trụ sở của NATO ở Brussels, quan chức này đã liệt kê những ví dụ về điều Ukraine mong muốn và Mỹ đã thay đổi quyết định từ chiến đấu cơ cho tới tên lửa tầm xa và việc tấn công vào lãnh thổ Nga.
"Nếu nhìn lại diễn biến cuộc xung đột, bạn có thể thấy một số khía cạnh mà chúng ta do dự nhưng sau này đã thực hiện chúng. Vì thế đừng bao giờ nói không bao giờ", một quan chức giấu tên nhận định về chính sách của Lầu Năm Góc.
Tìm cách đưa Nga vào thế tiến thoái lưỡng nan
Con đường dẫn đến sự thay đổi chính sách hồi cuối tháng 5 bắt đầu vài tuần trước những bình luận của ông Zelensky ở Singapore. Đầu tháng 5, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công mới gần Kharkov - thành phố lớn thứ hai Ukraine. Không giống như các khu vực đô thị lớn khác, Kharkov nằm gần biên giới Nga khi chỉ cách khoảng 32km. Do những hạn chế trong cách Ukraine có thể sử dụng các vũ khí phương Tây, Moscow có thể tấn công bên kia biên giới mà không bị đáp trả đáng kể.
"Chúng ta có thể nhìn vào bản đồ và thấy rằng Nga đang tập hợp ngay bên kia biên giới để tấn công vào Ukraine", một quan chức quốc phòng Mỹ nói.
Ukraine yêu cầu các phương tiện tấn công vào Nga, điều mà Washington cuối cùng đã thông qua sau khi một số đối tác châu Âu công khai ủng hộ đề nghị này. Tuy nhiên, nó sẽ bị hạn chế: Đó là Ukraine chỉ có thể tấn công bằng các vũ khí như pháo phản lực HIMARS với tầm bắn 70km dọc biên giới để tự vệ quanh Kharkov. Nước này không được khai hỏa các vũ khí khác do Washington cung cấp như tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn 300km nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong nước Nga.
Trong vài tuần sau khi Mỹ có sự điều chỉnh về chính sách nhằm đảm bảo Ukraine có một tiền tuyến ổn định hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nhận định: "Điều tôi thấy là các cuộc tiến công của Nga đã chậm lại và một phần tiền tuyến ổn định". Một số nhà phân tích hoài nghi về đánh giá trên.
Michael Kofman, học giả nghiên cứu về cuộc xung đột ở Ukraine tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng vào lúc chính sách của Mỹ thay đổi, Nga bắt đầu mất đà tiến công. Ông cho rằng: “Cuộc tấn công của Nga đã lên đến đỉnh điểm trước khi thay đổi chính sách có hiệu lực”.
Điều đó không có nghĩa là việc chấp thuận tấn công vào Nga là vô ích. Theo chuyên gia Barros, vấn đề là cần tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Theo chính sách hiện tại, các lực lượng của Nga sẽ phải dàn lực lượng ra xa hơn để tránh trở thành mục tiêu. Điều đó khiến việc phát động các cuộc tấn công mới trở nên khó khăn hơn. Dù vậy, ông Barros nhận định với Defense News rằng, đó là một lợi ích hạn chế.
"Về lâu dài, nó sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn", chuyên gia này cho hay.
Khả năng tự vệ của Ukraine
Một số quan chức trong và ngoài nước Mỹ đã thúc đẩy việc chấm dứt những hạn chế còn lại, trong đó có Tổng thư ký NATO. Ngay trước cuộc họp hồi tháng 6 ở Brussels, ông Jens Stoltenberg đã nêu ra 2 điểm về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga: Đầu tiên do biên giới và tiền tuyến quá gần Kharkov nên Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc tự vệ nếu không được tấn công vào Nga. Thứ hai, gánh nặng tránh leo thang xung đột không nên dồn hết lên vai Ukraine. Theo ông: "Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga - một phần của quyền tự vệ và chúng ta có quyền hỗ trợ họ tự vệ".
Các thành viên trong Quốc hội Mỹ, trong đó có những nhân vật nổi bật của đảng Dân chủ đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden nới lỏng các hạn chế đối với Ukraine. Nhiều đối tác châu Âu cũng tham gia cùng họ
"Nga đang tổ chức các cuộc tấn công từ lãnh thổ của mình và chúng ta thì áp hạn chế lên Ukraine. Điều này thật vô nghĩa", Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasčiūnas nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Defense News.
Tuy nhiên, dựa trên một vài thông báo gần đây từ các quan chức Mỹ, hiện vẫn chưa rõ những giới hạn đó là gì. Khi được yêu cầu làm rõ chính sách của Mỹ về các cuộc tấn công vào Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đang phát biểu ở Brussels đã dừng lại và mở một tờ ghi chú được chuẩn bị trước. Ông liệt kê một vài điểm thảo luận mà chính quyền Mỹ đã sử dụng khi trao đổi về chính sách này như "hạn chế", "mục tiêu quân sư", "ngay bên kia biên giới".
"Không có nhiều thông tin chi tiết hơn", ông Austin nói.
Tuy nhiên, vài ngày sau, trong cuộc trả lời phỏng vấn với PBS, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng quyền tấn công "mở rộng tới bất kỳ nơi nào các lực lượng của Moscow vượt biên từ phía Nga sang phía Ukraine để cố gắng chiếm thêm lãnh thổ".
Theo quan điểm của Ukraine, chính sách này “khá rõ ràng”, ông Dmytro Klimenkov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách mua sắm của Ukraine nói. Ông từ chối bình luận về việc liệu chính sách có nên nới lỏng hơn hay không
Lằn ranh đỏ
Khi nói đến các cuộc tấn công tầm xa, cụ thể là bằng ATACMS, chính quyền Tổng thống Biden đã vạch ra lằn ranh đỏ. Mỹ muốn Ukraine tập trung vào đối phó với cuộc tấn công của Nga. Việc ngăn Kiev tấn công xa hơn vào Nga buộc Ukraine tập trung vào điều mà các quan chức Mỹ gọi là những cuộc "cận chiến" quanh Kharkov và những khu vực khác trên tiền tuyến.
Ngoài ra còn có một yếu tố leo thang khác: Nga là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và từng đe dọa sử dụng những vũ khí này nhiều lần trong suốt cuộc xung đột mặc dù điều đó chưa xảy ra. Chính quyền Nga cũng có thể khiến Mỹ và đồng minh đứng ngồi không yên nếu hỗ trợ các nhóm chiến đấu nhắm vào các lực lượng của Washington hoặc tấn công hạn chế vào các thành phố châu Âu.
Mối lo ngại về một cuộc xung đột sâu rộng hơn đã ảnh hưởng đến các chính sách của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, mối lo ngại đó đã thay đổi khi Lầu Năm Góc hiểu rõ hơn về ý định leo thang thực sự của Nga. Tướng Mỹ CQ Brown cho biết trong hội nghị bàn tròn hồi tháng 3 rằng: “Nguy cơ leo thang không cao như lúc bắt đầu xung đột. Theo thời gian, bạn sẽ hiểu nhiều hơn một chút". Trên thực tế, Ukraine đã nhận được nhiều vũ khí có khả năng hơn và nhiều quyền hạn sử dụng chúng hơn.
Phải đến tháng 3, chính quyền Tổng thống Biden mới cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS tầm xa. Nước này đã sử dụng chúng để tấn công vào các hệ thống phòng không tại Bán đảo Crimea. Khả năng Ukraine tấn công các tài sản của Nga ở Crimea đã khiến Moscow phải tái cơ cấu lực lượng ở đây, chuyển phần lớn lực lượng hải quân của mình ra xa hơn.
Chuyên gia Barros tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết, người ta có thể hình dung ra một động thái tương tự ở nơi khác nếu lệnh cấm các cuộc tấn công tầm xa vào Nga được dỡ bỏ. Chẳng hạn, Nga có thể buộc phải triển khai các hệ thống phòng không và phương tiện tác chiến điện tử ra xa nhau hơn.
Nga cũng có thể gặp khó khăn trong việc tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine dù hiện nay, các máy bay ném bom của Nga vẫn đặt tại các sân bay nằm ngoài tầm bắn của đối phương.
“Nga thường xuyên khai hỏa một cách bình tĩnh và biết rằng Ukraine sẽ không bắn trả”, ông Zelensky nói trong cuộc họp báo ở Singapore.
Phản ứng của Ukraine
Tuy nhiên Ukraine vẫn tìm cách đáp trả. Trong suốt năm nay, quân đội nước này đã tấn công các nhà máy lọc dầu trên khắp nước Nga nhằm cố gắng gây thiệt hại cho một trong những nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin. Các cuộc tấn công này đã gây tranh cãi ở Washington.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện hồi tháng 4, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Celeste Wallander cho biết Lầu Năm Góc không muốn Ukraine tấn công cơ sở hạ tầng dân sự.
"Cho đến nay, các cuộc tấn công mà chúng ta chứng kiến nhằm vào nguồn năng lượng của Nga không thay đổi đáng kể khả năng tiến hành chiến dịch quân sự của Moscow", ông Celeste Wallander nói. Ukraine không sử dụng các vũ khí do Mỹ cung cấp cho những cuộc tấn công này, tức là họ không cần áp dụng các hạn chế hiện có.
“Đây là quyết định mang tính chủ quyền của Ukraine”, ông Wallander lưu ý.