Dùng bạo lực để giáo dục trẻ: Từ thói quen đến hành vi vi phạm pháp luật
10:00 09-03-2023
VOV.VN - Chúng ta đã cảnh báo, giáo dục cộng đồng nhiều về quyền trẻ em, nhưng thi thoảng cộng đồng lại dậy sóng với các vụ bạo hành đáng tiếc xảy ra. Có vẻ kiến thức pháp luật và phương pháp giáo dục của người lớn đối với trẻ nhỏ vẫn còn rất nhiều khoảng trống.
Liên tiếp xảy ra bạo hành trẻ em với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng khiến ai cũng đau lòng và suy nghĩ. Đó là vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị "dì ghẻ" hành hạ đến chết; vụ bé gái 6 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị bố đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre dẫn đến tử vong; vụ bé gái Đ.N.A. (3 tuổi, trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) bị người tình của mẹ hành hạ bằng các thủ đoạn như cho uống thuốc trừ sâu, đánh gãy tay, đóng đinh vào đầu. Hay gần đây nhất vụ cháy bé 17 tháng tuổi tại Thường Tín, bị 2 cô giáo hành hạ đến tử vong,…
Theo các chuyên gia, hiện tình trạng bạo hành trẻ em trong gia đình vẫn còn nhức nhối và ngày càng tăng. Mặc dù, những năm gần đây, việc tuyên truyền về quyền bảo vệ trẻ em, Luật trẻ em đã được đẩy mạnh, nhưng tình trạng trẻ bị hành hạ vẫn ở mức báo động. Đáng buồn hơn, không chỉ người ngoài, mà có đến hơn 70% thành viên trong gia đình (cha mẹ, ông bà hay chú bác ruột) thực hiện hành vi trên. Trong một số vụ cha dượng, mẹ kế hành hạ con trẻ, chính cha mẹ ruột cũng tiếp tay hoặc làm lơ để những kẻ thủ ác tiếp tục thực hiện hành vi đáng lên án với "núm ruột" của mình.
Qua theo dõi vụ bạo hành tại Thường Tín khiến bé 17 tháng tuổi tử vong, anh Trần K.N, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ rất bức xúc trước hành vi dã man của 2 bảo mẫu. Anh K. cho rằng, đây là hành động rất đáng lên án bởi nó gây ra tác động xấu tới xã hội khiến những người làm cha, làm mẹ khó có thể yên tâm gửi con đi làm như trước đây. Chính vì vậy, anh K. rất mong giới chức trách có các biện pháp xử lý nghiêm minh và ngăn ngừa những vụ việc tương tự.
Còn chị Vũ Thị L., trú tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết, chị cũng có con trai độ tuổi mẫu giáo, việc lựa chọn trường cho con khiến chị phải tham khảo, cân nhắc rất nhiều.
“Thời gian đầu con đi học, cháu về nhà có tỏ vẻ sợ hãi, hay khóc... tôi từng nghĩ chắc do con bị bạo hành bởi những vụ bạo hành trẻ gần đây luôn ám ảnh tôi. Tôi đã nhẹ nhàng, tỉ tê hỏi con, lúc đầu con sợ không dám nói, tôi đành nói dối "mẹ đã xem camera ở lớp con rồi", bé lúc này mới nói con bị cô đánh vào tay. Nhưng thay vì trách cô giáo, tôi hỏi con vì sao bị phạt? Con trả lời do không chịu ăn hoặc không chịu ngủ...”- chị L. nói.
Theo chị L., nghề giáo viên mầm non rất áp lực, do vậy, chị vẫn thường theo dõi các hoạt động trên lớp qua camera, thấy các cô vẫn ân cần chăm sóc các con, việc trẻ hư phải phạt là điều cần thiết: “Đặt địa vị người mẹ, con ko nghe lời đã khiến ta tức giận rồi, khi các cô phải chăm sóc hàng chục cháu, áp lực tăng lên cũng hàng chục lần. Tuy nhiên, chị cũng mong các cô phải thực sự bình tĩnh, không thể vì nóng giận mà trút lên đầu đứa trẻ, ảnh hưởng đến tâm lý, tính mạng của học sinh mình”.
Số liệu của Bộ Công An cho thấy, chỉ riêng năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện, xử lý. Năm 2021, con số này tăng lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi trẻ có xu hướng ở nhà nhiều hơn. Và còn rất nhiều trường hợp nạn nhân của bạo hành trẻ em rơi vào tình trạng nguy kịch, chỉ khi đến cấp cứu tại bệnh viện thì sự việc mới được đưa ra ánh sáng. Trên thực tế, trẻ bị bạo hành thường chỉ biết chịu đựng, dần mất đi khả năng phản kháng và có thể bị cô lập với xã hội.
Quan niệm sai lệch dùng bạo lực để giáo dục trẻ
Về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) cho biết, trước hết, nhiều người có quan niệm sai lệch là dùng bạo lực để giáo dục trẻ. Bạo lực là bạo lực, không có tác dụng gì tới việc giáo dục trẻ, đặc biệt nghiệm trọng là có những người lớn bạo lực với những trẻ quá nhỏ, mới mười mấy tháng tuổi, không có khả năng tự vệ, bảo vệ bản thân mình. Thêm vào đó, những người sử dụng bạo lực với trẻ em là thể hiện sự thiếu hiểu biết về quyền của trẻ, thiếu kiến thức pháp luật trong việc xâm hại đến thể xác, tinh thần của trẻ và cũng là sự thiếu hiểu biết, thất bại trong việc giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
Trong vụ việc gần đây khi 2 bảo mẫu hành hạ bé 17 tháng tuổi do quấy khóc, thực sự khiến cộng đồng tức giận. Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đòi hỏi sự đồng hành, kiên nhẫn và thấu hiểu, nếu có những người không có kỹ năng này, theo bà Linh là không phù hợp để làm người chăm sóc và nuôi dạy trẻ.
“Bạo lực là hành vi rất dễ quen và rất dễ leo thang, nếu những người chăm sóc trẻ bắt đầu sử dụng bạo lực, hôm nay trẻ làm mình không vừa ý, đánh vào tay trẻ 1 chút để trẻ im, hôm sau làm vậy chưa đủ sẽ đánh mạnh hơn, và có thể tăng dần cấp độ, càng ngày càng gây ra thêm các tác hại nghiêm trọng tới sức khoẻ thể chất và tinh thần trẻ, thậm chí mang lại các hậu quả đáng tiếc gây chết người” - chị Linh nói.
Theo bà Linh, câu khẩu hiệu vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ nghe rất hay nhưng cũng rất thách thức để thực hiện. Mỗi người lớn, mỗi bên liên quan cần hiểu rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc tạo môi trường an toàn và tối đa hoá tiềm năng của trẻ, đặt lợi ích của trẻ lên trên hết: "Tôi nghĩ, để phòng tránh bạo lực xâm hại trẻ em, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc truyền thông giáo duc cộng đồng về quyền trẻ em, phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực không nước mắt, đồng thời có các chế tài răn đe nghiêm khắc tới những cá nhân, tổ chức có các hành vi xâm hại tới quyền và lợi ích của trẻ, bạo lực xâm hại trẻ em".
Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng đại diện văn phòng Luật Kết nối cho rằng, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em 2016. Thế nhưng, sự tàn ác và dã man trong những vụ bạo hành trẻ em xảy ra thời gian qua đã cho thấy một dấu hiệu của sự suy thoái về đạo đức và cũng chính sự thờ ơ, vô cảm trong xã hội hiện nay. Những đứa trẻ đáng lẽ được sống trong sự yêu thương, nâng niu lại phải chịu những trận đòn roi kinh hoàng trong chính ngôi nhà mình, thậm chí có những vụ việc do chính bố mẹ đẻ gây ra. Thế nhưng đáng tiếc, những vụ việc nghiêm trọng như vậy lại đang có xu hướng tăng lên.
Đối với hành hành vi bạo hành trẻ em không gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, theo luật sư Hùng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017) bao gồm các tội sau: (Điều 134) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (Điều 128) Tội vô ý làm chết người; (Điều 123) Tội giết người; (Điều 140) Tội hạnh hạ người khác. Tùy tính chất, mức độ hành vi của các đối tượng mà các đối tượng có thể chịu mức án cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình tương ứng với tội danh của mình.
“Quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em còn lỏng lẻo, thiếu các chế tài đủ sức răn đe; việc quản lý nhà nước của cơ quan chức năng liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để nên không phát hiện, ngăn chặn kịp thời vụ bạo hành trẻ em. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em nhưng sự kết nối, phối hợp lại chưa chặt chẽ và cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi vụ việc bị phát hiện, dư luận lên tiếng”- luật sư Hùng nói.
Trẻ bị bạo hành không chỉ để lại sự day dứt cho gia đình mà đó còn là cho toàn xã hội. Vì vậy, theo luật sư Hùng, bên cạnh việc nghiêm trị kẻ bạo hành để răn đe, cần nhanh chóng tìm giải pháp để gia đình, nhà trường, xã hội phát huy được vai trò của mình, để những sự việc thương tâm không còn tái diễn./.
https://vov.vn/phap-luat/dung-bao-luc-de-giao-duc-tre-tu-thoi-quen-den-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-post1006131.vov - theo vov.vn