Đụng độ biên giới đẫm máu: Động cơ thực sự của Ấn - Trung là gì?
10:27 22-06-2020
VOV.VN - Những cuộc gặp ngoại giao cấp cao không giúp Ấn-Trung hài lòng về hiện trạng ở biên giới. Chiến tranh liệu có xảy ra và có phải là giải pháp cuối cùng?
Cuộc đụng độ “gây sốc và bất ngờ”
Cuộc đụng độ biên giới Trung Quốc - Ấn Độ là sự kiện nghiêm trọng và gây thương vong lớn nhất cho 2 nước trong hơn 40 năm qua. Xung đột Ấn - Trung xảy ra ở Thung lũng sông Galwan nằm ở vùng núi xa xôi Ladakh trong khu vực dãy Himalaya. Ít nhất 20 binh lính Ấn Độ đã tử vong và nhiều người khác bị thương. Con số thương vong của 2 bên có thể cao hơn bởi chỉ New Delhi công bố số liệu chính thức còn Bắc Kinh hiện vẫn từ chối cung cấp thông tin về số người chết và số người bị thương.
Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ đứng canh gác một con đường dẫn tới Leh, tiếp giáp biên giới với Trung Quốc. Ảnh: AFP
Cuộc đụng độ chết chóc trong tháng này giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc chứa đựng cả yếu tố gây sốc và yếu tố bất ngờ. Sự kiện trên gây sốc là bởi mức độ bạo lực nghiêm trọng và tổng số thương vong đáng kể bất chấp việc 2 bên không dùng súng ống hay đạn dược. Trong khi đó, việc binh lính 2 nước xảy ra xung đột như vậy cũng gây không ít bất ngờ bởi quan hệ Trung - Ấn vốn tương đối ổn định.
Trong những năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như vẫn duy trì quan hệ nồng ấm với nhau, đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ song phương, cũng như nỗ lực hợp tác để giải quyết khác biệt, trong đó bao gồm những tranh cãi phức tạp về lãnh thổ trong một thời gian dài. Hai nhà lãnh đạo dường như còn đạt được sự hiểu biết chung về việc làm thế nào để củng cố mối quan hệ song phương sau khi Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Modi được tổ chức ở Vũ Hán hồi tháng 5/2018 và theo sau là một cuộc gặp không chính thức vào 17 tháng sau đó khi ông Modi tiếp đón ông Tập tại Mamallapuram.
Dù vậy, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn thiếu các cuộc đàm phán thực sự nhằm giải quyết tranh chấp về lãnh thổ cũng như không tạo ra bất kỳ tiến triển nào về việc phân chia rõ ràng hơn ranh giới về cái gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Bên cạnh đó, nhiều vòng đàm phán được tổ chức từ những năm 1980 vẫn chưa tạo được bước ngoặt hay đột phá đáng kể.
Trong khi đó, cả hai nước đều không hài lòng về tình trạng hiện tại và muốn chủ động tăng cường nắm giữ các vùng lãnh thổ tranh chấp mà mỗi bên kiểm soát. Trung Quốc và Ấn Độ đã tích cực tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng và nâng cấp các con đường ở khu vực biên giới của mỗi bên nhằm cải thiện khả năng tiếp cận quân sự.
Động cơ phía sau của Ấn Độ và Trung Quốc
Theo Gareth Price, học giả cấp cao tại Chatham House - một tổ chức nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở London nhận định, ông Narendra Modi muốn một Ấn Độ dưới thời ông là Thủ tướng phải được công nhận về sức mạnh và bình đẳng về mối quan hệ.
"Ấn Độ muốn được nhìn nhận bình đẳng với Trung Quốc và muốn thảo luận về một châu Á đa cực nhưng sau đó nước này đã nhận thấy Trung Quốc muốn chiếm ưu thế hoàn toàn ở châu Á".
Dù vậy, Price không cho rằng Ấn Độ muốn khiêu khích Trung Quốc để dẫn tới một cuộc chiến tranh, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch hoành hành như hiện nay.
Về phía Trung Quốc, chuyên gia này nhận định Bắc Kinh đang ngày càng quyết đoán hơn. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng hiện nay trong quan hệ Trung - Ấn là hệ quả của việc Trung Quốc phản đối Ấn Độ xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự ở khu vực biên giới những năm gần đây.
"Tôi tin là Trung Quốc lo ngại con đường Ấn Độ xây dựng dọc theo LAC, đặc biệt là con đường được hoàn thành vào năm ngoái, vốn có vai trò quan trọng trong việc kết nối Leh - thủ phủ Ladakh với Karakoram", Michael Kugelman - Phó Giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson nhận định.
Con đường Darbuk-Shyok-Daulat Beg Oldie (DSDBO) dài 255 km được Ấn Độ khánh thành vào năm ngoái, chạy gần như song song với khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời kết nối với Daulat Beg Oldie - một căn cứ quân sự của Ấn Độ và là nơi hạ cánh của các máy bay thuộc Lực lượng Không quân nước này.
Trong khi đó, hành lang kinh tế của Trung Quốc tới Pakistan và Trung Á đi qua Karakoram, gần với Thung lũng Galwan. Khu vực tranh chấp này còn gần với cao nguyên Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát nhưng Ấn Độ cũng khẳng định chủ quyền.
"Ladakh và đông Ladakh là những khu vực quan trọng để Trung Quốc tiếp cận Trung Á và dự án CPEC với Pakistan mà nước này đã đầu tư hàng tỷ USD. Trung Quốc lo ngại về cơ sở hạ tầng quân sự biên giới của Ấn Độ bởi việc này đe dọa đến nhiều lợi ích của Trung Quốc ở khu vực đó", Happymon Jacob, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru tại New Delhi nhận định.
Chuyên gia Kugelman cho rằng các nhân tố địa chính trị đóng vai trò nhất định trong những leo thang gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ, trong đó phải kể đến tam giác Mỹ - Ấn - Trung.
"Trong khi quan hệ Mỹ - Trung đang lao dốc thì quan hệ Mỹ - Ấn lại phát triển nhanh chóng. Tôi nghĩ Trung Quốc hiểu điều đó. Thông điệp của nước này với Ấn Độ là: "Nếu bạn muốn thân thiết hơn với kẻ thù của tôi thì hãy nhìn xem chúng tôi có thể đáp lại với bạn như thế nào", Kugelman giải thích, đồng thời đánh giá sự ủng hộ của Mỹ với Ấn Độ "ngày càng công khai và mạnh mẽ" trong thời gian này.
Quan hệ Trung - Ấn sẽ đi về đâu?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không muốn quan hệ 2 nước lao dốc bởi cả hai bên một mặt tìm cách duy trì tình hình biên giới ổn định, một mặt tiếp tục hưởng lợi qua quan hệ về kinh tế giữ hai nước với nhau.
Sau sự việc vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng các vấn đề Đối ngoại Ấn Độ S. Jaishankar đã có các cuộc điện đàm với nhau trong 48h hai bên giao tranh. Mặc dù cả hai đều kêu gọi bình tĩnh nhưng mỗi bên vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Ông S. Jaishankar cáo buộc hành động của Trung Quốc là "có dự tính và lên kế hoạch từ trước" trong khi Bắc Kinh ban hành một tuyên bố cáo buộc Ấn Độ làm leo thang căng thẳng "một cách có chủ đích".
Mối quan hệ Trung - Ấn dường như vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng trong tương lai nhưng cả hai sẽ hợp tác với nhau để tránh làm leo thang căng thẳng và hủy hoại toàn bộ mối quan hệ này. Trên thực tế, cả ông Tập và ông Modi đều phải đối mặt với những thách thức khó khăn khác ở trong nước, trong đó có cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và việc giải quyết các vấn đề lớn về kinh tế.
Tuy nhiên, những cuộc ẩu đả ở khu vực dãy Himalaya là không thể tránh khỏi bởi mỗi bên sẽ tiếp tục thúc đẩy các lợi ích lãnh thổ của mình trong khi từ chối đưa ra bất kỳ thỏa hiệp nào với phía đối phương. Việc những chỉ huy và quân đội ở địa phương tự giải quyết như thế nào sẽ quyết định mức độ và quy mô các cuộc xung đột trên tuy nhiên trách nhiệm cuối cùng vẫn nằm ở các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh và New Delhi.
Ngoài ra, việc chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc cũng trở thành câu hỏi cấp bách của Ấn Độ. Rõ ràng, bất chấp những cuộc gặp nồng ấm giữa ông Modi và Tổng thống Trump, quan hệ 2 nước vẫn còn rất nhiều trắc trở. Tuy nhiên, giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng cứng rắn và quyết đoán hơn về các tranh chấp lãnh thổ, một số quan chức Ấn Độ lo ngại nước này hầu như có rất ít lựa chọn ngoại trừ ngả về phương Tây.
Trong một bài bình luận đầu tuần này, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Gokhale đã nhận định rằng các quốc gia không thể phớt lờ hành động của Trung Quốc, cũng như phải đưa ra chọn lựa đứng về phía Washington hay Bắc Kinh.
"Trong kỷ nguyên hậu Covid-19, việc tận dụng những lợi thế từ mối quan hệ với cả 2 nước này sẽ không còn là một sự lựa chọn nữa", ông Gokhale khẳng định./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dung-do-bien-gioi-dam-mau-dong-co-thuc-su-cua-an-trung-la-gi-1062290.vov - theo vov.vn